Để nâng tầm nông sản Quảng Trị

Thủy Ngọc |

Những ngày đầu tháng 4/2021, tin vui đến với người dân Quảng Trị khi gần 1 tấn cao dược liệu an xoa của nông dân huyện Cam Lộ hoàn tất thủ tục thông quan xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, từ năm 2018, sản phẩm hạt tiêu hữu cơ xã Gio An (huyện Gio Linh) cũng lần đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu (EU) và đến nay vẫn duy trì ổn định nguồn hàng xuất khẩu đến những thị trường khó tính trên. Điều này cho thấy nông sản Quảng Trị đã vươn lên một tầm mới và các sản phẩm nông sản khác hoàn toàn có thể có cơ hội để nối tiếp hành trình “xuất ngoại”.

Là tỉnh nông nghiệp, Quảng Trị được đánh giá là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh. Trong đó, tỉnh đã chọn được bộ sản phẩm chủ lực gồm “6 cây, 2 con” cho giai đoạn từ năm 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 đảm bảo có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước. Đó là các loại cây hồ tiêu, lúa chất lượng cao, dược liệu, cao su, cà phê, gỗ nguyên liệu rừng trồng và 2 con là bò và tôm. Cùng với thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp thì xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay sẽ mở ra những cơ hội vàng cho nông sản địa phương “cất cách”. Nhưng để vươn ra biển lớn đòi hỏi chuỗi giá trị nông sản phải được tối ưu hóa và đáp ứng nhiều yêu cầu của thị trường, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vì thế, từ những mặt hàng có triển vọng tỉnh cần nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng cũng như tổ chức các đợt xúc tiến đầu tư, giới thiệu quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, cần định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, hữu cơ… Nông dân cần được định hướng cụ thể để chuyển sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất để từ đó xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh thâm canh các giống cây trồng có tiềm năng, lợi thế và mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện. Tiếp tục thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hình thành chuỗi giá trị bằng các hình thức liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, nông sản khi xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu thường có giá bán cao hơn hẳn so với mặt bằng chung và luôn giữ được sự ổn định về giá cũng như sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào những thị trường này không dễ vì có những tiêu chí rất cụ thể, khắt khe. Vì thế, để các mặt hàng nông sản địa bàn tỉnh vượt “ao làng” vươn ra “biển lớn” sau những cú hích trên thì cả sản xuất và thương mại nông sản cần được ngành chức năng quan tâm định hướng mang tính dài hạn, gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các giải pháp nhằm bảo đảm sự ổn định thị trường, đặc biệt là vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Để hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân cần những doanh nghiệp chế biến nông sản đủ tiềm lực. Có thể thấy như hạt tiêu hữu cơ Gio An và cao dược liệu an xoa của huyện Cam Lộ được những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu chấp nhận đều có sự đóng góp rất lớn của doanh nghiệp. Cả hai mặt hàng nông sản “xuất ngoại” trên đều nhờ vào sự hỗ đắc lực của các doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh thì người nông dân các vùng sản xuất trên mới thực hiện đúng những quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, chế biến, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm đến đóng gói, mẫu mã, nhãn mác, kiểm định chất lượng sản phẩm và thực hiện các thủ tục pháp lý khác để xuất khẩu.

Doanh nghiệp là đầu tàu trong xây dựng chuỗi liên kết, nhất là trong quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng lẫn việc giám sát các yếu tố trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Điển hình như hành trình để có gần 18 tấn hạt tiêu Gio An lần đầu tiên bước vào thị trường Mỹ vào năm 2018 thì trước đó 3 năm, Công ty Organics More Co.,Ltd đã phối hợp chặt chẽ với UBND xã Gio An tiến hành thí điểm trồng và quản lý sản xuất đối với cây hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ trên diện tích 62,6 ha.

Người trồng cây hồ tiêu ở Gio An phải tuân thủ đúng quy trình mà phía công ty đưa ra. Theo đó, các hộ trồng hữu cơ được chia thành 3 nhóm gồm: Nhóm 1 là những hộ trồng tiêu có diện tích lớn, tập trung và cây tiêu phát triển tốt, năng suất cao; nhóm 2 là những hộ dân có diện tích và năng suất tiêu trung bình; nhóm 3 là các hộ dân có diện tích trồng tiêu ít nhưng có khả năng phát triển diện tích, năng suất tiêu trung bình. Tham gia sản xuất tiêu hữu cơ, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn việc tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, các chất biến đổi gen; không sử dụng dụng cụ, bình phun từ canh tác truyền thống cho canh tác hữu cơ...

Hay như sản phẩm cao dược liệu an xoa Cam Lộ đủ điều kiện xuất khẩu qua thị trường Mỹ cũng là nhờ Công ty Cổ phần AGRIDYNAMICS hỗ trợ người dân rất đắc lực trong khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm đến đóng gói, mẫu mã, nhãn mác và thực hiện các bước phân tích thành phần dược tính, kiểm định chất lượng sản phẩm hết sức nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của đối tác ở Mỹ trước khi chính thức xuất khẩu.

Có thể nói, xuất khẩu vào những thị trường khó tính góp phần quan trọng nâng tầm giá trị nông sản. Để làm được điều này cần mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân và hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp được xem là tác nhân chủ chốt quyết định việc hình thành, duy trì và phát triển mối liên kết ấy để có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp vừa là đơn vị đầu mối tìm kiếm thị trường, vừa quay lại hướng dẫn, định hướng nông dân sản xuất cái thị trường cần; giúp nông dân kiểm soát sản xuất, sơ chế, chế biến để trở thành một sản phẩm hàng hóa chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng ở Quảng Trị vẫn chưa thật sự thu hút được doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần những chính sách, cơ chế khuyến khích, động viên và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực tiềm năng này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Người dân Quảng Trị chung tay giải cứu nông sản Hải Dương

Trúc Phương |

Nhằm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ nông dân Hải Dương sớm vượt qua khó khăn do COVID – 19 gây ra, sáng nay 15/3/2021, Đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phối hợp với Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện tịnh tâm Bắc Trung Nam tổ chức chương trình “Giải cứu nông sản cho nông dân tỉnh Hải Dương – Đợt 1”.

Cử tri tại Quảng Trị kiến nghị hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực

Tiến Nhất |

Ngày 9/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gồm: Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.

Việt Nam đặt mục tiêu cung cấp nông sản cho thế giới

Phong Nguyễn |

Tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ước đạt gần 11 tỉ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, gỗ, thủy sản, gạo, càphê, trái cây, caosu… tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chính của nông nghiệp Việt Nam mang lại giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp một phần nông sản cho thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông sản sạch

Bá Thuần |

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các nhóm giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả phấn khởi. Trong đó đáng chú ý là đã xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.