Đi giữa mùa Thu...

Nguyễn Bội Nhiên |

Là một hành nhân yêu mùa Thu, tôi đã đi qua rất nhiều con đường có lá rơi vàng cùng màu với nắng.

Mùa Thu với tôi bao giờ cũng bắt đầu bằng nỗi bồn chồn đợi mong những giọt mưa Ngâu hiu hắt đổ xuống vạn vật trong lặng lẽ. Lúc ấy, thêm lần nữa tôi ngồi thật yên trong ánh sáng thái hòa, nghe trong nhịp rơi của từng giọt mưa kia có niềm mang mang xao xuyến của đất trời.

Những ngày mùa Thu trên quê tôi có nguyên vẹn một khoảng trời xanh lơ in bóng những con thuyền xôn xao sóng nước; có những đốm nắng nhỏ xiu xiu mơ màng thỉnh thoảng lại nhạt đi một ít dưới những vòm cây; có những cơn mưa chiều mát lạnh…

Dẫu không mang về heo may và ngô đồng rụng, mùa Thu ở đây vẫn gieo vào lòng người cảm xúc lãng mạn khi nhìn những đám mây bồng bềnh mà bâng khuâng trong nỗi hoài nhớ thân thuộc: “Hàng năm, cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không trung có những đám mây bàng bạc trôi đi, lòng tôi lại xôn xao nhớ về ngày tựu trường…” (Thanh Tịnh).

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Phút bồi hồi trong thẳm sâu ký ức giữa tiết Lập thu hay Bạch lộ có thể trao cho con người sự cảm nhận đầy đủ về cái không gian vàng rực nắng, xào xạc lá, mơn man gió, mỏng mảnh sương, trong trẻo tiếng và tĩnh lặng dòng sông. Chừng ấy từ những ngày Thu sẽ làm nên bao nhiêu là ngỡ ngàng, rạo rực và bao nhiêu thi tứ. Nét yêu kiều của mùa Thu nào đã xa chẳng phải đã viết lên đời thơ tài hoa và nồng nhiệt của Xuân Diệu những vần thơ duyên náo nức đắm say: “Trời xanh đổ ngọc qua muôn lá/ Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”, đó sao.

Có lẽ vì thế mà bây giờ dường như không còn ai hỏi mùa Thu vì sao trong ngàn năm tuổi tác của Đường thi có “Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (sông Thu liền với trời xanh một màu); trong tâm thức yêu thương của người Nga luôn hiện bóng mùa Thu vàng của Lêvitan và những khoảnh khắc kỳ diệu của mùa Thu trong những câu chuyện kể thấm đẫm vị đời của Pautopxki.

Cũng như những ngày Thu đã qua, những ngày Thu này trên nhân gian có sắc màu của lá phong đỏ như mối tình đượm lửa, hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa (Tế Hanh); có sự gợi nhớ khoảnh khắc rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san của Kim-Kiều. Cứ thế, mùa Thu chưa bao giờ là của riêng ai nhưng bất cứ ai cũng có thể có mùa Thu của riêng mình sau những buồn vui phận người.

Dưới ánh sáng vi diệu của một ngày mùa Thu năm nay, tôi gặp một người đếm lá rơi bên sông nước thanh bình của dòng sông quê. Bến sông nơi người ấy ngồi đong đầy tiếng lá về cội và trên từng thân cành thoảng hương diệp lục của cỏ cây ở đó đã có niềm vui của mỗi chiếc lá sắp sửa chào đời.

Trong một tích tắc ngưng lặng của ánh nắng Thu phân vàng óng, con người kỳ lạ ấy nói điều gì đấy với lá như đang thì thầm với một cuộc đời riêng vừa đến vừa đi trong bước phân kỳ rất đỗi thong thả, nhẹ nhàng của thời gian. Bất giác, tôi nhận ra mình đang chờ đợi chiếc lá cuối cùng dẫu biết trên cây đã có một mùa lá khác, như ngày mai chính là cuộc sống mới mẻ của hôm nay.

Và trên nhịp rơi khẽ khàng khoan nhặt của chiếc lá nhân hậu kia, tôi nghe sự vẫy gọi của cuộc đời trong tiếng trống ếch rộn ràng chen cài ánh đèn lồng muôn màu của đêm Trung thu sẽ về trên những ngả đường.

TAGS

Thương chi lắm rứa, Đông Hà!

Trần Thị Tuyết Thanh |

Đầu tháng tư, khi sắc đỏ của những bông phượng rải rác bắt đầu bật cánh bung ra là lúc Đông Hà (Quảng Trị) lại đón nhận sự trở về của một người bạn cực kỳ khó chịu: gió Lào.

Ngọt bùi đậu tương

Tuệ Linh |

Đầu kỳ nghỉ hè, tôi dẫn các con đi chợ quê, trong khi lang thang cùng con qua các hàng quà bánh trong chợ, tôi bắt gặp một hàng bán đậu tương (đậu nành) tươi luộc, trái bám đầy lông tơ. Tôi reo lên và sà vào mua bằng được một giỏ đậu trong sự ngạc nhiên của các con. Háo hức bóc những quả đậu thơm tho cho con và cho mình, những hạt đậu luộc ngả màu hơi xanh, bùi và ngọt, mát lạnh trong cổ họng, ký ức tuổi thơ lại tràn về.

Cuối đời nghiêng ngả

Hoàng Hải Lâm |

Sáng chạy ngang qua làng, trời mưa lâm thâm, mợ không mũ nón. Chỉ một mảnh ni lon choàng vai. Cánh tay ngắn củn vẩy, cho mợ qua huyện, chỗ chữ thập đỏ để nhận quà.

Sen của loài người

Chế Lan Viên |

LTS: Tiểu luận dưới đây của nhà thơ Chế Lan Viên đăng trên báo Nhân dân ngày 24/5/1970, chỉ 8 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. Ngót nửa thế kỷ đọc lại, ta vẫn thấy ý tứ sâu sắc và câu từ xúc động. Văn bản này do nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ Chế Lan Viên cung cấp cho ban biên tập. Tạp chí Cửa Việt trích đăng một phần nội dung và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.