LTS: Tiểu luận dưới đây của nhà thơ Chế Lan Viên đăng trên báo Nhân dân ngày 24/5/1970, chỉ 8 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. Ngót nửa thế kỷ đọc lại, ta vẫn thấy ý tứ sâu sắc và câu từ xúc động. Văn bản này do nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ Chế Lan Viên cung cấp cho ban biên tập. Tạp chí Cửa Việt trích đăng một phần nội dung và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
I
Bác chúng ta vô cùng khiêm tốn, Đảng chúng ta vô cùng khiêm tốn, mà lòng chúng ta thì đôi khi lơ đãng, lắm lúc dại khờ, nên khi Bác còn ở cùng ta, cái vĩ đại của Người, ta chưa hiểu hết. Huống chi đây là một sự vĩ đại chỉ có trong hành động, ta mới nghiệm ra, bằng một sự tĩnh tâm, một sự im lặng lắng tai, ta mới hiểu hết, chứ không phải bằng những giải thích lòe loẹt văn hoa, bằng những tiếng ồn... Thế rồi bỗng Bác ra đi. Cả dân tộc như bừng tỉnh dậy. Mà từ ấy cho đến nay, mỗi ngày qua, cảm ơn mỗi ngày qua lại giúp ta phát hiện thêm về cái tầm vóc lịch sử của Người.
Văn chương thế giới hay dùng chữ thần kỳ khi nói đến Hồ Chủ tịch. Chỉ riêng việc “đi” của Người đã lắm nét thần kỳ. Nơi nào là nơi Người chưa đến trên thế giới? Mới chiều qua đây tôi biết thêm được một chi tiết: Người đã từng làm công nhân ở Liverpool, hải cảng miền Bắc nước Anh. Bác đã ở hay qua Pháp, Đức, Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Bỉ, Thụy-sĩ, Liên Xô, Trung Quốc, Thái-lan, Algérie, Tunisie, Mỹ nữa...
Bài Hành hình kiểu Luynsơ và Đảng Ku Klux Klan có phải Người viết sau lúc đến khu da đen Harlem? Chỉ biết câu văn cho đến ngày nay đọc còn nghi ngút lửa căm hờn. Bài văn tả những người da đen “bị nướng chín, bị thui vàng, cháy thành than” được Bác kết thúc: Nhưng trong khi đó thì trên mảnh đất nhày nhụa mỡ và khói, một đầu lâu đen nát bét, bị thui cháy, không ra hình thù gì nữa, nhăn nhó một cách đáng sợ và hình như muốn hỏi vầng mặt trời sắp lặn: Văn minh là như vậy đó sao?
“Văn minh là như vậy đó sao?” Cuộc tàn sát năm trăm người ở Sơn Mỹ: “Văn minh là như vậy đó sao?” Cuộc xâm lược lãnh thổ Campuchia: “Văn minh là như vậy đó sao?” Câu hỏi vẫn rất là thời sự.
Chúng ta biết Bác đến châu Phi vì sự quan tâm tột độ của Người với màu da đang chịu nhiều bi thảm ấy. “Ai cũng biết giống da đen là giống bị áp bức nhất trong giống người”. Nhưng nếu không có tài liệu của báo Chiến đấu Congo ngày 12-9-1969 thì ta đâu hay rằng “Người đến thăm nhiều nơi trong đó có Mũi Đen (Pointe Noire) ở Trung Congo sau này trở thành nước Cộng hòa Congo Brazzaville”. Chúng ta đã từng làm thơ tả Bác trở về Tổ quốc, bằng đường bộ, qua Liên Xô, qua Trung Quốc, và tình cảm của Bác lúc đến biên thùy. Nhưng có phải trên đường về nước, có lúc Bác đã dùng đường thủy, đã qua những đêm ngóng chân trời và nghe sóng, như ngày rời nước ra đi? Báo Tiến lên, cơ quan của Đảng Cộng sản Ceylan ngày 9-9-1969 viết: “Nói chung, người ta không biết Cụ Hồ Chí Minh đã ở Ceylan vài ngày trong khi Người từ châu Âu trở về Việt Nam. Chiếc tàu Người đi đã ghé vào cảng Colombo. Sau đó, Người đi một chiếc tàu khác trở về Việt Nam”. Báo ấy còn nói rõ: “Cụ Hồ Chí Minh đã trao đổi kinh nghiệm của Người bất cứ lúc nào Người gặp các đồng chí Ceylan trong cuộc đi thăm bất hợp pháp nước này. Hai đồng chí Ceylan mà Người biết rất rõ là đồng chí Uých-rê-ma-xen-ghê hiện nay là Chủ tịch Đảng Cộng sản Ceylan và đồng chí Piêtơ Cơnơma hiện nay là Tổng bí thư Đảng”. Thi sĩ lớn Haiti là René Dépestre cho ta biết Bác đã qua nhiều thủ đô châu Mỹ La-tinh. Thơ không phải là tài liệu chính xác, nhưng trong một bài thơ về Bác, nhà thơ lớn Cuba Félix Pita Rodriguet có nhắc đến Nam Phi. Và hình như có cả ý kiến là Người đã từng đến Úc. Rồi đây Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng có nhiệm vụ xác minh những điều ấy, xem tài liệu nào là đúng, vẽ lại cho chúng ta con đường Bác đã đi qua trên thế giới, đi giữa loài người. Tôi chỉ muốn nói, may thay cho đất nước, cho dân tộc, là Người Cha của chúng ta, Người Thày của chúng ta, Bác của chúng ta, Người đại diện cho lịch sử chúng ta đã có một cuộc đi như vậy. Người đã thấy các đất nước khác nhau, các màu da khác nhau, các ngôn ngữ khác nhau, các lối sống hoàn toàn không giống lối sống Việt Nam mình, và còn thấy điều này quan trọng hơn, là dưới tất cả các sự khác nhau ấy, còn một cái gì giống nhau, rất giống nhau: đó là Nhân Loại. Từ Ta, Bác đã đến Người. Và Bác trở về Ta, là sau khi có cái nhìn bao gồm Người, bao gồm Nhân loại như vậy. Bây giờ ta hiểu vì sao bản Tuyên ngôn Độc lập Bác đọc ở Ba Đình lại có trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn nước Pháp, nước Mỹ, vì sao Di chúc của Người lại không quên một câu thơ Đỗ Phủ đời Đường. Người Việt Nam nhất trong những người Việt Nam, người yêu nước nhất trong những người yêu nước là Cụ Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Ái Quốc, chưa bao giờ nhìn nhân loại ra một sự cắt chia. Nếu cần một hình tượng, tôi có thể nói: Người thủy thủ vĩ đại này đã từ sông Lam quê hương, sông Hồng Tổ quốc đi ra các đại dương, để có một “tầm mắt đại dương” trước khi về nhìn lại các con sông của nước mình. Và nhờ đó, trong những con sông của xứ sở mình, Người đã nhìn thấy biển. Cái nhìn đó làm cho Việt Nam thành một bộ phận hòa hợp trong nhân loại chứ không phải một bộ phận đối lập hay tách rời. Nhìn ra nhân loại nhưng quan trọng hơn nữa, là trong nhân loại, Bác lại còn nhìn ra cái này, đau xót lắm, nhưng phải nhìn cho thấy. Ấy là con người Paria, cái vết thương của vô sản, cái vấn đề giai cấp, vấn đề con người làm ra lịch sử bị đối xử như con vật: “thịt loài vật đó không ăn được vì không thể ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại trở thành những thứ không thể thiếu để đỡ dầu mỡ cho những cỗ máy”... Vết roi trên lưng người da đỏ, vệt cháy trên thịt người da đen, những lỗ thủng vì đạn trên ngực người da trắng, cũng là những cái khi ra đi, Người đã từng thấy ở làng Sen. Vậy thì giải quyết thế nào? Và Người đã đến với Lénine. Có thể nói, nếu cái nhìn ra nhân loại của Người đã giúp cho Người thức dậy một Việt Nam hồn hậu hòa hợp cùng thế giới, thì chính cái nhìn giai cấp nóng bỏng này, đã khiến cho Người khái niệm ra một Việt Nam dân chủ cộng hòa, một Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở mũi nhọn đấu tranh.
Trong bài tự thuật, Người có nhắc đến ngày Người đến với luận cương của Lénine. Đã đi qua một cuộc hành trình như vậy giữa loài người, giữa các dân tộc, không thể không đến cùng Lénine được. Quả nhiên Người đã đến với Lénine, với chủ nghĩa Marx, như từ bản năng, từ gốc rễ sự sống của mình. Nếu ta không câu nệ về thời gian, ta có thể nói rằng Bác Hồ đã đến với Lénine từ trước ngày đó nữa. Đúng hơn, đến với luận-cương-chửa-thành-văn, đến với tiền đề, chất liệu, với bản nháp của luận cương, đến với cuộc sống của nhân loại, cuộc đấu tranh đầy xương máu và mồ hôi của Người Cùng Khổ, từ đấy Lénine đã viết nên những trang mở đường cho lịch sử của các dân tộc.
Sự sống này, cuộc đấu tranh này vốn có tự làng Sen.
II
Người có thể thành một nhà báo lớn, một nhà thơ lớn ở châu Âu, nhưng Người đã không làm. Tôi đã nghe nhiều nhà văn lớn của thế giới nói đến tập Nhật ký trong tù như một thứ thơ tự nguồn, thơ nguyên chất, một cái gì cao hơn thơ nữa, thuộc về lịch sử, thuộc về tâm hồn. Thôi, hãy đọc ngay một đoạn báo bình thường của Bác. Biết là của Bác rồi mà đọc xong ta vẫn lạ lùng.
Quá quen hàng chục năm trời nay với lối văn giản dị, “tiếng suối trong như tiếng hát xa” của Người, ta sửng sốt trước lối văn rất là hiện đại, rất là châu Âu này - mà đấy cũng là của Bác: “...Ông Joseph Caillaux, cựu thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Einstein nói, sau khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, đã nắm trong tay hàng triệu, hàng tỷ bạc, ông viết sách vở, rồi một buổi sáng nọ, ông vò đầu và gãi điên cuồng. Không phải là gãi tóc - vì ông không có sợi tóc nào cả - mà gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: châu Âu sẽ đi tới đâu nhỉ? Nước Pháp sẽ đi tới đâu nhỉ?
Này, ngài thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Á và của nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói ngài biết châu Âu và nước Pháp đi tới đâu.
... Darwin, nhà đại thông thái Darwin, từng biết rằng con ngươi của một con ếch xứ Auvergne tròn hơn con ngươi của một con ếch ở vùng Nottingham và đuôi con chim bồ câu ở Mexico có nhiều hơn đuôi chim bồ câu ở Thụy-điển ba cái lông, nhưng ông hoàn toàn không biết gì đến một loài động vật rất đông đúc mà ngày nay ai cũng biết, và do số lượng và tính chất của nó, loài động vật này có thể được liệt vào hàng đầu các loài động vật”.
Đấy là loài “dân bản xứ thuộc địa” (Colonide indigena) như Bác muốn nói trong bài báo lấy tên Động vật đăng trên tờ Paria năm 1922 này. Thật là trào phúng mà vô vàn xúc động, trào phúng bằng máu, cười ra nước mắt, cười ra căm hờn, tất cả tâm trạng của người dân thuộc địa là chúng ta lúc ấy.
Tác giả bài văn “rất Pháp” kia chỉ năm năm sau, 1927, dưới bí danh Thầu Chín ở Xiêm, đã có thể viết ngay dễ dàng một thứ văn cổ kính khác, trong Bổn kinh đức Thánh Trần, một bổn kinh cứu quốc:
Diên Hồng thề trước thánh minh
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành
Nếu ai muốn đến giành đất Việt
Đưa dân ta ra giết sạch trơn
Một người Việt hãy đang còn
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà.
Lúc bấy giờ Bác đã 16 năm trời xa nước! Nhưng cho đến 1940 - ở Việt Nam - lúc bấy giờ xa nước có đến 29 năm, Bác vẫn giữ nguyên được cái hơi dân tộc rất là lưu loát trong một bài thơ Đường niêm luật nghiêm túc, đối đáp chỉnh tề:
Ba, bốn năm trời luống nhớ thương
Nhớ chàng lưu lạc tại tha hương
Tóc thề đã chấm ngang vai thiếp
Lụy nhớ e chưa ráo mắt chàng
Thù nước thù nhà chàng gắng trả
Việc nhà việc cửa thiếp xin đương
Bao giờ đuổi sạch quân thù địch
Ta sẽ sum vầy ở cố hương...
Bài thơ ấy ông Trần - tên Bác lúc bấy giờ - làm theo lời vợ đồng chí Trịnh Đông Hải gửi cho chồng đang làm công nhân ở Vân Nam. Sóng của những đại dương mà Bác đi qua, cuộc sống hỗn độn của trăm hải cảng, phố phường mà Người từng ghé ở, hình như chả có thể làm suy suyển tí nào, mà còn như hun đúc thêm cái hơi dân tộc, cái hồn Á Đông ở trong Người. Và chỉ một năm sau nữa thôi, là sự xuất hiện của Nhật ký trong tù, tập thơ đặt Người thành một nhà thơ lớn châu Á, phương Đông, tập thơ bây giờ bất hủ ở trên thế giới.
Tôi trở lại ý ban đầu, Bác dư sức để trở thành một nhà văn lớn châu Âu, hay một nhà thơ thiên tài ở châu Á. Nếu như không có chúng ta. Nếu như không còn có những cái khác lớn hơn Người. Nhưng Người sống đâu phải để vì Người, đâu phải để thỏa sức, thỏa tài mình. Chính vì dân tộc, vì nhân loại, nói chung lại, chính vì chúng ta mà Người đã sống. Cuộc đời của Bác đâu có phải một cuộc đời, mà là tổng hợp của nhiều cuộc đời, đời này lấy riêng ra, phát triển cho đến cùng cũng là cuộc đời rất đẹp. Người thủy thủ có lịch sử 16 năm đi biển, ngang dọc các đại dương trên thế giới. Người làm báo lỗi lạc ở những thủ đô văn hóa lớn. Nhà thơ, nhà hiền triết có cái hồn yên tĩnh trầm mặc của những vòm trời màu mây phía phương Đông. Một Cụ già trồng cây cho cả nước. Người Ông của các cháu nhi đồng. Cuộc đời nào cũng đẹp, như 19 tên Người tên nào cũng đẹp, các văn phong của Người, lối nào cũng tài năng. Nhưng cuối cùng Người đã vì ta chỉ sống có một cuộc đời: Cuộc đời lãnh đạo chúng ta làm cách mạng. Chỉ viết có một lối văn: lối văn giản dị thuần phác. Chỉ mang một cái tên, cái tên rất vô danh: Bác, mà con cháu ta sẽ nhớ đến muôn đời.
Văn chương, thực ra là điều rất phụ trong sự nghiệp của Người Ngâm thơ ta vốn không ham. Cái ham tột bậc của Người là ham đem hạnh phúc, tự do đến cho dân tộc, cho nhân loại. Có những vĩ nhân đẻ ra sách. Có những vĩ nhân đẻ ra đời. Có những thời kỳ tạo ra văn thơ. Có những thời kỳ trước hết phải tạo ra núm ruột, chùm rau, cái bọc hồng trăm trứng Âu Cơ, cái đà từ đó sẽ ra các sách. Người trí thức chúng ta hình như hay lấy sách làm tiêu chuẩn đơn vị để đong, đo, cân lường sự vật. Sách ư? Khó gì một quyển sách! Ai mà không có thể làm ra một quyển sách? Nhưng rồi để nói cái gì? Thế giới ngày nay, cứ một giây đồng hồ đã có một quyển sách tung ra trên mặt đất.
Vốn chẳng nhiều lời. Người biết dân ta còn phải làm nhiều, chỉ nên nghe đủ mà hành động. Khi cả nước chưa có phương hướng, Người chỉ rõ đường đi. Khi cả nước cầm súng trong tay, Người bảo “Tất thắng, trường kỳ”. Một triệu Mỹ - ngụy với tất cả bộ máy chiến tranh làm khiếp sợ bao người, Người bảo: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”... “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Với người duy vật không có chữ tiên tri. Nhưng phải chăng Marx - Engels đã được đánh giá là đã làm đỡ 500 năm đau khổ cho nhân loại, Bác đã báo trước cho ta những điều ta làm, những điều ta sống. Ngày nay ta thảo luận vấn đề dân tộc và giai cấp, thời đại và cha ông, thì Người đã từng đặt tên cho Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bấy giờ khi các phong trào thanh niên đang ào ạt, người ta tranh luận trên thế giới xem tính giai cấp và tính thanh niên, cái nào là chủ thể, thì trong cái tên Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Người đã dạy cho ta sự kết hợp ấy từ lâu. Ta bàn thế và lực, cán cân lực lượng, thời cơ, Người chỉ bảo: Lạc nước hai xe đành bỏ phí / Gặp thời một tốt cũng thành công.
Ta tranh luận với nhau về thế tiến công thì trong bài Học đánh cờ cách đây 30 năm, Người đã ba lần dạy cho ta về thế ấy:
- Tiến công thoái thủ nhanh như chớp
Kiên quyết không ngừng thế tiến công...
- Tiến công phòng thủ không sơ hở...
Đấy là cách nói của Người. Cách nói ngắn gọn của người thuyền trưởng làm cho dù bão táp đến đâu, người ta vẫn nghe được rõ ràng như nghe một khẩu lệnh cứu nguy, từ ấy chúng ta định hướng.
III
Những người duy tâm hay nói đến bất diệt, vĩnh hằng, bất tử. Đấy là việc mặc áo trắng về một cõi thiên đàng ngồi bên ngôi Đức Chúa Trời, hay vứt bỏ hết bản ngã nhập vào Niết Bàn có màu tịch diệt. Đấy là việc luân hồi như sống từ kiếp này qua kiếp khác, hay là sự tĩnh tại của một linh hồn thẳm xanh trong sự trường tồn. Mang đủ màu sắc như vậy nhưng cho đến nay, các thứ bất tử siêu hình ấy không còn an ủi được ai. Thế ấy mà lạ thay vẫn có một cái bất tử của người duy vật. Từ khi Bác xa ta, tôi càng cảm thấy rõ ràng sự bất tử này. Bác có mất đâu! Bác vẫn còn đây. Nhiều buổi sáng, nhiều buổi chiều, ở chỗ làm việc về hay một mình thẩn thơ đi dạo, tôi có cảm giác những hàng lộc non tôi đang nhìn kia, Bác đang cùng ta nhìn thấy, những tiếng trẻ nô đùa bắt ve bên đường kia, hẳn Bác đang cùng ta lắng nghe. Cái cảm giác ấy thực cho đến nỗi tôi nghĩ rằng bây giờ ta cứ đến nơi thì gặp Bác. Đây không phải là ảo tưởng của cảm giác gây nên, mình tự dối mình. Tôi còn nhớ lời một bức điện: “Có những người mà cái chết là mầm tạo nên cái sống”. Ở đây còn hơn thế. Có những người mà sự sống cao hơn trăm lần cái chết, cái chết không làm gì được nổi, cái chết đành bất lực uổng công! Cái chết làm gì được một con người từ đầu cuộc đời đã đem tất cả cái sống mình cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại, tất cả, tất cả, không mảy may gì giữ lại riêng mình? Không có cái gì riêng của Ông Hồ Chí Minh, của Bác. Một căn nhà riêng, một thửa ruộng riêng, một hạnh phúc riêng, một gia đình riêng, đến cả những cái thường tình như vậy - vì chúng ta - Bác cũng không có nốt. Sự chết không làm gì được một con người như vậy. Nó thiếu bạn đồng minh của nó là cái chủ nghĩa cá nhân ở trong ta, như một con sâu dần dần hủy hoại ta, mở đường cho nó đến. Nó không làm gì được với một con người đã nhập con số đời mình vào tổng số thành nhân loại, mình làm một với Đảng, mình làm một với Nhân dân, với Tổ quốc, mình làm một với những hàng cây vì nhân loại mà ra lộc, những mùa lúa vì nhân loại mà chín vàng...
Thực ra ta có được cái cảm giác nói trên của sự bất tử cũng là nhờ có Bác. Khi Bác ở cùng ta, chưa bao giờ Bác gây cho ta cái cảm giác hễ thiếu Bác đi là thiếu cả, là sẽ hư vô. Tố Hữu nói đúng: Như đỉnh non cao tự giấu hình. Bác tự giấu mình đi - giấu cái vĩ đại, to lớn của Bác đi - cho ta chỉ thấy ta thôi. Bác tự khuất mình đi sau Đảng, sau Chính phủ, sau nhân dân, sau cả một em bé, cụ già. Bác làm cho chúng ta tin ở ta hơn. Bởi thế khi Bác ra đi, Bác đã không để lại cho ta một vực thẳm, một khoảng trống không không thể nào lấp được như điều ấy đã xảy ra trong lịch sử.
Trong lịch sử đông tây kim cổ thiếu gì những thiên tài lỗi lạc. Những thiên tài ấy, trước họ, ta thấy họ vĩ đại, chói ngời và chỉ có thế thôi. Và càng nhìn họ lâu, ta thấy ta càng bé kém. Họ là hoa sen mà ta chỉ là bùn, họ là thần thánh siêu nhân mà ta chỉ là phàm phu tục tử. Bác Hồ muôn vàn vĩ đại, muôn vàn kính yêu của chúng ta là một vĩ nhân kiểu khác. Ta thấy Người là sen, nhưng Người cũng làm cho ta tự thấy ta có mầm-mống-sen, có khả-năng-sen. Sống dưới ánh sáng của Bác mấy chục năm nay, mỗi người dân Việt Nam, mỗi người đảng viên Đảng Lao động thấy rằng mình chịu ơn ánh sáng của Người nhưng nhờ đó mà cũng dần dần tự phát ra được ánh sáng như Người hằng mơ ước cho ta. Bác Hồ là Bác Hồ. Nhưng Bác Hồ còn phân thân mình ra trong 38 triệu chúng ta, mỗi lúc ta làm cao hơn mình một chút, gắng theo Người một chút. Một Người đã hóa ra 38 triệu người, còn cái bất tử nào bằng?
Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên nhi đồng Hồ Chí Minh, con đường mòn mà cũng là đại lộ chiến lược Hồ Chí Minh, thế hệ Hồ Chí Minh, cách sống Hồ Chí Minh, tâm hồn Hồ Chí Minh... Ôi, cho đến ngày kia, cả nước nhà độc lập hùng cường, con người Việt Nam bay lên những quỹ đạo tuyệt vời, bay giữa trăng sao, thì chính cái sức đốt của chúng ta, sức đẩy của chúng ta cũng là năng lượng Hồ Chí Minh. Không gì khác cả.
Rồi đây kế tục nhau các thế hệ Việt Nam sẽ tạc tượng Người. Trong lòng mình trước hết. Nhiều đêm tôi nghĩ: “Giá mình là nhà điêu khắc, mình sẽ tạc tượng Bác thế nào đây?” Mỗi thế hệ, mỗi người có thể tạc tượng Người một cách khác. Bác với nông dân. Bác cùng thợ mỏ. Bác làm thơ. Bác với nhi đồng. Bác trên lưng ngựa trên đường đi chiến dịch. Trong phòng riêng Bác với Lénine. Những Giải phóng quân bên chòm râu Bác. Vô vàn hình ảnh, cái nào cũng đẹp, cái nào cũng đúng. Nhưng đêm nay tôi tạc tượng Bác thế nào đây?
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)