Mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản của Cam Lộ

Lê Trường |

Những năm gần đây, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tích cực tìm kiếm thị trường, liên kết với doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị sản phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc một số sản phẩm của huyện Cam Lộ được những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu chấp nhận là tín hiệu tích cực, mở ra hướng phát triển mới cho nền kinh tế của địa phương.

Sản phẩm từ gỗ rừng trồng xuất khẩu sang châu Âu

Được thành lập và bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2015 tại Cụm Công nghiệp Cam Thành (huyện Cam Lộ), đầu năm 2021, Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ chuyển sang chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ nội, ngoại thất như giường, bàn, tủ, ghế và hàng gia dụng bằng gỗ. Trong số đó, nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang các nước ở châu Âu và Mỹ. Trưởng Phòng Tổ chức Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ Nguyễn Văn Dương cho biết, tính đến tháng 10/2021, công ty xuất khẩu khoảng 300.000 sản phẩm (bàn, ghế…) qua thị trường châu Âu và Mỹ với doanh thu ước tính khoảng 6 - 7 triệu USD.

“Để sản phẩm từ gỗ rừng trồng của Việt Nam được thị trường châu Âu chấp nhận, trước hết công ty phải có chứng nhận BSCI (Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh của Hiệp hội Ngoại thương FTA). Đối với sản phẩm thì phía công ty phải tuân thủ nghiêm túc việc sản xuất theo đúng mẫu mã do phía đối tác đặt hàng. Riêng đối với sản phẩm do chính công ty tạo mẫu, thiết kế thì phải gửi cho đối tác xem xét và kiểm duyệt trước khi sản xuất hàng loạt”, ông Dương cho biết thêm.

Công nhân Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ sơ chế gỗ để sản xuất bàn, ghế xuất khẩu sang châu Âu - Ảnh: L.T
Công nhân Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ sơ chế gỗ để sản xuất bàn, ghế xuất khẩu sang châu Âu - Ảnh: L.T

Cũng theo ông Dương, nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm bàn, ghế, đồ gỗ nội, ngoại thất… xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ gồm 40% là gỗ tràm có chứng nhận FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững) được nhập từ các lâm trường trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận; còn lại 60% nguyên liệu là gỗ teak (hay còn gọi gỗ tếch) và gỗ bạch đàn (có chứng chỉ FSC) được nhập khẩu từ các nước châu Phi và Nam Mỹ do ở Việt Nam các loại gỗ này không đủ đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Để đảm bảo số lượng hàng xuất khẩu, hiện nay Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ đang mở rộng quy mô và nhà xưởng sản xuất.

Tính đến tháng 11/2021, công ty có trên 400 lao động đang làm việc, chủ yếu đến từ các địa phương trên địa bàn huyện Cam Lộ và Gio Linh. “Hiện nay phía công ty cũng đang tuyển thêm lực lượng lao động địa phương, trong đó ưu tiên các công nhân trở về từ miền Nam do ảnh hưởng COVID-19. Đồng thời, đang gấp rút xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy bao bì đóng gói riêng từ cuối năm 2022 để hoàn thiện hệ thống sản xuất hàng xuất khẩu từ gỗ của công ty và tạo thêm việc làm cho người dân trên địa bàn”, ông Dương thông tin thêm.

Nỗ lực để trở thành “Trung tâm dược liệu”

Cam Lộ được biết đến là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu các loại. Tỉnh Quảng Trị đang tập trung hỗ trợ để huyện Cam Lộ ứng dụng công nghệ chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu; ban hành chính sách hỗ trợ người dân; tiến hành điều tra, đánh giá tiềm năng một số dược liệu quý. Qua đó, chọn ra bộ sản phẩm dược liệu có giá trị thương mại cao; quy hoạch vùng sản xuất, định hướng khai thác gắn với bảo tồn các loại dược liệu quý.

Cam Lộ hiện là địa phương dẫn đầu tỉnh khi có nhiều sản phẩm nhất được công nhận và xếp hạng trong chương trình OCOP. Đáng chú ý, tất cả sản phẩm OCOP ở huyện Cam Lộ đã được xếp “hạng sao” đều được chế biến từ các loại cây dược liệu. Trong số đó, các sản phẩm đạt 4 sao gồm: Cao cà gai leo An Xuân, cao chè vằng Mai Thị Thủy và cao cà gai leo Lê Hồng Nhạn. Các sản phẩm đạt 3 sao gồm: Tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé Trường Sơn, dầu ăn cho bé Super Green, tinh bột nghệ vàng nguyên chất nghệ Cùa, cao cà gai leo Mai Thị Thủy.

Đó là những tiền đề quan trọng để Cam Lộ phấn đấu trở thành “Trung tâm dược liệu” của tỉnh. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường, liên doanh liên kết tìm đối tác, tháng 4/2021 vừa qua, lô hàng gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của huyện được đóng gói để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là lần đầu tiên sản phẩm cao dược liệu của nông dân huyện Cam Lộ được một thị trường khó tính như Mỹ chấp nhận. Đây là tín hiệu tích cực đối với người trồng cây dược liệu ở Cam Lộ nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Để sản phẩm cao dược liệu an xoa xuất khẩu được, thời gian qua, huyện Cam Lộ đã cùng với nông dân tích cực, nỗ lực từ khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm đến đóng gói, hoàn thiện mẫu mã, nhãn mác. Điều quan trọng hơn là đã tìm được sự kết nối với Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS tại Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp tiến hành các bước cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên.

Trước khi chấp nhận sản phẩm cao dược liệu an xoa của Cam Lộ, phía đối tác đã lấy mẫu để phân tích thành phần dược tính, kiểm định chất lượng sản phẩm hết sức nghiêm ngặt. Theo biên bản ghi nhớ giữa huyện Cam Lộ và Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2021, mỗi tháng Cam Lộ sẽ nhập gần 1 tấn cao dược liệu an xoa; từ tháng thứ 7/2021 trở đi, khi đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu tại chỗ, phía đối tác sẽ nhập từ 2-3 tấn mỗi tháng với giá khoảng 1,7 tỉ đồng/tấn. Để có vùng nguyên liệu cây an xoa ổn định đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ về cả chất lượng lẫn số lượng, huyện Cam Lộ đã xây dựng vùng trồng loại cây này ở các xã Cam Thành, Cam Nghĩa và Cam Hiếu. Các vườn cây an xoa đều được trồng theo hướng sản xuất hữu cơ và ứng dụng hệ thống tưới nước tự động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, mô hình liên kết với doanh nghiệp trồng 3,5 ha cây dược liệu an xoa để chế biến xuất khẩu sang Mỹ rất thành công khi cây này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. An xoa trồng trong khoảng 7 - 8 tháng đã cho thu hoạch, với giá bán tại vườn là 10.000 đồng/kg tươi, ước tính cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. “Tới đây, huyện Cam Lộ sẽ triển khai nhân rộng vùng nguyên liệu an xoa tập trung lên tới 50 ha cung cấp nấu cao xuất khẩu; đồng thời lên kế hoạch xây dựng thương hiệu và tham gia xếp hạng theo OCOP với sản phẩm này”, ông Trần Hoài Linh cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Một mô hình liên kết chế biến nông sản thành công

Trần Anh Minh |

Trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, liên kết là chìa khóa giúp các cơ sở sản xuất thành công, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia và huy động được nguồn lực đầu tư để phát triển một nền sản xuất bền vững. 

Nông dân Hướng Hóa phấn khởi vì nông sản được mùa, được giá

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, cây cao su và cây sắn đã trở thành những cây trồng chủ lực cùng với các loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, chuối..., đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đặc biệt, thời gian gần đây, giá mủ cao su và sắn nguyên liệu có tăng lên, đã giúp nhiều người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh

Thanh Trúc |

Tác động kéo dài của COVID - 19 khiến nhiều loại nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là các loại rau, củ, quả, con nuôi đang vào thời kỳ thu hoạch. Từ thực tế này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp để kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, không để chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.

Xuất khẩu nông sản 10 tháng tăng hơn 13%

Đỗ Hương |

Bộ NN&PTNT cho biết, trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông lâm, thuỷ sản ước đạt trên 74,3 tỷ USD. Riêng xuất khẩu ước đạt gần 38,75 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.