Tôi mượn một câu của PGS.T.S Bùi Mạnh Hùng – người “đồng hương” của tác giả cuốn sách - trong bài viết về một tác phẩm trước đây của thầy Trương Quang Đệ làm nhan đề vì nó đúng với hai “phẩm chất” của cuốn sách thầy Đệ vừa gửi đến bạn đọc trước thêm Xuân mới. Hơn nữa, thật khó tìm một cái “tít” phù hợp cho một cuốn sách ôm chứa rất nhiều trí thức và kinh nghiệm sống – không chỉ của Việt Nam mà của nhân loại, lại được thể hiện với bút pháp tự do, không bị trói buộc bởi thể loại nào.
Trong “Lời nói đầu”, tác giả viết: “Cách đây 3 năm, NXB Văn hoá-văn nghệ TP. Hồ Chí Minh cho ra mắt cuốn “Bâng khuâng cảm xúc về thời cuộc” (cuốn I)... đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả [...] nhiều bạn đọc mong muốn tiếp xúc với những bài viết mới...”. Nhờ thế mà chúng ta được đọc cuốn II, cùng nhan đề, còn dày dặn và phong phú hơn cuốn trước. Cuốn sách dày trên 300 trang, gồm 64 đề mục, vô cùng phong phú về đề tài – từ triết học, toán học, văn học, ca nhạc, phim ảnh... cho đến chuyện tâm linh và cấu trúc vũ trụ – khó có thể điểm hết trong một trang báo, nên tôi chọn những bài viết mà chỉ một người con của “làng Mai” mới thể hiện được cụ thể và giàu cảm xúc như thế.
Trước hết, đó là hai bài viết nhắc đến thân phụ tác giả - ông Trương Quang Phiên, từng là Chủ tịch tỉnh Quảng Trị từ năm 1948; các bài viết không chỉ là kỷ niệm riêng quý giá mà còn giúp thế hệ hậu sinh hiểu thêm về những tháng năm Quảng Trị bắt đầu cuộc kháng chiến lần thứ nhất từ hơn 70 năm trước.
Bài “Kể chuyện ngày xưa” cho chúng ta biết một sự kiện ở Quảng Trị đầu năm 1947, khi mặt trận vỡ, Pháp từ Huế tiến ra Đông Hà, tàu chiến chuẩn bị đổ quân vào Cửa Việt. Câu chuyện tác giả nghe nhà thơ Lương An kể lại. (thời đầu chống Pháp, nhà thơ Lương An là Trưởng văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Trị). Có một công việc cấp bách phải giải quyết là số phận gần 300 phạm nhân đang bị giam trong nhà lao.
Trong khi không it người lo lắng nếu số phạm nhân này rơi vào tay giặc thì rất nguy hiểm, nên “Cần phải làm gọn thôi!” thì ông Phiên (lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh) “cả gan” đề nghị phóng thích, “nếu ai trong bọn họ làm gì phản dân hại nước thì các anh đem tôi ra xử tội”. Ông dám nói thế, vì đã hỏi kỹ cán bộ phụ trách trại giam, biết số phạm nhân không có tội gì rõ ràng - ví như chỉ là lái xe, đầu bếp ... trong các gia đình có quan hệ với Pháp, lúc chúng còn chiếm Quảng Trị. Thật may mắn là Chủ tịch tỉnh lúc đó đồng tình với ý kiến của ông Phiên nên đã cứu được không ít sinh mạng. Quả nhiên, sau khi được thả, có một số người “tình nguyện ở lại nhận nhiệm vụ giúp cơ quan tỉnh di chuyển đồ đạc. Ông Phiên chọn 10 người nguyên là dân đào vàng vào việc khuân vác đồ đạc và chọn 3 người dân tìm trầm vào việc tìm kiếm các con đường rừng thuận tiện”.
Sự kiện thoạt nghe như “thiếu cảnh giác” này gợi chúng ta nghĩ đến chính sách đại đoàn kết dân tộc, thể hiện tính nhân văn cao đẹp của Chính phủ cụ Hồ thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng 8 qua việc mời cựu hoàng Bảo Đại làm “Cố vấn” Chính phủ và trợ cấp cho hoàng gia thời gian họ còn ở lại Huế.
Câu chuyện thứ hai xảy ra năm 1948, khi ông Phiên vừa nhận chức Chủ tịch tỉnh vài tháng. Lúc đó tác giả còn ở với ông tại chiến khu Ba Lòng nên biết rõ sự việc. Một ngày, đội cảnh vệ dẫn “6 cụ già, dáng thanh cao, nho nhã, ăn bận theo lối cổ” đến gặp Chủ tịch. Đó là 6 vị quan to Triều Nguyễn, những Thượng thư, Tham tri, Tuần vũ, Án sát không chịu theo giặc, sống ở quê cũng không yên, nghe tiếng Chủ tịch là người khoan dung độ lượng, nên tìm đến nương náu vùng kháng chiến và sẵn sàng nhận công việc được giao phó. Trong điều kiện những ngày đầu kháng chiến ở chiến khu rất khó khăn, ông Phiên đã sắp xếp “để các cụ ở tạm nhà khách của tỉnh, cũng là một túp lều tranh khuất trong một lùm cây rậm...
Những ngày sau đó ông Phiên và toàn bộ nhân sự của Ủy ban tỉnh dốc sức tìm mọi cách đảm bảo cho các vị khách đặc biệt này một cuộc sống không đến nỗi quá gian khổ...”. Các cụ rất phấn khởi được giao một công việc thích hợp là phân loại, đánh giá tài liệu chữ Hán, chữ Pháp mà tỉnh đang lưu giữ.
Nhưng “Cuộc sống vui vẻ trôi chảy được khoảng hai tuần thì các cụ nhất loạt bị bệnh sốt rét quật ngã”. Khi người y sĩ giàu kinh nghiệm với ít thuốc hiếm hoi không cứu vãn được tình thế, sau một đêm gần như thức trắng đắn đo, suy tính, ông Phiên đành phải viết lá thư gửi “Ngài Nguyễn Hoài” - cựu Đốc học Quảng Trị, hiện là Tỉnh trưởng Quảng Trị (đã bị Pháp tái chiếm) mà ông từng biết là một người tốt, đề nghị ông ta giúp đỡ để Ủy ban kháng chiến có thể chuyển các cụ vào điều trị tại bệnh viện tỉnh trong vùng bị tạm chiếm.
Ba hôm sau, theo thỏa thuận hai bên “hai chiếc thuyền chở các vị thượng quan cũ xuôi dòng từ Ba Lòng về thị xã. Đi theo các cụ có 4 vệ sĩ và 1 y tá [...] Dân chúng quanh bến tò mò muốn biết các cụ là ai mà bên này bên kia rầm rộ đưa đón như vậy...” Có thể nói, đây là một cảnh hiếm có và chưa mấy người biết. Bà con càng ngạc nhiên khi “đến bữa ăn trưa, các cụ từ chối mâm cơm thịnh soạn toàn món ngon của quân ông Hoài chuẩn bị. Các cụ tỉnh bơ ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ, lấy mo cơm nắm muối vừng mang sẵn từ chiến khu về và ung dung ăn một cách ngon lành...”.
Các bài viết trong cuốn sách gắn với Quảng Trị còn có câu chuyện về “Bài thơ khóc con” cũng của ông Trương Quang Phiên – lúc đó, năm 1947, ông Phiên đang ở chiến khu, không biết con gái ông đau ốm và qua đời khi mới 16 tuổi; nhưng buổi trưa, sau ngày chị mất, bỗng có một con bướm lượn mãi quanh ông... Vì thế mà bài thơ được khắc vào bia dựng trước mộ chị có câu: “Khí thiêng hồn bướm lượn quanh người”... Tác giả nhắc lại bài thơ của thân phụ, “một đệ tử trung kiên của chủ nghĩa duy vật” để bàn về vấn đề khoa học tâm linh đang được giới nghiên cứu vật lý hiện đại quan tâm: mối liên hệ giữa vật chất và ý thức...
Cuốn sách còn hai bài viết về hai người con của Quảng Trị đã có không ít cống hiến về văn học và giáo dục nhưng nhiều người chưa biết: Đó là nhà văn Nguyễn Khắc Thứ và thầy Trần Văn Hối – từng là Trưởng khoa Văn Đại học sư phạm Huế suốt 15 năm – cùng thời gian ông Trương Quang Đệ làm Trưởng khoa Ngoại ngữ cũng ở ngôi trường này.
Nhân ngày Xuân, xin dành phần cuối bài báo này cho “Thơ Xuân ngày xưa”. Đó là câu chuyện tác giả nhớ lại hồi “năm 41-42 thế kỷ trước, 4 vị thân sĩ Quảng Trị họp mặt mừng Xuân làm thơ xướng họa...”. Cụ Bích Hồ – Hoàng Hữu Dực, thân phụ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm “bài xướng” như sau:
“Xuân qua xuân lại ngó đã lanh / Bốn mốt năm nay tính tuổi mình / Bạn với làng thì nên múa bút / Chơi cùng khách rượu thử nghiêng bình / Thân tuy chen chúc đường xe ngựa / Lòng chẳng ân cần chốn lợi danh / Trót nợ áo cơm chưa chút trả / Phải đem tấc đỏ hẹn ngày xanh.”
Không thể dẫn hết 3 “bài họa”, các cụ cũng chẳng cần chi “lợi danh” nữa, nhưng xin phép nêu tên tác giả đã họa thơ theo cách gọi “ngày xưa” (tên hiệu kèm tên tục): Đó là cụ Hàm Quang – Hoàng Hữu Cảnh (thân phụ iệt sĩ Hoàng Hữu Quế); cụ Hồ Ngọc Thâm (thân phụ giáo sư Hồ Ngọc Đại) và người thứ ba là cụ Tiên Việt Giạ Nhân – Trương Quang Phiên.
Trong mảng lớn của cuốn sách – có thể gọi là “Nhàn đàm” về văn học nghệ thuật, với vốn kiến thức Đông-Tây-Kim-Cổ uyên bác, tác giả không chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm rất nhiều tác phẩm thuộc loại kinh điển, mà còn “dẫn dụ” chúng ta sống lại những ngày tháng... lãng mạn thuở thanh xuân. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc chùm bài về các ca khúc “ngày xưa” mà mình cũng yêu thích, đến mức tôi đã nhẩm hát khi đưa mắt theo từng dòng chữ. “Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối / Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu...”
Nhưng thôi, để các bạn còn tìm sách đọc; để chứng tỏ tôi không “trạng” kiểu Vĩnh Hoàng khi nói rằng người con “làng Mai” lên tuổi 90 vẫn thông tuệ và tràn sức sống thanh xuân...
(Nguồn: Báo Quảng Trị)