Thay đổi tư duy tiêu thụ nông sản

Thanh Trúc |

Không phải đến thời điểm COVID- 19 xuất hiện và kéo dài đến nay, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội, nông sản Việt Nam nói chung và các nông sản có thương hiệu ở các địa phương nói riêng mới lâm vào tình cảnh khó khăn về tiêu thụ. Việc người dân cả nước chung tay “giải cứu nông sản” thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với người nông dân song cho thấy đó là nền nông nghiệp không ổn định. Đồng thời, điệp khúc “giải cứu nông sản” lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông thời gian qua vô tình đã làm cho giá trị lẫn giá cả các loại nông sản giảm sút, tác động không tốt tới thương hiệu sản phẩm.

Vụ vải thiều năm 2021 trúng vào thời điểm COVID - 19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp xuất khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị với các doanh nghiệp hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều ở địa phương. Công tác lưu thông giữa các địa phương còn một số khó khăn nhất định do các tỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Và yếu tố quan trọng nhất là chưa có giải pháp tối ưu để bảo quản nông sản trong thời gian dài, công nghệ bảo quản chủ yếu vẫn là ướp lạnh tạm thời nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

 

Trước tình hình đó, đầu tháng 6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 với 22 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore. Ngay sau hội nghị này, ngày 11/6/2021, Cục Quản lý thị trường Quảng Trị phối hợp với Bưu điện tỉnh và siêu thị Co.op mart Đông Hà chung tay hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ 10 tấn vải thiều. Đây mới là chuyến hàng đầu tiên, theo kế hoạch các đơn vị sẽ kết nối tiêu thụ cho nông dân tỉnh Bắc Giang 40 tấn vải thiều. Sản phẩm vải thiều tỉnh Bắc Giang trước khi mang đi tiêu thụ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có giấy xác nhận an toàn COVID-19 và được niêm yết công khai giá cả. Điều đáng mừng là ngay trong ngày đầu tiên các đơn vị triển khai tiêu thụ sản phẩm tại điểm bán của siêu thị Co.op mart Đông Hà và các kênh bán lẻ của Bưu điện tỉnh, 10 tấn sản phẩm đã được bán hết, thậm chí rất nhiều đơn hàng của người tiêu dùng đặt phải chờ sản phẩm của đợt tiếp theo. Ngoài ra, hiện nay Liên đoàn Lao động tỉnh cũng có chương trình kết nối tiêu thụ vải thiều cho nông dân tỉnh Bắc Giang.

Sở Công thương Bắc Giang thống kê đến ngày 1/6/2021, toàn tỉnh tiêu thụ được 22.749 tấn vải thiều, trong đó sản lượng xuất khẩu ước đạt 7.943 tấn, thị trường Trung Quốc chiếm 7.884 tấn, Nhật Bản 45 tấn và Mỹ 5 tấn. Được biết, giá vải thiều tại thị trường Nhật Bản tính theo giá tiền Việt Nam đồng là 340.000 đồng/kg và hiện đang “cháy hàng”. Như vậy có thể thấy, giá cả nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản là không hề rẻ.

Mặc dù tình hình tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nhưng mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó đề nghị tiếp tục quan tâm tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang, việc vải thiều Bắc Giang đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ... Đặc biệt, Bắc Giang đề nghị không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Vì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá trị và giá cả nông sản của tỉnh giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của nông dân.

Trong một thời gian dài, chúng ta không xa lạ gì với việc nhiều sản phẩm nông sản như củ cải, bắp cải, quả vải, dưa hấu, hành tím, chuối, đường cát, ớt… bị ùn ứ, phải hô hào người dân mua hỗ trợ mỗi khi nông sản được mùa nhưng mất giá. Cũng không phải ở đâu xa xôi mà ngay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhiều sản phẩm nông sản đang gặp khó về nguồn tiêu thụ. Thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, nhiều sản phẩm của địa phương như chuối, sắn củ, tôm thẻ chân trắng, các nục, cá cơm, cà phê, cao thực vật… cần được hỗ trợ tiêu thụ. Trong đó, hiện còn tồn 13.000 tấn tinh bột sắn, 250 tấn cà phê của vụ trước, 15 tấn cao thực vật chưa có thị trường tiêu thụ; sản phẩm chuối quả với sản lượng 120 tấn/tháng cần được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương hỗ trợ tiêu thụ… Nguyên nhân phần lớn do ảnh hưởng của COVID - 19 khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đồng hành với các doanh nghiệp thu mua các sản phẩm như chanh leo, lúa hữu cơ... cho người dân. Tổ chức 2 cuộc triển lãm để giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng, giới thiệu các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành. Tuy nhiên, nỗ lực này không đủ đảm bảo để nông sản địa phương có đầu mối tiêu thụ bền vững.

Để giải bài toán tiêu thụ nông sản một cách căn bản, Sở Công thương đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó chú trọng các giải pháp như tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản, giảm rủi ro, hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường, từng bước mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Hiện đại hóa công tác sản xuất, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và các nước nhập khẩu. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản kết nối kênh thông tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng, cung cấp thông tin, kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nghiên cứu xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh như hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, gạo hữu cơ, tinh dầu, thủy hải sản, cây ăn quả… Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác kinh doanh và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, hướng dẫn bảo hộ thương hiệu sản phẩm độc quyền…Đây chính là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương làm căn cứ thực hiện nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản hiệu quả trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Trung Quốc mở 14 khu tập kết nhập khẩu nông sản Việt Nam

Nguyễn Quỳnh |

Trung Quốc đơn giản thủ tục thông quan, khuyến khích và sẵn sàng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao của Việt Nam.

Đẩy nhanh thông quan nông sản tươi tại cửa khẩu: Thủ tục 1-3 phút/xe

Vũ Long |

Các bộ, ngành, địa phương cùng cơ quan chức năng 2 nước Việt Nam-Trung Quốc đang tạo mọi điều kiện để lưu thông nông sản tại cửa khẩu biên giới.

Vượt dịch, nông sản Việt nối nhau xuất ngoại

Phong Nguyễn |

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng tổng giá trị xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản của Việt Nam của riêng 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng nói là XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Châu Mỹ tăng 56,7%, XK sang Châu Đại Dương tăng 29,2%, XK sang Châu Á ước tăng 18,2%, Châu Phi tăng 11,8%...

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19

An Phong |

Ngày 14/5/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.