Hướng Hóa: Hàng trăm tấn nông sản không tiêu thụ được do COVID-19

Ngọc Trang |

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ nông sản của người dân, UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn các địa phương rà soát sản lượng nông sản thu hoạch và rà soát nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện; cung cấp thông tin về hội chợ, sàn thương mại điện tử để các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể OCOP bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch các loại nông sản chủ lực đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng.

Qua rà soát, ngoài sắn được Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua kịp thời thì vẫn còn hàng trăm tấn nông sản đang bị tồn đọng. Cụ thể, sản lượng cà phê thu hoạch năm 2020 còn tồn khoảng hơn 165 tấn nhân khô tại kho của các doanh nghiệp thu mua, chế biến do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế, phong tỏa và các dịch vụ ăn uống, giải khát tạm dừng hoạt động, các đơn hàng ngoại tỉnh và các nước trong khu vực tạm hoãn nhập khẩu mặt hàng cà phê.

Cảnh thu mua sắn của Nhà máy tinh bộ sắn Hướng Hóa
Cảnh thu mua sắn của Nhà máy tinh bộ sắn Hướng Hóa

Mặt hàng chuối quả bị ứ đọng tại vườn cây bình quân khoảng 300 tấn/tháng do không xuất khẩu được sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc. Sản phẩm chanh leo thời điểm cuối vụ giá cả xuống thấp (5.000 – 8.000 đồng/kg) do các công ty thu mua hợp đồng liên kết thuộc địa bàn các tỉnh bị phong tỏa, dừng sản xuất.

Nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện phù hợp với trạng thái bình thường mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, UBND huyện Hướng Hóa đã đề xuất các cấp, các ngành liên quan tạo điều cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn huyện được thu mua, vận chuyển nông sản qua các cửa khẩu phụ với nước bạn Lào nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng theo các hợp đồng.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm đang tồn ứ như cà phê, chuối. Có chính sách hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để các chủ thể đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thanh Trúc |

COVID-19 tác động lớn đến hoạt động kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của địa phương. Để tháo gỡ khó khăn này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nỗ lực để đưa nông sản và các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy sản xuất, lưu thông, xuất khẩu nông sản

T.L |

Trong những tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành; sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thay đổi tư duy tiêu thụ nông sản

Thanh Trúc |

Không phải đến thời điểm COVID- 19 xuất hiện và kéo dài đến nay, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội, nông sản Việt Nam nói chung và các nông sản có thương hiệu ở các địa phương nói riêng mới lâm vào tình cảnh khó khăn về tiêu thụ. Việc người dân cả nước chung tay “giải cứu nông sản” thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với người nông dân song cho thấy đó là nền nông nghiệp không ổn định. Đồng thời, điệp khúc “giải cứu nông sản” lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông thời gian qua vô tình đã làm cho giá trị lẫn giá cả các loại nông sản giảm sút, tác động không tốt tới thương hiệu sản phẩm.

Vượt dịch, nông sản Việt nối nhau xuất ngoại

Phong Nguyễn |

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tổng giá trị xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản của Việt Nam của riêng 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng nói là XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Châu Mỹ tăng 56,7%, XK sang Châu Đại Dương tăng 29,2%, XK sang Châu Á ước tăng 18,2%, Châu Phi tăng 11,8%...