Cử tri tại Quảng Trị kiến nghị hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực

Tiến Nhất |

Ngày 9/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gồm: Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Hướng Hóa kiến nghị chính quyền địa phương cần hỗ trợ bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng cho hiệu quả kinh tế thấp.

Đồng thời, sớm xây dựng đầu ra cho các mặt hàng nông sản chủ lực để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, cũng như hỗ trợ địa phương xây dựng nhà máy tiêu thụ, chế biến các loại cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao trên địa bàn như: Chuối, hồ tiêu, cà phê…

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng trả lời kiến nghị của cử tri huyện Hướng Hóa
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng trả lời kiến nghị của cử tri huyện Hướng Hóa

Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn bất cập với phần diện tích đất thổ cư và đất vườn. Theo các cử tri, không nên tách rời đất thổ cư và đất vườn vì sẽ gây khó khăn trong quá trình xây dựng nhà ở hoặc thực hiện các thủ tục trong giám định tài sản vay vốn ngân hàng…

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa có trục giao thông Đường 9, phương tiện tham gia ngày càng nhiều nên tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra. Nguyên nhân được xác định là do đường hẹp, dốc đèo cao, nên trong thời gian tới cần sự đầu tư chỉnh sửa cho phù hợp để phục vụ giao thương đi lại, đặc biệt là phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan, Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Cử tri cũng bày tỏ mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông cũng như các công trình an sinh xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới. Một số trường học trên địa bàn thiếu đầu tư quy hoạch đường giao thông…

Trả lời ý kiến các cử tri, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho biết, hiện ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Hướng Hóa; đồng thời, kêu gọi nhiều doanh nghiệp tiềm năng tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của người dân.

Để tập trung tháo gỡ các khó khăn, tỉnh cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động tổ chức lại các hợp tác xã, tổ hợp tác… để làm đầu mối kết nối với các doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Phải giám sát chặt chẽ việc ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia đều bình đẳng, cùng có lợi, góp phần xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả.

Cử tri huyện kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn
Cử tri huyện kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn

Liên quan đến vấn đề hạ tầng giao thông, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, với đặc thù là huyện biên giới có cửa khẩu quốc tế nên lưu lượng xe cộ vận chuyển hàng hóa trên địa bàn qua lại ngày càng nhiều sẽ dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nhất là trên các tuyến đường dốc, hẹp. Ông đánh giá kiến nghị của cử tri rất chính đáng, vì thế giao ngành Giao thông Vận tải phối hợp với địa phương lên phương án xử lý nâng cấp các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp không đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng…

Liên quan đến các vấn đề về đất đai, môi trường, lãnh đạo UBND tỉnh giao ngành TN&MT tham mưu sớm giải quyết các kiến nghị, thắc mắc của cử tri.

Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.

TAGS

Việt Nam đặt mục tiêu cung cấp nông sản cho thế giới

Phong Nguyễn |

Tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ước đạt gần 11 tỉ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, gỗ, thủy sản, gạo, càphê, trái cây, caosu… tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chính của nông nghiệp Việt Nam mang lại giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp một phần nông sản cho thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông sản sạch

Bá Thuần |

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các nhóm giải pháp thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả phấn khởi. Trong đó đáng chú ý là đã xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Sản xuất sạch để nâng cao giá trị nông sản

Thục Quyên |

Sản xuất nông sản sạch đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đang được ngành nông nghiệp, các địa phương, người nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai và bước đầu đã mang hiệu quả khả quan.

Xuất khẩu nông sản Lào sang Trung Quốc gặp vướng mắc

Tổng hợp |

Lào đứng trước nguy cơ chịu thiệt hại về xuất khẩu khi nhà chức trách Trung Quốc bày tỏ lo ngại về chất lượng và bệnh dịch cây trồng do các hoạt động có liên quan bị ảnh hưởng bởi COVID-19, dẫn đến việc thắt chặt quy trình kiểm soát chất lượng các loại nông sản nhập khẩu từ Lào, đặc biệt là khoai lang, ngô và đậu, vốn được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Bắc.