Tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam ước đạt gần 11 tỉ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, gỗ, thủy sản, gạo, càphê, trái cây, caosu… tiếp tục là những mặt hàng xuất khẩu chính của nông nghiệp Việt Nam mang lại giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp một phần nông sản cho thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
6 “nhóm hàng 2 tỉ đô” tiếp tục là trụ đỡ trong năm 2021
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), trong lĩnh vực ngoại thương, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, nhưng nhìn chung hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận mức tăng mạnh ở cả 2 chiều xuất và nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) ước tính đạt 50,05 tỉ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 47,5 tỉ USD, tăng 26,4%, đưa tổng kim ngạch XNK trong 2 tháng đầu năm 2021 lên 97,5 tỉ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại trong 2 tháng qua ghi nhận mức thặng dư 2,6 tỉ USD, chênh lệch rất nhiều so với mức thâm hụt 1,8 tỉ USD cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp (NN), dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2020 ngành NNPTNT đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ: Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 tăng 2,75%, kim ngạch XK toàn ngành đạt 41,25 tỉ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 2 tỉ USD gồm: Gỗ và lâm sản, thủy sản, trái cây, càphê, caosu, gạo nổi lên như những “át chủ bài”, tạo trụ đỡ cho tăng trưởng GDP nông nghiệp.
Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, tổng kim ngạch XNK hàng nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt gần 11 tỉ USD, trong đó XK ước đạt 6,17 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỉ USD, tăng 13,6%.
Như vậy, xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là những tín hiệu lạc quan, cho thấy Việt Nam đã chống chọi tốt với COVID-19 và thích nghi để xoay chuyển tình thế, có thể ổn định sản xuất, kinh doanh ngay cả trong thời gian dịch bệnh chuyển biến phức tạp nhất.
“Trong nhóm hàng đạt trên 2 tỉ USD/năm, kim ngạch XK thủy sản đạt 1,01 tỉ USD, tăng 0,7%; kế đến mặt hàng rau quả đạt 610 triệu USD, tăng 14,6%; kim ngạch XK hạt điều cũng tăng 21,5%... Đặc biệt, XK caosu tăng mạnh 89,9% về lượng và tăng 109,9% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2020, đạt 320 nghìn tấn, trị giá 516 triệu USD… là những tín hiệu lạc quan cho XK nông sản” - TS Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), chia sẻ.
Kỳ vọng 6 mặt hàng nông sản chủ lực quốc gia
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán trên thị trường thế giới gạo 5% tấm của Việt Nam tuần trước đã neo cao ở mức cao: 518-522 USD/tấn - là mức giá cao nhất trong 10 năm gần đây. Trong khi đó, giá gạo cùng loại của Thái Lan đã giảm khoảng 2 USD/tấn, được chào bán với giá 511-515 USD/tấn. Với mức giá nêu trên, hiện nay giá gạo XK tỉ lệ 5% tấm của Việt Nam đã cao hơn giá gạo Thái Lan khoảng 7 USD/tấn, cho thấy gạo của Việt Nam đang dần được thế giới ưa thích.
Với mặt hàng càphê, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam giữ vị trí thứ hai thế giới về trị giá XK, càphê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, XK càphê lớn trên thế giới và có tiềm năng và dư địa rất lớn nếu nâng cao chuỗi giá trị và đẩy mạnh chế biến sâu.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, trong lộ trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã chủ động hội nhập và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí, Việt Nam có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành chuỗi cung ứng nông sản cho cả thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 14 Hiệp định thương mại (FTA) với tất cả các thị trường lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có nhiều FTA được ký kết hoặc đi vào thực thi. Trong đó có Hiệp định thương mại tự do Châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) đã giúp nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào EU được hưởng ưu đãi lớn về thuế, đẩy mạnh XK nông sản của Việt Nam sang thị trường “khó tính” này.
“Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, tham gia các FTA cũng có nghĩa chúng ta phải cạnh tranh với hàng hóa của nước bạn, chấp nhận cuộc chơi khốc liệt, nếu như hàng rào thuế quan được gỡ bỏ thì sẽ có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan được dựng lên, thậm chí một số nước tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, trình độ phát triển logistics, trình độ quản trị của chúng ta chưa hoàn thiện, đây là những thách thức lớn chúng ta phải đối mặt” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2021, để đạt các mục tiêu tăng trưởng, ngành NN xác định tập trung 2 nhóm chương trình lớn: Một là tiếp tục tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị, trên cơ sở đồng bộ 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, nông sản thế mạnh của các tỉnh và các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương).
Hai là, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản trị trên nền tảng số, hướng đến nền nông nghiệp thông minh; quan tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Còn theo chuyên gia kinh tế NN - TS Đặng Kim Sơn, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay, những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm có thể phát huy vai trò trụ đỡ, nhưng có những mặt hàng được coi là “xa xỉ” như thủy sản, đồ gỗ nội thất, càphê… sẽ dần mất đi lợi thế nếu người tiêu dùng thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu.
“Cho nên là có những mặt hàng nông sản không những giữ vững mà còn tăng lên (ví dụ như lúa gạo), những cũng không ít mặt hàng sẽ trì trệ, suy giảm, ví dụ như caosu, đồ gỗ” - TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo TS Đặng Kim Sơn, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang điều chỉnh lại các chuỗi giá trị cho phù hợp với tình hình của diễn biến sau COVID-19. Tất cả đều tránh việc phụ thuộc vào 1 thị trường vào 1 nguồn cung cấp nguyên liệu. Các nước đều mở rộng thị trường trong nước của họ, kể cả những nước nắm những chuỗi giá trị rất sâu như Trung Quốc, họ cũng tìm cách phát huy mạnh hơn thị trường của nước mình.
Đồng thời, họ cũng chủ động hơn theo hướng cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho mình, xu hướng tự cung tự cấp tăng lên. Trừ những mặt hàng đặc biệt trong chuỗi giá trị toàn cầu thì họ cũng tìm cách đa dạng hóa và không tập trung nó vào những chuỗi giá trị nhất định. Đây cũng là bài học cho Việt Nam.
(Nguồn: Báo Lao Động)