Cần gắn kết nông sản với phát triển du lịch

Lâm Thanh |

Những năm gần đây, sản phẩm nông sản Quảng Trị ngày càng phát triển, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Việc đưa sản phẩm nông sản của tỉnh gắn với phát triển du lịch cũng bắt đầu hình thành, tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế của địa phương thì vẫn chưa phát triển hài hòa, tương xứng.

Thiếu tính chuyên nghiệp

Toàn tỉnh hiện có 53 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao và 46 sản phẩm 3 sao. Chương trình OCOP đã phát huy được nội lực và gia tăng giá trị cho từng sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, nhiều sản phẩm đặc sản vùng, miền của Quảng Trị đã được chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, giá trị để từ đó trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng phục vụ ngành du lịch.

Nông sản địa phương do người dân bày bán ở Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc khiến khách du lịch nước ngoài tò mò - Ảnh: L.T​
Nông sản địa phương do người dân bày bán ở Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc khiến khách du lịch nước ngoài tò mò - Ảnh: L.T​

Để gắn kết nông sản với phát triển du lịch, ngay sau khi hình thành những sản phẩm OCOP đầu tiên, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chủ trương quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng thông qua hoạt động du lịch. Từ chủ trương của tỉnh, năm 2018, Sở Công thương đã hỗ trợ một số di tích trọng điểm trong tỉnh kinh phí xây dựng tủ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP của tỉnh. Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị chịu trách nhiệm cung cấp các mặt hàng sản phẩm trưng bày cho các quầy hàng nông sản đặt tại các khu di tích. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, thực tế việc phát triển các quầy trưng bày, giới thiệu hàng nông sản đặc trưng của tỉnh tại các khu di tích chưa thật sự mang lại kết quả như kỳ vọng.

Ví dụ như quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản đặt tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị được đánh giá là điểm bán hàng hiệu quả nhất trong 5 di tích được tỉnh hỗ trợ thực hiện quầy hàng. Ban đầu, Ban quản lý Di tích Thành Cổ Quảng Trị có thuê một người phụ trách quầy hàng nông sản nhưng sau đó, nguồn thu từ hoạt động bán hàng không đủ chi phí trả lương cho nhân viên này nên đơn vị bố trí nhân viên đón tiếp tại nhà phục vụ của di tích kiêm thêm quầy bán hàng. Theo bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, để góp phần quảng bá nông sản đặc trưng của địa phương, ban quản lý đã bố trí tủ trưng bày sản phẩm ngay vị trí trung tâm nhà phục vụ của di tích. Tuy nhiên, nếu tính bài toán kinh tế thì không hiệu quả. Điển hình như năm 2019, lợi nhuận của quầy hàng nông sản thu được chưa đầy 4 triệu đồng. Năm 2020, ảnh hưởng COVID-19 nên mọi hoạt động của đơn vị đều ngưng trệ, trong đó có quầy bán hàng nông sản. Bây giờ quầy hàng bắt đầu hoạt động trở lại nhưng do đặc thù của di tích Thành Cổ Quảng Trị mang tính tâm linh, phục vụ là chính nên rất khó để đưa vào hoạt động của quầy hàng này theo kiểu thương mại thông thường vì có thể gây phản cảm, khó chịu đối với khách du lịch.

Tại Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc (được Sở Công thương trang bị 2 tủ kính để trưng bày các sản phẩm), lượng hàng bán cho khách du lịch ở đây rất ít do vị trí để các tủ hàng không thuận lợi cho khách du lịch quan sát. Nhân viên bán hàng thì do hướng dẫn viên của đơn vị kiêm nhiệm nên những lúc các đoàn tham quan đổ về đông thì quầy bán hàng không có ai trông coi, quản lý để phục vụ khách.

Theo Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc Phan Trường Định, điểm trưng bày sản phẩm nông sản đặt tại di tích mang tính nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp nên khó thu hút khách du lịch. Với điểm bán hàng tại đơn vị do hạn chế về mặt không gian nên tủ hàng chỉ có thể đặt ở trước phòng chiếu phim tư liệu của di tích. Tuy nhiên, không phải đoàn khách nào đến tham quan di tích cũng có nhu cầu vào phòng chiếu phim nên nhiều khách du lịch không thể biết đến điểm bán hàng này. Trong khi đó, quầy hàng không có nhân viên riêng mà do cán bộ hướng dẫn của đơn vị kiêm nhiệm nên rất khó để thực hiện bán hàng một cách chuyên nghiệp.

Cần sự liên kết đưa nông sản vào du lịch

Theo chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, quản lý Nguồn Hàn store - một cơ sở kinh doanh có trang bán hàng online “Quà nhà nông” chuyên cung ứng sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương làm quà tặng cho khách du lịch, sản phẩm nông sản Quảng Trị hiện nay khá phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng đảm bảo, nhiều sản phẩm được khách hàng trong nước ưa chuộng và có lợi thế cạnh tranh với nhiều địa phương khác như cà phê, hạt tiêu, các loại cao dược liệu, các loại tinh bột như nghệ, sắn dây, sắn…

Nguồn Hàn store có cách đưa sản phẩm nông sản của nông dân Quảng Trị đến với người tiêu dùng nói chung và khách du lịch nói riêng theo con đường riêng của mình, đó là phân phối sản phẩm nông sản làm quà tặng cho các cơ quan, đơn vị khi có đoàn đến công tác, tham quan Quảng Trị và ngược lại đoàn của các đơn vị trong tỉnh đi công tác đến địa phương khác. Chị Hạnh cho biết: “Từ các sản phẩm quà tặng “Quà nhà nông”, nhiều khách du lịch trở thành khách hàng thân thuộc của sản phẩm nông sản Quảng Trị vì sau khi dùng thử sản phẩm qua quà tặng của cơ quan, doanh nghiệp, đối tác khách hàng cảm thấy hài lòng nên đã tự liên hệ đến các địa chỉ ghi trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm để đặt hàng. Điều này cho thấy, có nhiều cách để đưa sản phẩm nông sản của nông dân đến với người tiêu dùng. Đối với khách du lịch, sản phẩm lưu niệm, quà tặng mà du khách mua về mang thông điệp, dấu ấn về văn hóa, vùng đất và con người, nên đó là con đường ngắn nhất để quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương và cho chính sản phẩm nông sản đó. Tôi nghĩ những điểm bán hàng nông sản mà tỉnh thí điểm thực hiện tại một số khu di tích trên địa bàn tỉnh cũng là cách giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản trực tiếp và rộng rãi hơn đến với người tiêu dùng thông qua du lịch. Tuy nhiên, để hiệu quả thì cần xem xét để đổi mới cách làm”.

Từ thực tế cho thấy, các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản ở các điểm di tích chưa phát huy hiệu quả vì hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc và chưa có sự liên kết giữa các ngành, đơn vị cũng như người làm du lịch và người sản xuất nông sản. Đối với các điểm di tích, do nguồn thu từ các gian hàng này ít nên hầu hết các đơn vị đều chưa mặn mà vào cuộc. Hiện nay các điểm di tích, địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đều chưa có nơi nào có điểm bán hàng lưu niệm, quà tặng đúng nghĩa nên ngành dịch vụ - du lịch vừa mất đi một nguồn thu đáng kể, vừa bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh thông qua các mặt hàng làm quà tặng. Chính sự rời rạc, đơn lẻ của các yếu tố này đã khiến cho ngành du lịch và ngành nông nghiệp của tỉnh vốn có tiềm năng, lợi thế nhưng lại thiếu sản phẩm cần thiết phục vụ cho du khách. “Cần có điểm bán hàng quà tặng lưu niệm, trong đó có gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản đặc trưng của địa phương một cách bài bản, chuyên nghiệp tại di tích mới có thể tăng nguồn thu trong hoạt động này. Để làm được điều này, cần quy hoạch bố trí điểm bản hàng quà tặng hợp lý tại di tích và kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia chứ để cán bộ hướng dẫn của di tích kiêm nhiệm như hiện nay rất khó đảm bảo”, ông Định chia sẻ.

Để làm được điều này, tỉnh cần có kế hoạch, chiến lược cụ thể để phát triển, sản xuất, trưng bày cũng như lộ trình giới thiệu, quảng bá các mặt hàng, sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch, trong đó có sản phẩm nông sản đặc trưng; xây dựng mối liên kết các làng nghề truyền thống, các địa phương có thế mạnh nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch, có thể kết hợp các điểm tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Việc phát triển và đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch không chỉ góp phần xây dựng một ngành du lịch chuyên nghiệp, mà còn là động lực phát triển “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đưa nông sản “vùng đất lửa” ra thế giới

Lâm Thanh |

Một sự trùng hợp đầy thú vị, 2 sản phẩm nông sản tiêu biểu của Quảng Trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Châu Âu thời gian gần đây là cao dược liệu an xoa Cam Lộ và hạt tiêu hữu cơ Gio An đều được chăm trồng, thu hái, chế biến từ những vùng chiến địa khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Để nâng tầm nông sản Quảng Trị

Thủy Ngọc |

Những ngày đầu tháng 4/2021, tin vui đến với người dân Quảng Trị khi gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của nông dân huyện Cam Lộ hoàn tất thủ tục thông quan xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, từ năm 2018, sản phẩm hạt tiêu hữu cơ xã Gio An (huyện Gio Linh) cũng lần đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu (EU) và đến nay vẫn duy trì ổn định nguồn hàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính trên. Điều này cho thấy nông sản Quảng Trị đã vươn lên một tầm mới và các sản phẩm nông sản khác hoàn toàn có thể có cơ hội để nối tiếp hành trình “xuất ngoại”.

Người dân Quảng Trị chung tay giải cứu nông sản Hải Dương

Trúc Phương |

Nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nông dân Hải Dương sớm vượt qua khó khăn do COVID – 19 gây ra, sáng nay 15/3/2021, Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện tịnh tâm Bắc Trung Nam tổ chức chương trình “Giải cứu nông sản cho nông dân tỉnh Hải Dương – Đợt 1”.

Cử tri tại Quảng Trị kiến nghị hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực

Tiến Nhất |

Ngày 9/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gồm: Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.