Nỗi nhớ ngày mùa

Hoàng Nam Bằng |

Bây giờ cuộc sống của nhiều người đã gắn với phố thị, với nhịp điệu sôi động, hối hả của phố phường nhưng vẫn không thể quên những năm tháng sống nơi miền quê yên ả với bao kỷ niệm ấm áp, trong đó khó quên nhất là những ngày mùa, những lần cúng cơm mới.

Vào tháng 3 hay tháng 8 âm lịch, ở quê tôi một làng thuần nông vùng ven Đông Hà khi lúa ngoài đồng chín vàng cũng là lúc nhiều gia đình háo hức bước vào kỳ thu hoạch. Lúa gặt về được phơi vài ba nắng cho khô, mẹ mới xay, giã, giần, sàng để có những hạt gạo đầu mùa thơm tho chuẩn bị lễ cúng cơm mới thường được tổ chức sau khi gặt xong, mọi người có dịp nghỉ ngơi, thư thả.

Minh họa: L.D
Minh họa: L.D

Tuổi thơ nghèo khó ở nơi miền quê, chúng tôi cũng không thể quên những ngày mùa, đó là những ngày mà cuộc sống vốn bình lặng đã sôi động hẳn lên, mọi người í ới gọi nhau đi gặt, cả nhà từ trẻ, già, gái, trai cùng ra đồng gặt lúa. Vui sướng nhất là bọn trẻ chúng tôi không phải cắt, xén, mang vác mà chỉ thỏa sức sấp mặt vào bờ ruộng đào dế, bắt đam. Những năm khốn khó, không có máy tuốt, khi ấy lúa gặt về được chất ở ngoài sân để dùng chân người hoặc trâu bò để đạp. Nếu để trâu đạp thì từng bó lúa được mở ra, rồi chất theo hình vòng tròn, có thứ tự lớp lang, thân cây lúa nằm phía dưới còn hạt lúa thì dựng lên phía trên để khi chân trâu đạp vào thì hạt lúa rụng xuống.

Sau khi chất lúa xong, cha tôi mới đưa những con trâu vào đạp lúa. Người điều khiển trâu, nắm sợi dây để dắt trâu đi theo hình vòng tròn khép kín từ ngoài vào trong. Thường việc đạp lúa vào buổi chiều hoặc ban đêm cho đỡ nắng, phải mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ mới được đạp xong một giã lúa. Sau đó phải rũ rơm ra, phía dưới rơm là những hạt lúa vàng. Sau này có máy tuốt lúa đạp bằng chân, rồi máy gặt đập liên hợp giúp cho việc tuốt lúa được nhanh và ít tốn công sức hơn.

Tôi vẫn còn nhớ ở nông thôn trong những ngày mùa không chỉ con người mà con vật cũng chộn rộn như có được sinh khí, sức sống mới. Khi vụ mùa tới có thêm lúa gạo để ăn, con gà, con vịt cũng hoạt náo hơn khi chúng được tung tẩy ra đồng để kiếm được hạt lúa còn vương vãi đâu đó hoặc còn sót lại bên trong những đống rơm. Hằng ngày, đi học về qua những cánh đồng chúng tôi như được hít thở cái không khí nồng đượm của hương đồng gió nội. Cây lúa lúc mới cắm xuống ruộng có màu xanh non qua thời gian lớn dần, thân lúa to cao vạm vỡ, màu lá xanh đậm. Nhưng thích nhất vẫn là thời điểm cây lúa ngậm đồng, những hạt non hình thành từ chẹn lúa dịu thơm mùi đồng đất, tinh khôi dưới nắng mai.

Sau khi lúa được phơi khô khén, nông dân dành ra một phần để nộp lại cho Hợp tác xã, khi đó gọi là “đóng sản lượng”, phần còn lại cho vào sập hoặc bồ và không quên để sẵn mấy bao tải phòng khi mưa bão về là trút lúa vô bao đưa lên tran nhà tránh nước lũ. Mẹ tôi tỉ mẩn chọn những giã lúa óng ả, tròn chắc nhất bỏ vào cối xay để lo lễ cúng cơm mới. Có lần tôi hỏi một vị cao tuổi trong làng vì sao có tục cúng cơm mới? Ông ta cho rằng ngoài việc cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên, đây cũng là dịp để mỗi người nhớ lại những ngày tháng lao động vất vả, một nắng hai sương mới có được hạt gạo thơm. Bởi từ lúc lúa được cấy hay gieo sạ xuống ruộng phải mất tới 3 tháng mới cho thu hoạch.

Trong thời gian ấy phải bỏ ra bao nhiêu công sức để cấy dặm, nhổ cỏ, bón phân. Hằng ngày, nông dân phải đều đặn ra đồng để chăm sóc lúa. Nếu thấy cây lúa có biểu hiện khác lạ như màu lá úa vàng, xoắn, đốm…thì phải chữa trị ngay nếu không vụ mùa sẽ trắng tay. Những gia đình nào bón nhiều phân chuồng thì lúa tốt tươi, cây ít bị sâu bệnh.

Như vậy, lễ cúng cơm mới là tập tục có từ lâu đời nhằm tri ân trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để có vụ mùa bội thu. Lễ cúng còn để tri ân ông bà, tổ tiên đã cho con cháu sức khỏe, vượt qua bao mưa nắng để tiếp tục gắn bó với nghề nông bao nỗi nhọc nhằn. Đây cũng là một cách thể hiện sự kính trọng, mời tổ tiên, ông bà ăn cơm gạo mới trước, con cháu hưởng sau. Trong những ngày ấy mẹ tôi thường dậy sớm quảy gánh đi chợ để mua lễ vật. Trong nhà không mấy khi có sẵn tiền nên phải bán đi ít lúa để mua các vật dụng cần thiết. Lễ vật cúng cơm mới không thể thiếu là dĩa cau trầu, nải chuối, chai rượu và một nồi cơm gạo mới. Về thực phẩm, các món ăn tôi nhớ nhất là có măng xào, miến xào hoặc là canh măng. Gà, vịt thì khỏi phải mua vì ở nông thôn nhà nào cũng nuôi cả đàn gà, con nào khi làm thịt cũng có màu vàng ươm.

Sau khi chuẩn bị xong, lễ vật được đặt lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Một mâm đặt ở bên trong, còn một mâm khác hướng ra phía ngoài. Với lòng thành kính, cha tôi khấn lạy, mùi hương trầm tỏa thơm trong gió. Chúng tôi ai cũng háo hức vì sắp được ăn những món của lễ cúng cơm mới. Món canh măng hay canh trái thơm với cá tràu cùng với thịt gà, thịt vịt và những hạt gạo, hạt nếp dẻo thơm của một vụ mùa mới là những món ăn thấm đẫm hương vị hồn quê không thể nào quên.

Lễ cúng cơm mới thường gói gọn trong phạm vi gia đình. Trong những ngày ấy, những đứa con dù lấy chồng, lấy vợ ở xa cũng được gọi về để sum vầy cùng cha mẹ, anh em. Vì thế, tình cảm gia đình được sưởi ấm, thắt chặt, gần gũi hơn với bao tình thương dung dị mà nồng ấm khó quên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mẹo tặng quà Trung Thu ý nghĩa

Vũ Tuyến |

Trung thu là Tết Đoàn Viên, là một dịp để mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè cùng nhau quây quần. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tấm lòng và sự trân quý qua những món quà Trung thu đầy ý nghĩa.

Lời nhắn trong chai thủy tinh lênh đênh trên biển gần 4 thập kỷ

Trần Quyên |

Chai thủy tinh do các học sinh trường trung học Choshi của Nhật Bản thả xuống biển cách đây gần 40 năm, đã được một bé gái phát hiện khi nó trôi dạt vào bờ biển Hawaii.

Sợi tóc bạc rớt bên thềm nhà cũ

Minh Phúc |

Hồi đó, lúc ngoại lui cui, cầm cái sào dài ơi là dài chọt bẻ mấy trái vú sữa chín tím rịm, bu xung quanh là đám cháu nhỏ, ngước những đôi mắt đen lay láy, tay chỉ trỏ trái này trái kia, rồi chờ ngoại chia phần, tôi nghĩ, ngoại của tôi sẽ không bao giờ già.

Mũ rơm và laptop

Thùy Hương |

Ngắm bọn trẻ ngồi học online vì giãn cách xã hội do dịch COVID-19, tôi nhớ đến bức ảnh tư liệu về học sinh đội mũ rơm đến trường trong thời kỳ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại.