Viết tiếp khúc ca hòa bình…

Đức Việt |

Khép lại chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình” với những câu chuyện của quá khứ hào hùng về một thế hệ tuổi thanh xuân lên đường chiến đấu, sẵn sàng hiến dâng máu xương bảo vệ từng tấc đất thiêng Tổ quốc là sự lắng đọng.

Ở đó, có những câu chuyện chiến đấu khốc liệt, bi tráng đan xen với nét yêu đời, tươi trẻ của những người lính tuổi mười tám đôi mươi, được tái hiện trên nền sân khấu thực cảnh với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng độc đáo, đã thật sự mang lại nhiều chiều cảm xúc: Sự trầm hùng, sâu lắng và hướng về tương lai tươi sáng với khát vọng hòa bình, hạnh phúc…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên và tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức tại thị xã Quảng Trị nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã mang lại nhiều cảm xúc tươi mới cho người xem. Lần đầu tiên, người dân thị xã nói riêng và trong tỉnh nói chung, được đón xem một chương trình nghệ thuật mang ý nghĩa tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ được xây dựng theo một cách bi tráng nhưng không nặng nề, nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Sự hồi sinh mãnh liệt và khát vọng hòa bình, hướng về tương lai được thể hiện với màu sắc tươi mới tại chương trình nghệ thuật đặc biệt - Ảnh: Đ.V
Sự hồi sinh mãnh liệt và khát vọng hòa bình, hướng về tương lai được thể hiện với màu sắc tươi mới tại chương trình nghệ thuật đặc biệt - Ảnh: Đ.V

Chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, hoành tráng, với sự tham gia của gần 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên; cách thể hiện mới mẻ, tương tác với công nghệ hiện đại. Bố cục 3 chương: Chương 1: Tiếng chuông và ngọn cờ - Ca ngợi Tổ quốc; Chương 2: Màu hòa bình và Chương 3: Khúc thanh.

Chương trình đã sử dụng ngôn ngữ văn học cùng những thủ pháp sân khấu đặc biệt, câu chuyện hòa bình đã được tái hiện và phác họa với góc nhìn đa chiều. Chương trình đã truyền tải thông điệp xuyên suốt về sự tri ân, luôn khắc ghi những công ơn của thế hệ cha anh đi trước, một tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, luôn mang trong mình một khát vọng - đó là khát vọng hòa bình, tự do, độc lập. Đây là một chương trình thật sự ý nghĩa, khắc họa khát vọng của các thế hệ thanh niên.

Đó là thế hệ anh hùng đã gác lại ước mơ, hạnh phúc cá nhân để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đó là khát vọng của thế hệ thanh niên trên hành trình tái thiết quê hương sau chiến tranh. Đó là khát vọng của tuổi trẻ ngày nay tiếp bước cha anh dựng xây đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Hòa chung trong không khí linh thiêng giữa đất trời thị xã Quảng Trị những ngày tháng 7 tri ân, cũng như nhiều bạn trẻ khác đến từ mọi miền đất nước, Lê Ngọc Hải, sinh viên Trường Đại học Thăng Long (Hà Nội) cũng lắng đọng những cảm xúc khó tả.

Hải bồi hồi nói: “Đây là lần thứ 2 mình đến với mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Nhưng lần này mình may mắn đã được tham dự một số sự kiện lớn nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị và 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đặc biệt là chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” được tổ chức rất ấn tượng và ý nghĩa. Thưởng lãm chương trình từ đầu đến cuối, mình cảm thấy rằng những sự kiện bi tráng của ngày hôm qua được tái hiện trở nên gần gũi hơn, đời thường hơn, được biểu đạt một cách nhẹ nhàng, đặc biệt là toát lên được vẻ đẹp của một thế hệ thanh xuân của cha anh xếp bút nghiên vào chiến trường với cháy bỏng khát vọng về độc lập, thống nhất”.

Theo Hải, chính những cảm nhận tươi mới đó từ chương trình sẽ khiến mình suy nghĩ nhẹ nhàng hơn về một chương hào hùng mà bi tráng nhưng không hề bi lụy của lịch sử, của chiến tranh với bao đau thương mất mát. “Từ sự hy sinh của các thế hệ cha anh, soi vào đó mỗi người trẻ tuổi như mình nhận thấy được trách nhiệm và hành động đúng đắn, có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng xã hội và chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển hơn nữa ở hiện tại và tương lai”, Hải nói thêm.

Trong khi đó, Đoàn Bích Thủy, một bạn trẻ ở thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Chương trình đã thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh đã hiến tuổi thanh xuân, xương máu để giành độc lập, thống nhất non sông. Ngưỡng vọng, tự hào với các bậc cha anh đi trước, mình và thế hệ trẻ hôm nay nguyện sống xứng đáng và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước”.

Cảm nhận của mỗi người, mỗi thế hệ dự khán chương trình có thể khác nhau nhưng tựu trung, đọng lại trong mỗi người là cảm xúc về sự tri ân vô bờ với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Và từ đó, mỗi người sẽ cố gắng sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và quê hương, đất nước.

Là du kích tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam huyện Hải Lăng từ những năm 1963 cho đến ngày đất nước giải phóng, từng có nhiều hỗ trợ cho bộ đội chủ lực trinh sát và đánh vào Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, CCB Phạm Hoàng năm nay ngoài 70 tuổi ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tỏ ra rất xúc động khi dự khán chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình”. Bác Hoàng bảo rằng từng chứng kiến nhiều sự hy sinh của bộ đội, sự ác liệt của chiến tranh, đặc biệt là vào mùa hè năm 1972 ở chiến trường thị xã Quảng Trị nên ông thấu hiểu được giá trị của hòa bình hôm nay.

“Được xem những tiết mục múa hát thực cảnh tái hiện lại những năm tháng chiến tranh ác liệt qua lăng kính nghệ thuật, với sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng rất hoành tráng, tôi thật sự rất xúc động. Chương trình dù được xây dựng theo cách thức khá mới mẻ, hiện đại, nhẹ nhàng nhưng vẫn truyền tải được sự sâu lắng. Trong không gian gần gũi, thiêng liêng này, tôi và nhiều người cảm thấy mình như được gần gũi hơn với anh linh các anh hùng liệt sĩ”.

Hình tượng chủ đạo của chương trình là “Dòng sông ước vọng” dẫn dắt, tạo mạch xúc cảm xuyên suốt - đó là dòng sông năm xưa chở những ước mơ hoài bão của một thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước - đó là dòng sông hôm nay chở những khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Và đó cũng là dòng sông mang ước vọng về hòa bình cho toàn nhân loại, để không còn chia lìa, mất mát, khổ đau. “Khát vọng hoà bình” cũng nhằm ca ngợi mảnh đất Quảng Trị tươi đẹp, bên cạnh bề dày truyền thống còn có tiềm năng phát triển trên nhiều lĩnh vực, biến những mất mát đau thương thành động lực vươn lên cùng bè bạn…

Tại chương trình này, sau bài phát biểu đầy xúc động tri ân các anh hùng liệt sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã khẳng định và nhắn gửi: Mỗi một phút giây bình yên trong cuộc sống, mỗi một thành quả trong sự nghiệp phát triển đất nước có được đều xuất phát từ nền tảng bền vững sâu xa - đó là nền độc lập, hòa bình mà hàng triệu con người Việt Nam đã hy sinh, đánh đổi bằng cả máu xương. Tôi tin tưởng rằng, dù trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai, khát vọng hoà bình vẫn luôn là giá trị thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Triển khai Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030

PV |

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 1724/QÐ-BVHTTDL, Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 nhằm thực hiện Quyết định số 96/QĐ-TTg của Thủ tướng về nội dung trên; góp phần thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ và chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình”

Đức Việt |

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 (1947-2022) và hướng đến Lễ hội Vì hòa bình, tối nay 24/7, tại Thành Cổ Quảng Trị, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức trang nghiêm Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ cấp quốc gia và chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng hòa bình”. 

Tạo hứng thú cho môn Lịch sử khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Tuệ Linh |

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Màu hoa đỏ”- Khúc tráng ca hào hùng mang nghĩa tình sâu nặng

Minh Đức |

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2022),  tối 23/7, được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Trị, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Màu hoa đỏ” lần thứ 15 năm 2022 tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia (LSQG) Trường Sơn.