17 tuổi đã là mẹ của hai đứa trẻ, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ còn ẵm ngửa. Ly Thị Ly và nhiều thiếu phụ ở bản Sơn Tống, xã Na Tông có lẽ là một trong những người đẻ sớm nhất Việt Nam.
Bản Sơn Tống (xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nằm lọt thỏm và sâu hun hút trong một vùng rừng núi heo hút. Con đường độc đạo từ trung tâm xã vào bản chỉ khoảng 20km nhưng toàn dốc dựng ngược, cua vắt tay áo và phương tiện cơ giới chỉ "bò" vào, ra được trong những ngày nắng ráo.
Sơn Tống hiện có hơn 278 hộ gia đình, 100% là đồng bào dân tộc H'Mông với điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn. Toàn bản có trên 70% số hộ gia đình nghèo và cận nghèo, và cái nghèo cứ bám riết, "trường kỳ", luẩn quẩn hết đời cha sang đến đời con.
Vừ A Và, Trưởng bản Sơn Tống bảo, cái tục đẻ sớm của dân bản mình có lâu rồi, chính quyền thôn, bản cũng tuyên truyền nhiều nhưng chưa được. Đẻ sớm, đẻ dày nên khó mà giàu. Ở đây kinh tế có gì đâu ngoài đi rừng và nuôi mấy con gà, lợn. Kể cả có gà, lợn thì cũng khó bán vì đường xa, khó đi quá.
Ly Thị Kiếc bế con ra trường mầm non của bản chơi. Kiếc 17 tuổi thẹn thùng bảo, đây là đứa bé mới được 4 tháng tuổi, đứa lớn chạy chơi đâu rồi, nó hơn 3 tuổi. Tính ra, Kiếc lấy chồng, có con khi mới hơn 14 tuổi. Ở dưới xuôi, có lẽ đây là con số kỷ lục, động trời nhưng trên này đó là chuyện hết sức bình thường.
Ly Thị Ly "muộn chồng" hơn Kiếc một chút, nhưng ở tuổi 19, cô cũng kịp có 2 con, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 5 tháng. Từ khi cưới đến giờ, Ly chỉ tập trung việc đẻ, việc làm kinh tế trong nhà để chồng lo. Nhưng chồng Ly là A Lử cũng ngang tuổi của Ly nên cả hai chưa biết làm gì để cuộc sống sớm ổn định. Khi được hỏi, Ly có muốn đẻ tiếp, muốn có con nữa không, Ly đỏ bừng má bảo có. Câu chuyện tại Sơn Tống chỉ là ví dụ điển hình nhất về thực trạng tảo hôn tại các thôn, bản vùng sâu của Điện Biên. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên trong năm 2017, tỉnh này có đến hơn 3.000 trường hợp tảo hôn và 94 cặp hôn nhân cận huyết.
Đại đa số việc tảo hôn tập trung vào bộ phận dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc các huyện, như: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Tuần Giáo…
Trước “phong trào” lấy chồng quá sớm này, một đề án đặc biệt đã được chính quyền triển khai, đó là Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết theo Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau hơn 3 năm triển khai đề án, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, số trường hợp tảo hôn giảm đi đáng kể, toàn tỉnh chỉ còn khoảng gần 1000 cặp cưới nhau quá sớm. Nhưng để duy trì “thành tích” này là việc rất rất khó. Cán bộ dân số đi tuyên truyền “năm thì mười họa” mới gặp đúng đối tượng vì đồng bào chủ yếu đi làm nương, rẫy từ khi mặt trời chưa mọc. Gặp được để tuyên truyền, để thay đổi được tập tục còn khó hơn rất nhiều lần.
Một lý do đặc biệt khiến chính quyền không dám mạnh tay xử phạt những vụ tảo hôn, đó là các cặp đôi yêu nhau ở đây thường rất quyết liệt, nếu vì lý do nào đó buộc đôi trẻ không lấy được nhau, họ sẵn sàng cùng nhau tìm đến cái chết.
Vì thế, ở những bản như Sơn Tống, trẻ con mỗi ngày một đông, các thiếu phụ thì cực trẻ, có lẽ trẻ nhất Việt Nam.
(Nguồn: Phụ nữ mới)