Lặng lẽ trên những triền đồi hun hút gió, loài hoa trắng mong manh, bình dị ấy từng ngày kiên cường đương đầu với rét mướt của mùa đông để dâng cho đời bạt ngàn hoang dại mà kiêu hãnh.
Nhưng để ngắm được trọn vẹn vẻ hoang sơ, mộc mạc của nó thì phải chờ đến những ngày đông giá. Bất cứ ở nơi đâu, triền sông, ven đường, sườn núi hay vách đá cheo leo…loài hoa ấy vẫn vươn lên khoe sắc. Bà nội tôi ngày xưa thường bảo khi nào hoa lau nở rộ là mùa bão lũ đã đi qua. Qua những mùa sương trắng, qua giông gió quay cuồng, những cành lau dung dị, mảnh khảnh có phần yếu ớt ấy cứ bám víu, đùm bọc lấy nhau mà vượt qua. Có lẽ thế mà cỏ lau trở thành một trong những biểu tượng sức mạnh đoàn kết từ xưa đến nay.
Mỗi độ chớm đông, mảnh đất miền Trung này lại miễn cưỡng đón chào những đợt gió chướng. Trong cái lạnh tái tê và qua màn mưa bàng bạc, hẳn không ai không sững sờ trước sự bung mình của loài hoa cỏ mong manh. Kỳ lạ thay, giữa muôn ngàn loài hoa sặc sỡ, xanh tươi, vẻ khiêm nhường, yếu ớt kia lại có một sức hút khó tả. Tuổi thơ liêu xiêu trong gió rét lại ùa về! Những ký ức tưởng chừng đã được cất giữ ở một nơi xa lại theo cái hoang dại ấy mà trở lại. Thương nhớ biết khi nào cho nguôi?
Tuổi thơ tôi bầu bạn cùng cỏ lau. Những chiều đông tầm tã gió mưa, tôi co ro trong manh áo mỏng, lang thang trên khắp các sườn đồi, chăn bò, cắt cỏ. Sau những trò chơi cùng đám bạn, tôi lại nép mình dưới vòm lau trắng, ngước mắt nhìn trời cùng những mơ ước xa xăm. Bạt ngàn lau trắng đã chở che tôi, nghe tôi thì thầm về những điều thầm kín, len lén lau khô dòng nước mắt khi tôi vừa đọc xong những trang văn viết về sự bất hạnh, bẽ bàng, tan vỡ của phận người. Loài hoa bàng bạc sắc trắng, tơi xốp không mùi hương này cứ thế theo tôi suốt năm tháng tuổi thơ.
Tôi vào đại học, bỏ lại tháng 10 nở trắng hoa lau và những ngày chăn bò, cắt cỏ cho cậu em trai. Nó lại từng ngày lang thang trên những triền đồi, lặn lội trong chiều đông giá buốt để tìm con bê lạc mẹ. Bóng nó lọt thỏm giữa một vùng cỏ lau xao xác gió chiều. Ngày tôi theo chồng xa xứ, hoa lau lác đác vào mùa. Tôi lặng lẽ tạm biệt con đường nhỏ quen thuộc có những khóm lau trắng hoang sơ. Cậu em trai mắt buồn nhìn chị rồi ra phía bờ sông. Mùa lau sau đó, nó cũng xa quê để đi học. Rồi…tôi bìu ríu con thơ, nó dặm dài xuôi ngược, thi thoảng gặp nhau chị em tôi lại bần thần nhung nhớ hoa lau-nhớ những cánh hoa nhỏ xíu găm đầy vào áo, vào khăn mỗi khi gió đông về.
Nhưng…đã 15 năm nay tôi không còn chờ mùa hoa lau nở nữa, mặc dù tình yêu với nó vẫn còn vẹn nguyên. 15 năm qua, mỗi lần nhìn bạt ngàn hoa lau nở trắng, tôi nghe lòng mình se sắt lại. Mùa lau bây giờ đã là mùa thương nhớ, mùa của nỗi buồn chia ly, mùa của những chiều đông se sắt với biết bao kỷ niệm đang lặng lẽ lùi xa. Em của tôi cởi áo trần gian vào một chiều tháng 10 mưa giăng mù mịt và rét tái tê. Hoa lau bắt đầu nở. Triền sông xưa vẫn lặng lẽ trắng. Mưa bụi vẫn âm thầm rắc màu xám vào không gian. Chỉ có em là đi xa mãi mãi. Không một lời từ biệt. Em bỏ lại mùa hoa lau cùng biết bao kỷ niệm vui buồn; bỏ lại lời hẹn sẽ cùng tôi quay về triền dốc năm xưa để tìm lại khóm lau trắng bạc và những chiều mưa lang thang tìm con bê lạc mẹ. Tôi mê sảng gọi tên em và lao mình chạy ra phía triền dốc, nơi có cụm lau đang oằn mình trong giá rét. Tôi úp mặt vào hai bàn tay lạnh cóng, đớn đau tìm lại một vùng ký ức xa xôi. Hoàng hôn lạnh ngắt. Tôi gọi tên em, gọi bao nhọc nhằn, vất vả, gọi những bữa cơm độn đầy khoai sắn nhưng ấm áp vô cùng, gọi những đêm dài chị em co ro trong tấm chăn không đủ ấm. Tôi bàng hoàng, nức nở sao em lại đành bỏ đi khi mùa lau đang nở? Tháng 10 từ nay nhuộm trắng màu biệt ly! Sau ngày tiễn em về đất mẹ, tôi lặng lẽ, đớn đau gói ghém lại tất cả rồi bần thần cất tháng 10, cất những ký ức trong trẻo một thời cùng em, cùng cỏ lau vào một góc sâu thẳm của trái tim mình.
Qua những mùa đông giá buốt, cỏ lau vẫn điềm nhiên đối mặt với những khắc nghiệt để giữ mãi hồn quê thuần hậu, thanh bình. Cỏ lau thủy chung với những sườn đồi lô nhô đá sỏi, thủy chung với những triền sông vắng vẻ, quạnh hiu. Thời gian đẩy lùi tất cả vào quá vãng. Tôi không chờ mùa hoa lau nhưng tôi vẫn rất yêu loài hoa mộc mạc này. Đêm đêm, tôi vẫn ước gì có ngày được cùng em trở lại mảnh đất ấy-mảnh đất tuổi thơ với những chiều đông hun hút gió và bạt ngàn lau trắng bình dị, hoang sơ.
Quảng Trị, tháng 8/2021
(Nguồn: Báo Quảng Trị)