Tác động kéo dài của COVID - 19 khiến nhiều loại nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là các loại rau, củ, quả, con nuôi đang vào thời kỳ thu hoạch. Từ thực tế này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực triển khai các giải pháp để kết nối, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, không để chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.
Nông sản gặp khó trong tiêu thụ
Tìm đầu ra cho nông sản vốn đã là “bài toán” khó, trong điều kiện dịch bệnh thị trường tiêu thụ trong nước trì trệ, đứt gãy lại càng nan giải hơn. Anh Lê Đình Định, ở thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh triển khai mô hình nuôi cá bè trên bàu Thủy Ứ từ năm 2018. Trước đây, mỗi năm anh xuất bán từ 3,5 - 4 tấn cá diêu hồng và cá trắm. Tuy nhiên vụ nuôi năm nay, đã đến thời kỳ thu hoạch cá nhưng thương lái ở các tỉnh gặp khó khăn khi vào thu mua khiến anh rất lo lắng. Đối với thị trường trong tỉnh, có thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn buộc đóng cửa dài ngày nên sản lượng tiêu thụ ít.
“Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là với các loại thủy hải sản, nông sản đã đến thời kỳ thu hoạch để giảm tổn thất cho nông dân”, anh Định nói.
Trong điều kiện bình thường, những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... là đầu mối tiêu thụ nhiều hàng hóa nông sản của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra. Đơn cử như với sản phẩm lúa vụ hè thu 2021, sau khi thu hoạch người dân đã bán cho thương lái với số lượng khá lớn, tuy nhiên giá thu mua thấp hơn 500-700 đồng/kg so với vụ đông xuân 2020-2021. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Triệu Phong chọn giải pháp cất giữ lúa chờ giá cao mới bán, ước tính khoảng 1.000 tấn. Riêng đối với lúa hữu cơ ở Hải Lăng còn tồn 20 tấn, việc tiêu thụ chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa còn tồn kho khoảng 155 tấn cà phê nhân niên vụ 2020. Trong khi đó, cà phê niên vụ 2021 chuẩn bị thu hoạch, dự kiến có thêm 230 tấn nhân. Tương tự đối với sản phẩm chuối, theo thống kê, hằng tháng lượng chuối không tiêu thụ được là khoảng 300 tấn. Trước đây sản lượng này xuất sang Thái Lan, Trung Quốc nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, các thủ tục phức tạp, làm tăng chi phí nên việc xuất khẩu chuối rất hạn chế. Ngoài ra, sản phẩm tôm, các loại củ như từ, tía, sắn dây... sắp đến thời kỳ thu hoạch, dự báo sẽ khó khăn trong tiêu thụ.
Nhà nước - doanh nghiệp phải cùng chung tay
Thời gian này, nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang vào vụ thu hoạch sắn. Toàn huyện triển khai trồng 5.070 ha sắn, ước tính sản lượng khoảng 85 nghìn tấn củ tươi. Theo kế hoạch, từ đây đến hết năm 2021 người dân sẽ tiến hành thu hoạch khoảng 2.500 ha, diện tích còn lại sẽ thu hoạch từ tháng 1- 4/2022. Ông Hồ A Lâng, ở Bản 1, xã Thuận cho biết: “Năm nay sắn được mùa, được giá. Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi thu mua với mức giá cao nên người dân rất phấn khởi”.
Với phương châm hỗ trợ tối đa cho người dân trong việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã chỉ đạo Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp để thu mua sắn cho người dân.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết: “Giải pháp của công ty là chỉ đạo nhà máy cử người về tận thôn, bản nắm số lượng sắn thu hoạch, ưu tiên những địa bàn khó, dễ ngập lụt thì hướng dẫn người dân thu hoạch để thu mua trước. Những nơi nào đường sá khó khăn đi lại thì hỗ trợ đổ đất làm đường sơ bộ để người dân thuận lợi đi lại. Chúng tôi nâng mức giá thu mua sắn, bình quân 2,5 triệu đồng/tấn củ tươi, đồng thời hỗ trợ thuê xe vận chuyển đến tận rẫy thu mua để tiết kiệm chi phí vận chuyển cho người dân, linh động thời gian nhập nguyên liệu từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm mỗi ngày. Hiện nay mỗi ngày nhà máy thu mua 1.000 tấn củ tươi. Về đầu ra, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, chúng tôi mở rộng kết nối với nhiều nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản để tạo thị trường đầu ra ổn định”.
Ngoài sự chủ động, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân của các doanh nghiệp, việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, không để chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa bị đứt gãy là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các ngành, các địa phương hiện nay. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức sản xuất, có hai vấn đề cần giải quyết trước mắt là hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Trong đó, đối với việc hỗ trợ thu hoạch, các địa phương cần rà soát, thống kê và thông tin sản lượng nông sản trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ, giá cả, người là đầu mối chịu trách nhiệm phân phối, kết nối, thương thảo tiêu thụ hàng hóa… để báo cáo cho ngành chức năng là Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương. Từ đó các ngành tăng cường hỗ trợ người sản xuất kết nối với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như Co.opmart, VinMart, các nhà phân phối, các cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh... để đưa sản phẩm vào tiêu thụ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cửa hàng nông sản, cửa hàng tiện ích… tăng thêm điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh trên cơ sở phải đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết: “Trước mắt, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng phối hợp với các địa phương để tiếp tục thực hiện khâu tiêu thụ, nhất là một số loại nông sản chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Trong đó, tập trung hỗ trợ các đơn vị, hộ sản xuất liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị bưu chính để đưa hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử. Đồng thời, giới thiệu quảng bá, tìm hiểu thị hiếu khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương”.
Cùng với đó, các ngành chức năng cần tích cực thúc đẩy việc quảng bá, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, giới thiệu hàng hóa nông sản của tỉnh đến sở công thương các tỉnh để kết nối tiêu thụ. Chủ động vận động xúc tiến, mời gọi các đối tác tiêu thụ lớn như hệ thống siêu thị (Co.opmart, VinMart, ...), các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm tiêu biểu của hộ gia đình, hợp tác xã lên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba…. Xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp, mời gọi, hỗ trợ thương lái vào địa bàn thu mua, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn được thuận lợi nhưng phải đảm bảo phòng dịch theo quy định.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Khuyến khích người dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm giá thành giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó có các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Cùng với các ngành chức năng, các địa phương cần tích cực tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích và hỗ trợ các nhà máy nâng công suất chế biến nông sản, tập trung vào phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông. Tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về đất đai, tín dụng để mở rộng vùng nguyên liệu. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)