Đảng bộ và Nhân dân Cam Lộ (Quảng Trị) mãi mãi tự hào về quê hương thân yêu đã hai lần được lịch sử giao cho trọng trách, gánh vác sứ mệnh “kinh đô kháng chiến”. Một Tân Sở còn đồng vọng lời Dụ Cần Vương của vị vua trẻ tuổi yêu nước Hàm Nghi, lay động tâm can hàng triệu sĩ phu, văn thân, đồng bào cả nước đứng lên phò vua đánh giặc, cứu nước; một Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi hội tụ phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận dân tộc giải phóng, đấu tranh trực diện với quân thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Con số 9 và những dấu mốc lịch sử
Có lẽ Cam Lộ là mảnh đất luôn gắn bó và có cơ duyên với con số 9. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với lợi thế địa hình xung quanh được bao bọc bởi núi rừng hiểm trở, lại giáp với đồng bằng có thế công - thủ toàn diện, vùng Cùa được chọn làm chiến khu cách mạng của huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị. Sau 9 năm bám dân, bám đất, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng, diệt ác trừ gian, nắm chắc thời cơ cách mạng, từ cuối năm 1963 bắt đầu công tác chuẩn bị, đến ngày 5/7/1964, cán bộ và Nhân dân hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa với khí thế long trời lở đất đã vùng dậy đồng khởi, phá ấp chiến lược, đập tan hệ thống kìm kẹp, giành chính quyền về tay Nhân dân. Cùa là điểm đồng khởi đầu tiên của huyện Cam Lộ, cũng là một trong những điểm đồng khởi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và đã giành được thắng lợi nhanh chóng, giòn giã. 9 năm sau ngày bắt đầu đồng khởi Cùa, vào năm 1972, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân giải phóng, các tập đoàn cứ điểm của địch bị đập tan, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Đầu năm 1973 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt thủ phủ trên dấu tích thành Cam Lộ xưa. Tại đây, nhiều lãnh tụ các nước anh em, các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã đến thăm, nhiều nhà ngoại giao đã đến trình quốc thư trên mảnh đất còn vương mùi khói đạn và cuộc sống bắt đầu hồi sinh.
Nhìn lại lịch sử 90 năm trước đó, năm 1883, Thượng thư Bộ Binh thời nhà Nguyễn Tôn Thất Thuyết đã cho xây dựng “kinh đô kháng chiến” ở Tân Sở, vùng Cùa, Cam Lộ. Đến đầu năm 1885, về cơ bản công trình được hoàn thành. Sau khi bất ngờ đánh úp quân Pháp, sáng ngày 5/7/1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng ra khỏi hoàng thành, theo đường rút lên Tân Sở. Sau khi đến căn cứ Tân Sở, ngày 13/7/1885, tại đây vua Hàm Nghi ra Dụ Cần Vương kêu gọi toàn dân ứng nghĩa, phò vua cứu nước.
Con số 9 không dừng lại ở đó, chỉ hơn 900 ngày sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị (tháng 7/1989- 1991) huyện Cam Lộ được lập lại sau nhiều năm là một địa phương thuộc huyện Bến Hải, rồi thị xã Đông Hà. Trong một cuộc hội thảo lớn của tỉnh sau ngày lập lại về khai thác thế mạnh kinh tế Đường 9, huyện Cam Lộ được đánh giá là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất khi tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây đi ngang qua địa bàn, góp phần từ kết nối giao thông đến thành công về phát triển kinh tế trong tương lai gần.
Giữ được nước bởi lòng dân kiên trung
Lịch sử giữ nước luôn để lại cho hậu thế bài học lớn là, để xây dựng một hậu phương kháng chiến trước hết phải xây dựng cho được “căn cứ lòng dân”, đảm bảo khả năng cung cấp nhân lực, vật lực cần thiết, đủ sức để gây khó khăn cho quân xâm lược, tạo thời gian và thời cơ để phát động cuộc kháng chiến toàn diện, lâu dài. Tân Sở vùng Cùa, chiến khu Cùa đã hội đủ những yếu tố quan trọng đó trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Để xây dựng “kinh đô kháng chiến”, Tôn Thất Thuyết đã huy động tới hơn 2.000 dân phu vào việc đào hầm, đắp lũy và bí mật chuyển súng ống, thóc gạo, châu báu, bạc tiền đến Tân Sở. Nhân dân vùng Cùa đóng góp nhiều công sức trong việc dựng trang trại, đào hào, đắp lũy. Dân đinh của các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hưởng ứng mỗi người nộp 4 gốc tre la ngà hoặc tre già để làm lũy chướng ngại. Thợ thuyền, lính tráng, dân công được tuyển từ khắp nơi để phục vụ cho việc chuyên chở và xây dựng nhà cửa. Những tháng cuối năm 1883, vùng Cùa như một đại công trường sôi động.
Đầu tháng 7/1885, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cho chuyển kho vàng từ kinh thành Huế ra Tân Sở. Lúa gạo từ các tỉnh đồng bằng phía Bắc chở vào qua Cửa Việt; súng đạn, vàng bạc từ Huế chuyển ra liên tục trong 3 tháng mới xong. Từ các bến thuyền trên sông Hiếu, lương thực, vũ khí, vàng bạc và hàng hóa được chuyển vào Tân Sở bằng đường khuân vác. Đặc biệt, nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết, vua Hàm Nghi đến Tân Sở nhưng không ở trong thành mà ở tại ngôi nhà của người dân ở làng Bảng Sơn, là người giàu nhất làng, chỉ cách thành Tân Sở khoảng 2 km, có nhà rường bốn vài, vườn rộng, giếng nước đầy ắp quanh năm. Người dân vùng Cùa hôm nay vẫn luôn nhớ về ký ức ông cha họ hằng ngày tiếp vua Hàm Nghi với sản vật mít chín và rượu làng, bày biện trên chiếc mâm làm từ gốc cây mít cổ thụ. Hiện chiếc mâm và bát chén, nậm rượu ngày xưa đã từng dọn mời vua Hàm Nghi vẫn còn hiện diện trong nếp nhà dân vùng Cùa như một chứng nhân của lòng dân luôn hết lòng phò vua, cứu nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cam Lộ là một cứ điểm hỏa lực mạnh với hệ thống chi khu quân sự, đồn bốt, lực lượng địch bố trí dày đặc. Vậy nhưng, kẻ thù không thể dập tắt được phong trào cách mạng, bởi cách mạng không ở đâu xa mà ở ngay giữa lòng dân. Suốt 21 năm đánh Mỹ, đêm đêm những ánh đèn dầu le lói trong các khu tập trung, ấp chiến lược ở các xã Cam Thanh, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thủy, Cam Giang, Cam Mỹ… lại là tín hiệu dẫn đường cho cán bộ, du kích đi về hoạt động. Chiều chiều, tiếng sáo diều vi vu trên đồng nội là ám hiệu để quân giải phóng xuất quân tiến đánh địch ngay tại sào huyệt của chúng.
Trong từng bi đông nước, cây gậy tre lồ ô, chiếc mỏ bò… của những mục đồng vùng Cùa lại giấu những lon gạo, gói muối, mẫu tin từ cơ sở vượt qua hàng rào kiểm soát nghiêm ngặt của giặc, chuyển ra cho cách mạng… Không thể kể hết tấm lòng son sắt thủy chung của người dân Cam Lộ đối với Đảng, với cách mạng. Đó là hàng trăm tấn gạo, muối, thực phẩm, thuốc men… được các mẹ, các chị chắt chiu, dành dụm và vượt qua hiểm nguy để tiếp tế cho cán bộ, du kích thêm sức đánh giặc.
Đó là hàng trăm khẩu súng, hàng vạn quả mìn, hàng nghìn viên đạn mà các em bé chăn trâu lấy được của giặc chuyển ra cho kháng chiến. Đó là những căn hầm bí mật ngay dưới bàn thờ, bên cối giã gạo, ngoài bờ tre, cạnh giếng nước… để cán bộ, du kích có chỗ an toàn đi về bám trụ địa bàn. Đó là những người mẹ, người chị trong “đội quân tóc dài” miệt mài tranh đấu, ngăn cản sự càn quét của giặc. Những cụ già tay trần chặn xe tăng không cho giặc tiến vào làng xóm, cày ủi mồ mả, đình chùa, miếu mạo… Trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng cuối cùng để giải phóng quê hương, biểu hiện rực rỡ nhất nhưng cũng đằm thắm nhất là lòng dân Cam Lộ luôn thủy chung, son sắt với cách mạng, với kháng chiến; đó cũng là nét tiêu biểu về văn hóa giữ nước của người dân nơi vùng đất anh hùng này.
“Chung một bóng cờ” vì đại nghĩa
Ngày 30/5/1973, khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được khánh thành tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị- xã hội của Nhân dân Cam Lộ, Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung. Tại đây, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đưa ra những chiến lược, sách lược nhạy bén lãnh đạo Nhân dân miền Nam đấu tranh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Trong một lần trò chuyện vào năm 2007, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lý giải câu hỏi của phóng viên, sau Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết vào tháng 1/1973, ta đã có một vùng giải phóng rộng lớn từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, vậy lý do vì sao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lại chọn Cam Lộ để xây dựng khu trụ sở mà không chọn nơi nào khác? Theo bà Nguyễn Thị Bình, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, thực tế ta đã có một vùng giải phóng rộng lớn, bao phủ khắp miền Nam nhưng vùng giải phóng ở tỉnh Quảng Trị là rõ ràng nhất.
Trong quá trình tận tâm, tận hiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước đã hun đúc, làm nên tính cách của đất và người Cam Lộ luôn trung dũng, kiên cường, nhân hậu, nghĩa tình. Tính cách đó, theo thời gian đã kết tinh thành văn hóa giữ nước và có sức lan tỏa sâu rộng, hòa vào dòng chảy của lịch sử, làm phong phú thêm truyền thống anh hùng, bất khuất trong suốt chiều dài đánh giặc, giữ nước của dân tộc.
Đây là nơi nối liền hậu phương lớn miền Bắc XHCN, rất thuận lợi cho khách quốc tế và đặc biệt là các đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến trình quốc thư hoặc làm việc. Nơi đây, ngày 6/6/1973 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm lễ ra mắt trong buổi mít tinh trọng thể, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Đại biểu của 19 nước anh em bè bạn khắp năm châu đã tới dự, đại sứ của các nước đã làm lễ trình quốc thư. Nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước anh em đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình, chia sẻ những hy sinh, gian khổ của Nhân dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ cũng là nơi ghi dấu ấn đậm nét về đường lối đối ngoại tài tình của Đảng ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)