Ngày 14/5/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong những tháng đầu năm 2021, COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nhiều nước đối tác của Việt Nam. Ở trong nước, COVID-19 đã và đang tác động nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, trong đó có nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề… Nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỉ USD (tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020).
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện COVID-19, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp như: Điều chỉnh sản xuất nông nghiệp và tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; thuận lợi hoá thông quan, hạ tầng logistic; thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước…
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu lớn cũng đã thảo luận, chia sẻ các khó khăn và đề xuất hỗ trợ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương bám sát chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ; theo dõi sát tình tình dịch bệnh cũng như tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT bố trí cán bộ trong hoạt động kiểm dịch động, thực vật, hỗ trợ giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp; đồng thời tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT tháo gỡ khó khăn cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản…
Đề nghị Bộ Công thương phối hợp thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh khi có vướng mắc (đặc biệt tại các cửa khẩu). Các địa phương phải tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ. Các hiệp hội, ngành hàng phát huy vai trò, phối hợp với các ngành chức năng để thông tin kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai ở các địa phương.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)