Nông dân Hướng Hóa phấn khởi vì nông sản được mùa, được giá

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, cây cao su và cây sắn đã trở thành những cây trồng chủ lực cùng với các loại cây khác như cà phê, hồ tiêu, chuối..., đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đặc biệt, thời gian gần đây, giá mủ cao su và sắn nguyên liệu có tăng lên, đã giúp nhiều người dân có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Theo các hộ trồng cao su ở xã A Dơi cho biết, năm nay giá mủ cao su dao động từ 10.000- 13.000 đồng/kg mủ tươi, tăng từ 1.000 - 1.500 đồng so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này, người trồng cao su phấn khởi vì đã có lãi. Gia đình ông Hồ Văn Bình ở thôn Đồng Tâm, xã A Dơi trồng 4 ha cao su, trong đó 3 ha đã đưa vào khai thác mủ. Thời điểm này, bình quân mỗi tháng gia đình ông thu hoạch mủ cao su, trừ hết chi phí thu về khoảng 15 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách cho biết, từ năm 2006, Chương trình đa dạng hóa nông nghiệp đã hỗ trợ cho 173 hộ trồng 325 ha cao su, các hộ dân trên địa bàn đã đầu tư trồng thêm 59 ha cao su. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện đề án của HĐND huyện về chuyển đổi một số diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác giai đoạn 2017-2020 đối với các xã vùng Lìa, xã A Dơi đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng 178 ha cây cao su, nâng tổng diện tích cây cao su toàn xã lên 562 ha, trong đó 450 ha cao su đã cho khai thác mủ. Nguồn thu nhập từ cao su đưa lại không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững mà còn giúp một số hộ vươn lên khá giả. Để tiếp tục phát triển hiệu quả của cây cao su, từ nay đến năm 2025, xã sẽ trồng mới từ 100 - 150 ha cao su. Tại xã từ tháng 10/2020 đã thành lập Hợp tác xã Sê Pôn gồm 16 thành viên, cùng với 2 đại lý trên địa bàn thu mua mủ cao su nên rất thuận lợi cho nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.

Người dân xã A Dơi khai thác mủ cao su - Ảnh: N.Đ.P
Người dân xã A Dơi khai thác mủ cao su - Ảnh: N.Đ.P

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Sê Pôn cho biết, sau khi thành lập, hợp tác xã đã tập trung thu mua mủ cho người trồng cao su trên địa bàn. Mùa khai thác mủ cao su bắt đầu từ đầu tháng 4 năm trước đến tháng 1 năm sau. Niên vụ cao su năm nay, bình quân hằng tháng, hợp tác xã thu mua khoảng 45 tấn mủ tươi. Hiện trên địa bàn huyện Hướng Hóa có khoảng 1.148,7 ha cao su, trong đó 513 ha đã cho khai thác mủ, tập trung chủ yếu ở các xã A Dơi, Thanh, Thuận, Lìa. Nếu mức giá ổn định như năm nay thì người trồng cao su có nguồn thu nhập khá cao so với những loại cây trồng khác.

Đối với cây sắn, vốn là cây trồng quen thuộc, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa, đặc biệt ở các xã: Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng, được xác định là vùng “trọng điểm sắn” của huyện. Trước đây, sắn được xem là cây lương thực cứu đói của người dân. Nhưng từ khi Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xây dựng tại xã Thuận đưa vào hoạt động, sắn trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn vươn lên khá, giàu.

Là một trong 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hóa, xã Thanh là địa phương có diện tích sắn lớn nhất của huyện, với hơn 700 ha. Từ diện tích sắn trên, mỗi vụ nông dân của xã này cung ứng cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hơn 10.000 tấn sắn nguyên liệu. Cây sắn trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều của địa phương. Ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết, bên cạnh mở rộng diện tích sắn theo quy hoạch, được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa hướng dẫn về cách trồng trọt, bón phân, chăm sóc, thu hoạch nên nông dân trên địa bàn tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho năng suất và hàm lượng tinh bột trong sắn củ tăng cao. Nhờ đó, giá xuất bán sắn tươi cho Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng cao hơn hẳn so với các xã khác cùng địa bàn.

Những năm gần đây, phần lớn nông dân trên địa bàn xã đã thoát nghèo và vươn lên khá giàu nhờ thu nhập chính từ cây sắn. Niên vụ sắn năm nay, người trồng sắn rất phấn khởi vì không chỉ được mùa mà giá sắn củ tươi hiện đang được nhà máy thu mua khá cao, với mức giá dao động từ 2.000 - 2.700 đồng/kg, cao hơn vụ trước từ 100 - 300 đồng/kg. Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nông dân trên địa bàn xã đã nhập cho nhà máy tinh bột sắn trên 10.000 tấn sắn củ tươi, số tiền thu về hơn 20 tỉ đồng.

Cùng Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hồ Văn Khưa, chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Văn Chung ở thôn Thanh Ô, xã Thanh, là thành viên “Câu lạc bộ trăm triệu đồng” của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Trò chuyện với khách trong ngôi nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình, ông Chung cho hay, trước đây, gia đình ông đã trồng sắn trên triền đồi nương rẫy, nhưng thời đó củ sắn thu hoạch về chủ yếu để cứu đói. Nếu có dư ra thì xắt lát, phơi khô rồi chờ tiểu thương từ đồng bằng lên mua. Từ khi có nhà máy chế biến sắn, người trồng sắn được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Gia đình ông Chung đã đầu tư khai hoang đất đồi trồng sắn. Đến nay gia đình đã trồng 8 ha, bình quân mỗi vụ sắn sau khi trừ chi phí thu về hơn 100 triệu đồng.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hồ Quốc Trung cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, vùng Lìa đang được xây dựng thành vùng nguyên liệu sắn tập trung quy mô lớn theo mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhiều người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nay là thành viên “Câu lạc bộ trăm triệu đồng” của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, trở thành những điển hình nông dân sản xuất giỏi của huyện, tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 5.000 ha sắn, sản lượng ước đạt hơn 85.000 tấn.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết: Để bao tiêu sản phẩm cho người trồng sắn ở huyện Hướng Hóa, năm 2003 Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc tổng công ty được xây dựng tại xã Thuận, gần tỉnh lộ Tân Long - Lìa. Từ đó đến nay, nhà máy luôn tổ chức tốt việc nhập sắn củ tươi cho người trồng sắn trên địa bàn huyện. Khởi đầu nhà máy chỉ có 1 dây chuyền chế biến tinh bột sắn, với công suất 500 tấn sắn tươi/ngày. Quá trình sản xuất, diện tích sắn ở Hướng Hóa ngày một tăng. Để bao tiêu sản phẩm sắn cho người dân, đến nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đã đưa vào hoạt động 3 dây chuyền chế biến tinh bột sắn với công suất tiêu thụ 1.500 tấn sắn tươi/ngày. Bình quân hằng năm nhà máy nhập 180.000 tấn sắn tươi của người dân các huyện Hướng Hóa, Đakrông, các huyện bạn Lào và phần nhiều trong số đó là sắn của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng Lìa.

Ông Hiếu cho biết thêm, doanh nghiệp cũng đã đầu tư một dây chuyền chế biến phân vi sinh với công suất 5.000 tấn/năm để tận dụng 100% phế thải từ hoạt động sản xuất tinh bột sắn, góp phần nâng cao doanh thu cho nhà máy và giúp nông dân có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây sắn bằng loại phân giá rẻ, thân thiện với môi trường, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững ở vùng Lìa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thu hồi một phần đất của Công ty Cao su Quảng Trị phục vụ xây dựng nông thôn mới

Thu Hạ |

Ngày 14/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định thu hồi một phần đất đã cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị (Công ty Cao su Quảng Trị) thuê tại xã Linh Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) để phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Đưa giống cây cao su mới vào sản xuất

Nguyễn Trang |

Vụ trồng cây cao su năm 2021 tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bắt đầu gần 1 tháng nay. Đối với diện tích cây cao su tái canh trồng mới, các địa phương ưu tiên lựa chọn giống cao su RRIV 209 nhiều ưu điểm hơn thay thế cho các giống trước đây.

Hướng Hóa: Chuyển đổi 42 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cao su

Minh Long |

Hướng Hóa (Quảng Trị) là địa phương có điều kiện đất đai, khí hậu khá thuận lợi để phát triển cây cao su, đặc biệt là ở các xã vùng Lìa. 

Nghiên cứu về râu và vi khuẩn trong kẹo cao su giành giải Ig Nobel

PV |

Giải Ig Nobel Hòa bình được trao cho một nghiên cứu đặc biệt về râu đăng trên tạp chí khoa học Integrative Organismal Biology.