Ngọt bùi đậu tương

Tuệ Linh |

Đầu kỳ nghỉ hè, tôi dẫn các con đi chợ quê, trong khi lang thang cùng con qua các hàng quà bánh trong chợ, tôi bắt gặp một hàng bán đậu tương (đậu nành) tươi luộc, trái bám đầy lông tơ. Tôi reo lên và sà vào mua bằng được một giỏ đậu trong sự ngạc nhiên của các con. Háo hức bóc những quả đậu thơm tho cho con và cho mình, những hạt đậu luộc ngả màu hơi xanh, bùi và ngọt, mát lạnh trong cổ họng, ký ức tuổi thơ lại tràn về.

Một năm khoảng hai ba lần vào mùa đậu, tôi được ăn thức quà dân dã này từ các gánh hàng của người dân ven đô, hoặc từ miệt Triệu Phong, gánh ra phố thị bán. Trong những đôi quang gánh ấy có khoảng chục bó đậu tương, vài bó gương sen, một mớ ổi vườn, đào đỏ, đào trắng… Ai trong số các bạn đã từng được ăn đậu tương tươi luộc chắc không quên được vị ngọt bùi của hạt đậu non, cảm giác như hương thơm của đồng đất quê hương đọng lại trong từng hạt đậu no tròn.

Đậu tương tươi luộc là món quê bình dị -Ảnh: Tư Liệu
Đậu tương tươi luộc là món quê bình dị -Ảnh: Tư Liệu

Mẹ tôi kể, để có đậu tươi luộc thơm ngon, người ta phải canh đúng lúc trái đậu căng đầy sữa, nhưng còn tơ, hạt mềm, không non quá mà cũng không già quá để thu hoạch. Cây đậu được cắt bỏ gốc, tỉa sạch lá, chỉ còn lại những thân cây chi chít quả, bó thành từng bó nhỏ, luộc lên rồi mang đi chợ bán. Khi luộc người ta thường cho ít muối vào nồi để quả đậu giữ được màu xanh tươi ngon mắt, khi ăn để lại hương vị mằn mặn khó quên. Chưa kể, thu hoạch đậu tươi cũng như hái rau, ngon nhất là vào sáng sớm vì khi ấy trái đậu tươi, ngọt và giữ được nhiều nước. Với đa số người dân, đậu tương trồng chủ yếu để thu hoạch đậu già, bán đậu non cũng chỉ là thói quen để giữ thức quà quê.

Lớn lên, tôi hiếm khi được nhìn thấy những bó đậu tương tươi luộc như một thức quà vặt cho người thành phố nữa. Có lẽ, trong vô số các món ăn vặt hấp dẫn, bắt mắt hiện nay thì đậu tương luộc, món quê bình dị ấy lại không có chỗ đứng trong lòng người thành phố sành ăn. Hay ngày nay công nghệ làm đậu tương được đầu tư hơn nên người dân để đậu già thu hoạch làm đậu phụ và nhiều thứ khác.

Những năm 80 của thế kỷ trước, máy làm đậu phụ chưa có, kỹ thuật làm đậu phụ chưa cao nên những miếng đậu khi ra thị trường trông hơi nhiều bã, màu không tươi, có vị hơi chua, không mịn, sánh và trắng như bây giờ nên ít được người dân tiêu thụ. Với lại, trẻ con như chúng tôi, đang tuổi lớn nên vẫn thích các loại thịt hơn trong các bữa ăn. Thế nhưng, lần đầu tiên tôi được ăn đậu phụ rán, cảm giác ngon và béo như thịt lợn là năm lên 9 tuổi. Số là trong một chuyến công tác vào miền Trung, khi về lại Hà Nội, chú ruột tôi dẫn tôi theo cùng. Chú cháu tôi phải mất hai ngày một đêm trên xe mới ra đến Hà Nội.

Giờ cơm tối, mâm cơm là một đĩa rau muống luộc chấm xì dầu, lấy nước luộc dầm quả sấu làm canh; một đĩa đậu phụ rán nóng hổi, vàng rộm và bát nước chấm pha loãng, có một lớp lá hành hoa xắt mịn nổi trên bề mặt. Tôi bắt chước thím, chấm ngập miếng đậu phụ vào bát nước chấm rồi cho vào miệng. Miếng đậu nóng giòn như tan ra, vị béo, thơm của đậu và của hành lá, khiến tôi ngất ngây…Sau này, dù được thưởng thức nhiều đặc sản khác của Hà Nội, nhưng món đậu phụ bình dân ngày đó dường như đã nằm lại mãi trong vị giác của tôi.

Lang thang trên internet vào những ngày ở nhà tránh dịch, tôi được biết có vài trang web bán đậu tương tươi đóng gói nguyên trái, mua về chỉ luộc lên và thưởng thức ngay; đậu phụ thì rất phong phú, gồm nhiều loại, từ đậu phụ mềm, cứng, chiên rán, lên men… có cả đậu phụ nhập khẩu, nhưng tôi đoán chắc, chúng khó có thể có được hương vị như những món đậu mà tuổi thơ tôi đã từng được thưởng thức.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cuối đời nghiêng ngả

Hoàng Hải Lâm |

Sáng chạy ngang qua làng, trời mưa lâm thâm, mợ không mũ nón. Chỉ một mảnh ni lon choàng vai. Cánh tay ngắn củn vẩy, cho mợ qua huyện, chỗ chữ thập đỏ để nhận quà.

Sen của loài người

Chế Lan Viên |

LTS: Tiểu luận dưới đây của nhà thơ Chế Lan Viên đăng trên báo Nhân dân ngày 24/5/1970, chỉ 8 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. Ngót nửa thế kỷ đọc lại, ta vẫn thấy ý tứ sâu sắc và câu từ xúc động. Văn bản này do nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ Chế Lan Viên cung cấp cho ban biên tập. Tạp chí Cửa Việt trích đăng một phần nội dung và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Đâu còn mùa thu

Diệu Ái |

Đôi khi ý niệm thời gian bất giác bị rơi vào quên lãng tại vài ba bận bịu và lơ đãng vô tình. Một tối, khi xuống phố với làn áo mỏng, cơn gió sẽ sàng luồn vào tâm mình run rẩy, mới hay rằng nơi này đâu còn mùa thu.

Vì sao lại có Ngày của Mẹ?

CTV Vân Khánh |

Ít ai biết rằng, Ngày của Mẹ bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động có thật về tình mẹ con.