Mỗi khi chạm môi mình vào những giọt sương ở đó, con người luôn có cảm giác mình đang uống dòng sữa mẹ mãi mãi ngọt ngào.
Với tôi, chuyến đi này thật sự là một cuộc hành hương về với cội nguồn. Cội nguồn ấy là Cam Lộ (Quảng Trị), nơi chôn nhau cắt rốn của Mạ tôi tám mươi năm về trước.
Để rồi về sau, mảnh đất ấy mãi mãi là giọt sương ngọt lành ngấm vào da thịt trong từng ngày tôi sống, mỗi ngày đi qua. Đã từ lâu, tuổi trẻ của tôi thắc thỏm đợi chờ cái ngày mình được trở lại đứng trên chiếc cầu Đuồi ngắm nhìn phiên chợ làng, ngôi đình rợp tán cây xanh và xóm, thôn trên biền bãi dọc đôi bờ sông Hiếu. Trong tâm trí của tôi, những hình ảnh đó cùng khoảng thời gian gần nửa đời người với bao chuyến đi xa, có nhiều buồn vui tán tụ làm nên tâm trạng bồn chồn háo hức của tôi trước chuyến đi này.
Sáng tinh mơ. Chiếc xe khách ngược đường 9. Trong lúc mải mê nhìn ngắm cảnh vật xung quanh đang lần lượt hiện ra trước mắt qua ô cửa nhỏ, tôi thấy rõ vô vàn giọt sương lớn nhỏ đang đọng trên cành lá của cây cối hai bên đường. Những giọt sương long lanh, trong suốt như thế đã có trong ký ức của tôi từ cái ngày tôi ngây ngô hỏi Mạ: -“Tại sao quê mình được gọi là Cam Lộ?”. Ánh mắt của Mạ tôi lúc đó trìu mến và hiền như ý nghĩa của tên gọi miền đất cha ông. Lớn lên, qua bài học lịch sử ở trường tôi biết thêm về vó ngựa của Lý Thường Kiệt, thuộc lòng câu chuyện Huyền Trân công chúa thành hoàng hậu Chiêm Thành mà tự hào với tên gọi Việt Thường từ xa xưa.
Đặt chân lên con đường vào khu chợ làng ngày nào tôi vẫn nhớ, tôi có cảm giác mình vừa mới tập đi những bước chân đầu tiên. Nắng đang lên, nắng chiếu xuống hàng cây ở hai bên đường và những thửa ruộng xanh mơn mởn nhấp nhô gợn sóng khi ngọn gió ban mai nhẹ nhàng lướt qua.
Phiên chợ làng hôm nay cũng đã được bắt đầu bởi đã có những cô gái gánh rau quả đi về phía chợ. Hiếu nhận ra tôi giữa qua lại những người vào ra trước chợ. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Vòng tay của Hiếu rắn rỏi và thân ái. Lòng tôi dịu lại khi Hiếu đưa tôi vào nhà, nghe Hiếu vui mừng giới thiệu tôi với những người gặp trên đường. Chén nước chè xanh sóng sánh trên tay Hiếu đưa cho tôi với nụ cười giúp tôi hiểu, với những người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cam Lộ, dù có đi đâu về đâu và làm gì chăng nữa thì hương vị của chén nước chè xanh ấy vẫn không hề phai nhạt trong tâm tưởng.
Tôi nhẩm tính khoảng thời gian mình chỉ được sống với quê mẹ trong thương nhớ theo miền ký ức đằng đẵng về nơi đã và đang cho mình rất nhiều yêu thương. Cho dẫu giờ đây, đường đi lối lại ở đây đã khác trước rất nhiều thì tôi vẫn muốn tự mình tìm đến với những gì mà ngày trước tôi đã từng quen thuộc. Thời gian đã đắp đổi cho cuộc sống của những con người ở hai bờ dòng sông Hiếu hiền hòa này bao nhiêu là mới mẻ và tôi vẫn là một người con của Cam Lộ, sẽ khám phá thêm những điều mà mình từng rõ, đã tường ở quê nhà.
Vẫn còn đó là bờ tre, gốc rạ trên lớp đất phù sa của cánh đồng làng, là giếng nước tươi trong trước sân nhà mát rượi bàn tay bao con người sớm chiều lam lũ chắt chiu cho cuộc sống. Trước mắt tôi là màu xanh của tre và lúa đã tươi thắm hơn nhiều so với hàng chục năm về trước. Dòng kênh chở nước vào những thửa ruộng hôm nay đầy ăm ắp đem đến cho con người lòng kiêu hãnh trước mùa khô sắp đến. -“Ở quê mình, yên tâm đi, không còn nữa những ngọn gió hoang hoải thổi qua từng đêm khô nóng, ruộng vườn không còn cây xấu hổ và cỏ tranh, cỏ ống. Mình dám nói Cam Lộ đã có những bờ xôi ruộng mật”, giọng của Hiếu trầm ấm. -“Lúc nhỏ, mơ ước của mỗi đứa mình là một Cam Lộ có đồng lúa xanh tươi”, tôi nói khi mắt vẫn hút trong xanh thẳm của lúa, lấp lánh của nước và thấy rằng điều mơ ước đó đã, đang là hiện thực của quê mình.
Giờ đây, quê tôi đã có thể khoe với trời đất những con đường dọc ngang nối liền các thôn, xóm ngày lại ngày ửng hồng trong nắng. Màu đất đỏ bazan cứ thế không hề nhạt phai, như niềm tin của con người sống, làm việc và mơ ước trên nó.
Những dãy nhà san sát ở hai bên đường 9, tường vôi xanh tươi và vàng ấm đã làm nên phố mới cho lời thừa nhận Cam Lộ đã đổi sắc thay da thêm phần mạnh mẽ. Lớp trẻ của quê tôi giờ đã được học hành chu đáo hơn nhiều lần so với cái thuở tôi cùng bạn bè hát câu ca mơ ước: -“Cam Lộ quê em có đồng lúa xanh tươi, chiều chiều đàn em cắp cặp sách tới trường”. Những ngôi trường cao bề thế cho các lứa tuổi đang vang vọng tiếng đọc bài, tiếng vui đùa ríu rít của trẻ thơ. Ngày còn bận bịu với công việc và niềm khắc khoải được trở lại quê nhà, tôi đã nghe nhiều về những gì mà con người ở quê ngoại của mình đang làm được.
Đó là một vùng Tân Lâm xanh ngắt với bạt ngàn hồ tiêu, cao su, dâu tằm cùng ngọt mát dòng nước khoáng thiên nhiên. Là vùng lúa từ bãi chiến địa hoang tàn đỏ thắm đất bazan quyện máu và nắng lửa đã tươi xanh trở lại với những gò đồi được trồng cây công nghiệp. Là các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu... trở thành vùng trọng điểm lúa. Rồi đến ngày thành lập lại huyện Cam Lộ, con người trên mảnh đất anh hùng này đã vượt lên những trở ngại của một vùng quê nghèo khó để làm nên cuộc đổi mới kỳ diệu về đời sống kinh tế- xã hội của chính mình.
Không phải ngẫu nhiên mà các loài hổ, sói đỏ và bò xám đã xuất hiện ở vùng Cùa. Đất lành chim đậu là lẽ tự nhiên thì rừng yên đồi lặng mới làm cho các loài thú quý hiếm như thế tìm về trú ngụ. Cùng với bao người khác đang làm cho đất Việt Thường tổ tiên thêm tươi xanh và yên bình, tôi có thể đặt vào lòng mình đôi chút tự hào như thế.
Vị cay nồng của hạt tiêu, màu trắng của dòng nhựa cao su và những nén tơ óng ả, những lạc, vừng, ngô, đậu cùng đàn trâu, bò béo mộng đang cho tôi niềm hy vọng về sự giàu đẹp của quê ngoại trong những thời gian tới. Làm sao không tin được như thế khi đi trên con đường xuyên Á kéo ngang Cam Lộ để về cảng Cửa Việt làm nên một chặng dài xa lộ băng qua cánh đồng Trào Ba, băng qua dòng sông Hiếu, xuôi về Sòng, vượt Cam An... rồi đến với cảng biển rộng mở ở chân trời.
Hiện thực đó đã làm lòng người trên quê ngoại của tôi rộn ràng vui chi lạ. Để có được những niềm vui như thế, người và đất Cam Lộ thân thương của tôi đã trải qua những mùa đói lả với bo bo và khoai, sắn. Ruộng vườn khô nẻ chân chim dưới nắng hạ gió Lào tưởng không bao giờ dứt. Ngọn rau má dẫu có muốn cũng chẳng thể xanh hơn trong thời bao cấp đợi chờ từng chỉ thị của cấp trên.
Nhưng thời gian và nỗi gian truân không làm con người buông chiếc cuốc chim đào xới đất cằn mà đắp đập ngăn hồ chứa nước để làm ruộng lúa, nương dâu xanh tươi trở lại. Con người Cam Lộ vẫn từng ngày chinh phục thiên nhiên, vẫn đầu tư cho trái tim và khối óc của mình bằng cả niềm ưu ái ngọt ngào, chân chất và đằm thắm của hàng ngàn năm trước đến bây giờ, đến mai sau. Vì thế, con cháu của những người từng mang xẻng đi khơi những dòng nước chảy vào mảnh đất này được học hành dưới những mái trường của ngày hôm nay.
Đêm xuống dần. Phiên chợ làng đã vãn từ lâu, tán cây nơi sân đình thẫm lại, tiếng xe chạy qua cầu Đuồi nghe rõ mồn một. Lòng tôi chợt rộn lên khi nhìn thấy ánh điện bắt đầu chiếu sáng trong từng mái nhà dọc hai bờ sông Hiếu, ở phía gò đồi.
Bước đi trên những con đường đã được mở rộng giữa làng ngoại của mình, tôi hiểu rằng thôn này xóm kia giờ đây không còn cách xa nhau vời vợi. Bởi đã có những con đường mà hôm qua và hôm nay được con người làm nên để nối gần những nẻo vui của cuộc đời đẹp dần hơn thêm trước mưa nắng mênh mang.
Đó là những miền đất của quê hương đang trở thành các thung lũng lá và hoa. Ở đó, mỗi khi đêm xuống hay bình minh lên, có vô vàn những giọt sương long lanh. Mỗi khi chạm môi mình vào những giọt sương ở đó, con người luôn có cảm giác mình đang uống dòng sữa mẹ mãi mãi ngọt ngào.