Sáng chạy ngang qua làng, trời mưa lâm thâm, mợ không mũ nón. Chỉ một mảnh ni lon choàng vai. Cánh tay ngắn củn vẩy, cho mợ qua huyện, chỗ chữ thập đỏ để nhận quà.
Đoạn đường hơn cây số mợ lặng im. Tôi hỏi gì mợ trả lời không thôi, gần cuối con đường mợ nói: tiện gặp cháu đây, mợ xin luôn. Đám giỗ cậu mợ chỉ làm con gà với cỗ xôi thôi nhé, mợ không còn chi cả. Mẹ cháu mất rồi, nên mợ xin cháu.
Tôi chạy xe chậm lại, thấy mắt mình cay. Bà ngoại tôi sinh được ba người, mẹ tôi, cậu và một cậu út. Mẹ và cậu sống ở làng, cậu út đi biệt tăm, sáu mươi năm chưa thấy mặt mũi đâu, không một dòng thư tín. Mợ làm dâu nhà này, túi mặt vì con và bao nhiêu việc trong nhà, họ tộc. Bao lâu rồi mợ không về quê, chừng bảy tám năm gì đó đúng không. Mợ ờ, sao cháu biết, đã bảy năm rồi mợ không về quê.
Có những chuyện xót xa chẳng ngờ vực được. Mợ là con gái Đền Hùng, người con gái đó đã theo chân một anh công nhân đường sắt để vào đây. Mối tình đẹp cỡ nào mà khiến mợ gắn bó đến tận bây giờ. Đôi lúc tôi không hiểu. Có lẽ do cậu hào hoa, hoàn cảnh sống có cực thế nào thì cũng nước hoa thơm nức. Cậu hát hay, nói vè giỏi và đặc biệt luôn biết nói lời yêu thương.
Sau ngày cậu mất thỉnh thoảng ghé nhà mợ tôi thấy xót xa. Vài đứa con, đứa nào cũng nóng nảy. Mợ sống với đứa nóng nảy nhất nhà. Nó không vợ con, lại còn bảo Hoa hậu Mai Phương Thúy yêu nhưng từ chối, cho cô thất tình chơi. Không biết cô thất tình cỡ nào mà nó cứ đi thất thểu với những cơn say, cứ làm chi có tiền là mua cục thịt về đứng xiêu vẹo: Con vừa nhậu với Mai Phương Thúy, cô say chuồn rồi. Hôm nay không nấu nổi nữa nghe chưa, mẹ nấu mà ăn. Mẹ ơi sao con thương mẹ quá.
Thương cỡ nào mà có lần bổ mẹ mấy nhát vào đầu phải nhập viện. Công an tóm ra huyện khi mùi rượu còn cay nồng. Khi biết chuyện nó nổi điên lên định đánh luôn công an: vừa phải thôi, thiếu chuyện nói giỡn à, mẹ là người sinh ra tôi, bà là người tôi yêu thương nhất.
Giám định y khoa kết luận nó bị tâm thần nên thả nó về sống với mẹ. Ngày này qua tháng khác người đàn bà khổ hạnh nấu cơm còn đứa con sau giờ đi làm, ngày nào vẫn cứ mang về cục thịt. Một hôm nó đau, mặt tái nhợt, da vàng khè… mợ đem nó xuống viện. Bệnh viện bảo đem về để… chết. Mợ khóc suốt chặng đường gần hai chục cây số. Nó nhìn: mẹ, có phải con gần chết không? Mợ gật đầu, ờ con gần chết.
Nó khóc run: mẹ tàn nhẫn với con quá. Mẹ ơi! Mẹ nói đi, con không chết. Thương con lần nữa được không? Mẹ nói đi… con không chết mà. Con chết rồi ai mua thịt cho mẹ ăn. Mợ cắn môi bật máu. Nếu có thể có một ước mơ, mẹ sẽ cho con mạng sống của mình. Ôi trời ơi, mợ thốt lên đớn đau và thất vọng. Còn gì rớt xuống đời để chịu lần đủ đau.
Đêm mưa mùa đông, gió quất lên mái tôn ràn rạt. Nó cầm chặt tay mợ ú ớ rồi chảy nước mắt. Sau khi hôn lên tay mợ, nó mỉm cười rồi lặng im, hết những khổ đau. Cơn đau đó như bản di chúc dành cho người đàn bà đơn lẻ. Mợ thắp lên bàn nén nhang và đặt cơm chờ cho nhang tàn rồi bưng xuống. Mâm cơm vẫn hai cái bát, gắp bỏ thức ăn, con ăn đi, thứ này mới mua ở chợ. Mẹ còn tiền để mua thịt đấy con.
Mọi năm giỗ cậu mợ vẫn làm to. Theo yêu cầu của vài đứa con không nuôi mợ. Làm đám giỗ to mời mọi người đến ăn để mở mày mở mặt. Tiền cũng từ đứa con trai nóng nảy nhất nhà. Nó bưng xi măng, bốc bờ lô… làm đủ thứ việc để tiết kiệm tiền nuôi mẹ và làm đám giỗ cha. Giờ nó mất rồi, giỗ cậu làm nhỏ lại, mợ không còn nguồn tiền nào để sống, chỉ nhờ vài người hảo tâm. Như sáng nay, mợ nhận quà của chữ thập đỏ, cũng có ăn vài hôm. Rồi hôm sau như thế nào? Tôi hỏi và đưa cho mợ mấy trăm ngàn. Mợ khóc, cháu cũng còn nhiều việc phải lo.
Có những cơn gió ùa về vào buổi sớm mai. Hai chục cây số tôi vẫn cảm nhận được những đắng cay từ gió. Miên man, réo rắt, xót xa… ngày dài lạnh thấu xương mà chiếc áo mỏng còn thỉnh thoảng dính vào da thịt. Ngồi ngẩn ngơ nhìn người lại qua. Hình bóng về người đàn bà thấp đủn, vai cột tấm ni lon lại ùa về. Cuối đời người ai cũng hạnh phúc, hoặc vơi bớt nhọc nhằn. Mợ chơ vơ, đơn lẻ như cơn gió. Có lần tôi hỏi, giờ mợ muốn về quê không? Mợ khóc, không về nữa đâu, mấy lần anh em ngoài đó điện vào mợ nói sống được, đủ đầy nhưng không muốn đi, lười lắm.
Rồi có khi người này đi ngang người kia. Đứa em trai nhảy xe mấy cuốc đứng trước mặt chị gái. Phải hồi lâu mợ mới nhận ra em trai mình. Không cảm xúc yêu thương, mợ bối rối, sợ sệt, giận dỗi. Làm chi có người lại tìm đến trong hoàn cảnh này. Mợ không muốn ai thấy mình trong hoàn cảnh khốn khó. Ngày xưa mọi người can ngăn, đừng lấy chồng về chốn đó mất hết thanh xuân của mình.
Con người ta sống chẳng hối tiếc gì. Nhất là đối với việc mình tự lựa chọn. Mợ cũng thế. Chẳng qua chưa kịp sắp xếp cho cuộc sống gọn gàng. Phúc phần đời mợ là có đứa con trai đến tâm thần vẫn còn thương mẹ. Chỉ cần chút đức hạnh đó đã đủ để tiêu pha suốt chặng đường còn lại và giữ chút nhỏ sau cùng để người ta còn yêu thương. Em trai bảo về quê, mợ nói không về, ở đây vẫn sống được.
Qua hết những ngày mưa, nắng hanh hao ngoài vườn. Lá chuối cuốn giờ bung ra xanh mơn mởn. Mợ hít vào thật sâu tiễn đứa em ra ngõ: cậu về nghe, ai hỏi cứ nói chị sống vui dữ lắm. Có thể có nhiều thứ chưa được ưng ý với chị, với cậu nhưng đừng vì nó mà xem như cơn gió chướng, đừng làm lạnh người khác khi mình có thể ngăn nó lại chỉ bằng đôi môi.
Đứa em gật đầu rồi bước đi. Mợ quay vào sớm để khỏi nhìn ánh mắt ngoái lại. Có bao nhiêu nắng chan xuống con đường đất. Mợ cảm nhận được hơi nước từ đó bốc lên, ngai ngái, hừng hực, dường như nó bức. Mợ cười, đời bắt đầu từ nhiều thứ và kết thúc cũng bằng ấy, thôi cứ để nó nằm yên. Ở chỗ mà nó đã nằm. Mợ trở vào căn nhà, nơi mấy chục năm qua mình còn sống được.