Đưa nông sản “vùng đất lửa” ra thế giới

Lâm Thanh |

Một sự trùng hợp đầy thú vị, 2 sản phẩm nông sản tiêu biểu của Quảng Trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Châu Âu thời gian gần đây là cao dược liệu an xoa Cam Lộ và hạt tiêu hữu cơ Gio An đều được chăm trồng, thu hái, chế biến từ những vùng chiến địa khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Hơn nửa thế kỷ trước, người Mỹ đã đem đến nơi đây bom đạn và sự thù hận. Hôm nay, những sản vật chất lượng cao nơi vùng từng bị bom đạn Mỹ tàn phá thành “vành đai trắng” đã thâm nhập một cách đĩnh đạc vào những thị trường khó tính nhất thế giới, gửi gắm cả vào trong đó khát vọng hòa bình, sức vươn của sự hội nhập, phát triển, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Theo đó, những vùng đất ghi dấu bao chiến công trong các cuộc trường chinh cứu nước năm xưa cũng đã thay da đổi thịt, cuộc sống mới đang hồi sinh bởi những mô hình hay, những cách làm hiệu quả với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người dân Gio An, Cam Lộ.

Tiên phong trồng tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế

Với người dân Gio An, (Gio Linh) cây hồ tiêu được lựa chọn trồng ngay sau ngày quê hương giải phóng với khẩu hiệu “Biến đồng hoang thành ruộng lúa; biến đất đỏ thành nương tiêu”. Mục đích trồng cây hồ tiêu của địa phương lúc bấy giờ nhằm thực hiện phong trào thi đua sản xuất, khai hoang, phục hóa phủ xanh đất trống, đồi trọc trên mảnh đất còn chằng chịt hố bom, hố đạn và bời bời cỏ dại. Sau hàng chục năm bén rễ, hồ tiêu trở thành cây trồng truyền thống và chủ lực của người dân Gio An. Tuy nhiên, ít ai có thể tin rằng có ngày sản phẩm từ những gốc tiêu thân thuộc được trồng trong vườn nhà của người dân nơi đây lại có thể xâm nhập được vào thị trường Mỹ và châu Âu.

Sản xuất giống cây hồ tiêu ở Hợp tác xã sản xuất, thương mại dịch vụ Ông Voi - Ảnh: L.T​
Sản xuất giống cây hồ tiêu ở Hợp tác xã sản xuất, thương mại dịch vụ Ông Voi - Ảnh: L.T​

Hành trình từ một nông sản truyền thống quê hương trở thành một sản phẩm có tên trên bản đồ hàng hóa quốc tế của người dân Gio An là câu chuyện dài về quá trình thay da đổi thịt vùng đất này. Qua đó thể hiện rõ ý chí, nghị lực của con người, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nếu trước đây, vào thời điểm hạt tiêu rớt giá, nhiều diện tích chết đồng loạt do sâu bệnh và mưa lũ như thời gian qua, người dân sẽ bỏ bê vườn tược hoặc phá hồ tiêu chuyển sang loại cây trồng khác thì nay nhận thức của người dân Gio An hoàn toàn thay đổi. Điều này thể hiện rất rõ qua việc thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất, thương mại dịch vụ Ông Voi - một HTX quy mô toàn xã. Nhiệm vụ đầu tiên sau ngày ra mắt HTX là huy động thành viên tập trung ươm 25 vạn cây hồ tiêu giống để chuẩn bị cho vụ trồng mới và phục hồi những vườn cây hồ tiêu trong năm 2021. So với cách trồng tiêu mạnh ai nấy làm trước đây, bây giờ người dân đã biết hợp tác, liên kết với nhau thành các tổ sản xuất để tương trợ và giám sát lẫn nhau cùng sản xuất cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Gio An cho biết, hiện toàn xã có trên 53 ha cây hồ tiêu được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế và được Công ty Organics More Co.,Ltd ở TP. Hồ Chí Minh bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu với mức giá cam kết luôn cao hơn giá thị trường từ 10 - 20% tùy thời điểm. Để trở thành vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, trong vòng 3 năm liên tiếp (2016 - 2018) xã đăng ký 62,3/85 ha và được Công ty TNHH Control Unison Việt Nam thiết lập hồ sơ theo dõi quy trình canh tác hữu cơ, tổ chức nhiều lần đánh giá mức độ an toàn qua các mẫu đất, nước, lá và quả. Tuy nhiên, với diện tích đã được cấp giấy chứng nhận, người dân tiếp tục phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy trình sản xuất mà doanh nghiệp yêu cầu bởi giấy chứng nhận trên chỉ có giá trị trong vòng 1 năm.

Do đặc thù cây hồ tiêu ở Gio An trồng nhỏ lẻ trong vườn, mỗi hộ chỉ sở hữu một ít diện tích nhưng chi phí mỗi lần thực hiện đánh giá, kiểm định lớn nên không thể lấy mẫu riêng từng hộ mà phải lấy mẫu test theo nhóm hộ. Vì vậy, nhóm hộ sản xuất phải tuân thủ và giám sát lẫn nhau bởi nếu kết quả không tốt của một hộ sẽ ảnh hưởng đến cả nhóm. Ví dụ như năm 2018, trong 6 nhóm hộ sản xuất, có 2 nhóm hộ bị loại vì có mẫu kiểm tra không đảm bảo an toàn về các chỉ số theo quy định, hay năm 2019 cũng có 1/6 nhóm hộ bị loại nhưng đến năm 2020, 6/6 nhóm đều có mẫu test đảm bảo an toàn. Điều này cho thấy tay nghề và trình độ canh tác hữu cơ của nông dân địa phương tăng lên rõ rệt. Cũng nhờ vậy, sản lượng hạt tiêu hữu cơ xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu qua các năm của xã Gio An liên tục tăng. Nếu năm 2018, lần đầu tiên xuất khẩu chỉ có 13 tấn, đến năm 2019 là 30 tấn thì đến năm 2020 đạt 70 tấn. Việc trồng cây hồ tiêu xuất khẩu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Gio An mà còn mang lại những giá trị lớn về môi trường sống bởi quy trình canh tác hữu cơ, tôn trọng tự nhiên mà người dân ở đây đang áp dụng.

“Thuần hóa” cây rừng thành hàng hóa

Chè vằng, cà gai leo và đến bây giờ là cây an xoa - những loại cây mọc tự nhiên trong rừng được nông dân huyện Cam Lộ “thuần hóa” để trở thành vùng nguyên liệu sản xuất các loại cao dược liệu được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ vậy, những mầm xanh vươn lên từ ý chí của những con người trên “vùng đất lửa” này cũng đang dần hiện thức hóa giấc mơ vươn ra thế giới của nông sản Quảng Trị.

Sau khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên gần 1 tấn cao dược liệu an xoa sang thị trường Mỹ, Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS đã cử nhóm chuyên gia nông nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh ra huyện Cam Lộ để khảo sát thực địa vùng nguyên liệu và hướng dẫn nông dân địa phương này cách trồng, chăm sóc cây an xoa theo hướng hữu cơ. Trước đó, huyện Cam Lộ cũng đã thực hiện nghiên cứu chiết, ghép, ươm cây an xoa làm giống để trồng thử nghiệm 3,5 ha có đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Sau hơn nửa tháng xuống giống, cây an xoa đã được nông dân Cam Lộ tích cực chăm sóc nên nhanh chóng bén rễ, phát triển tươi tốt trên toàn bộ diện tích trồng thử nghiệm ở các xã Cam Thành, Cam Nghĩa và Cam Hiếu.

Theo bà Lê Thị Thúy Vân, đại diện Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS, trước đây công ty đã từng trồng cây an xoa tại tỉnh Bình Phước với năng suất 30 - 35 tấn tươi/ha/năm; thời gian sinh trưởng của cây khoảng 6 - 7 tháng thì cho thu hoạch; vòng đời phát triển của cây từ 5 - 7 năm. Tuy nhiên, cây an xoa ở Bình Phước là cây có hoa trắng, còn cây an xoa trồng thử nghiệm ở Cam Lộ là cây an xoa hoa tím (có dược tính cao hơn). Đặc biệt, với việc sinh trưởng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như Quảng Trị nên có thể chất lượng dược tính của cây an xoa ở đây sẽ cao hơn cây an xoa trồng ở nhưng nơi khác. Tuy nhiên, cũng vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên để “thuần hóa” loại cây trồng này ở đây sẽ khó khăn hơn. Để tạo vùng nguyên liệu sạch, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất cao dược liệu hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng có những đòi hỏi khắt khe hơn trong quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm của loại cây trồng này nên công ty sẽ tích cực đồng hành, hỗ trợ người dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh chia sẻ: “Người dân ở đây từng “thuần hóa” thành công các loại cây rừng như chè vằng, cà gai leo để trở thành vùng nguyên liệu cho nghề nấu cao dược liệu của địa phương. Tính đến đầu năm 2021, toàn huyện Cam Lộ đã phát triển được trên 100 ha cây dược liệu, trong đó có 70 ha cây chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha cây an xoa, còn lại là cây ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, sâm Bố Chính... Diện tích cây dược liệu tập trung ở các xã: Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa. Huyện có làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận là Làng nghề cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa. Làng nghề này mỗi năm chế biến tổng sản lượng cao các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô… trung bình khoảng 135 tấn sản phẩm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi một năm. Huyện đang thực hiện dự án nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây an xoa nguyên liệu trên địa bàn và sẽ có đánh giá để nhân rộng mô hình trồng cây an xoa nguyên liệu lên khoảng 50 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất cao dược liệu xuất khẩu theo nhu cầu của đối tác. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu nói chung và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến cũng như liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm dược liệu, phấn đấu để Cam Lộ sớm trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Quảng Trị”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Để nâng tầm nông sản Quảng Trị

Thủy Ngọc |

Những ngày đầu tháng 4/2021, tin vui đến với người dân Quảng Trị khi gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của nông dân huyện Cam Lộ hoàn tất thủ tục thông quan xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, từ năm 2018, sản phẩm hạt tiêu hữu cơ xã Gio An (huyện Gio Linh) cũng lần đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu (EU) và đến nay vẫn duy trì ổn định nguồn hàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính trên. Điều này cho thấy nông sản Quảng Trị đã vươn lên một tầm mới và các sản phẩm nông sản khác hoàn toàn có thể có cơ hội để nối tiếp hành trình “xuất ngoại”.

Người dân Quảng Trị chung tay giải cứu nông sản Hải Dương

Trúc Phương |

Nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nông dân Hải Dương sớm vượt qua khó khăn do COVID – 19 gây ra, sáng nay 15/3/2021, Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện tịnh tâm Bắc Trung Nam tổ chức chương trình “Giải cứu nông sản cho nông dân tỉnh Hải Dương – Đợt 1”.

Cử tri tại Quảng Trị kiến nghị hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực

Tiến Nhất |

Ngày 9/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gồm: Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.

Việt Nam đặt mục tiêu cung cấp nông sản cho thế giới

Phong Nguyễn |

Tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ước đạt gần 11 tỉ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, gỗ, thủy sản, gạo, càphê, trái cây, caosu… tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chính của nông nghiệp Việt Nam mang lại giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp một phần nông sản cho thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.