Đầu tháng tư, khi sắc đỏ của những bông phượng rải rác bắt đầu bật cánh bung ra là lúc Đông Hà (Quảng Trị) lại đón nhận sự trở về của một người bạn cực kỳ khó chịu: gió Lào.
Loại gió phơn Tây Nam này được hình thành từ vịnh Thái Lan, theo hướng tây bắc - đông nam mà di chuyển qua Campuchia và Lào. Đến dãy Trường Sơn thì bị cản lại, chỉ còn luồng khí khô nóng tràn xuống vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ của Việt Nam. Những ngày hè ở xứ sở nhiệt đới này vốn đã nhiều nắng, lại thêm những đợt gió Lào phả vào không gian một vùng khí ngột ngạt bức bối khiến eo đất miền Trung chật hẹp trở nên xơ xác. Từ tám giờ sáng, gió Lào đã len lỏi trong không khí rồi bao trùm lấy không gian cả xứ sở cỗi cằn này cho đến tận chiều tối.
Tháng năm, Đông Hà lại trằn trở với những ngày oi bức ba tám, ba chín độ. Nhiệt độ bừng bừng trên mặt đất, trên tay người, trong từng hơi thở. Cái xứ chi thiệt lạ, nắng quá trời nắng, nắng hắt khô nồng nực, nắng chang chang, quăn queo những đọt lá vừa mới nhú chưa kịp bung ra tròn cánh, phiến xanh không đủ sức chống chọi với lửa trời đã phải thả mình cho xơ bạc giữa không gian. Sáng ra mới tưới nước đẫm mà trưa về đã thấy trước sân bụi phủ trắng thềm. Mặt đường hắt lên một thứ hơi nóng khủng khiếp khiến người ta có cảm giác hốt hoảng như đang bị quấn chặt trong một khối nilon chật cứng, nghẹt thở. Có việc phải dắt xe ra đường từ khoảng chín giờ sáng cho đến bốn giờ chiều là một sự ngột ngạt tưởng như bất lực muốn buông xuôi. Ngồi trong nhà hay dưới bóng cây cũng không hẳn đã xua bớt đi cái bỏng rát khó chịu từ những cơn gió mang lại. Với tay bật chiếc quạt máy mong kiếm được chút mát lành lại gặp thêm sự oi nức, mệt mỏi. Gió Lào cứ thế quấn lấy đất và người ở đây cho đến tận giữa tháng chín, khi miền Bắc đã se se trong tiết sang thu.
Ngày còn đi học, bạn đã chở tôi bằng chiếc xe đạp cà tàng lên dốc lô cốt (bây giờ là góc Bưu điện thành phố Đông Hà), cái dốc huyền thoại mà chúng tôi không thể nào đếm được bao nhiêu bận khóc cười ở đấy. Cái lô cốt cũ này có từ thời chống Pháp, làm tháp canh phục vụ cho mục đích canh phòng, bảo vệ ga Đông Hà và án ngữ tuyến đường 9. Sau 1954, chính quyền Sài Gòn vẫn sử dụng lô cốt này như một vị trí chiến lược trọng yếu. Đến thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh sau 1975, thì lô cốt là chiến trường cho các trận chiến tích tè, những đợt trốn tìm giữa trưa hè cháy rát. Chúng tôi sau một hồi rượt đuổi, lại vắt vẻo trên các nòng súng xe tăng, ngửa cổ lên trời mà hét. Đám bụi đường đỏ quạch hằn từng vệt dài trên quần áo, trên cả mớ tóc cháy nắng và khuôn mặt nhám xịt, nước da đen nhẻm.
Đường Đông Hà ngày xưa rất nhiều dốc, những triền dốc thoai thoải đủ để bọn trẻ con chúng tôi lùa nhau lên đó tìm hái những trái sim chín muồi, ngọt lịm, những trái chua mòi đen nhánh đem về xóc trộn cùng muối ớt cay xè. Những đoạn dốc lưng chừng là nơi bốn năm đứa đeo nhau trên một chiếc xe đạp không gác baga, không pedan, không phanh hú hét mỗi buổi chiều hè. Giờ xem phim Hàn Quốc lãng mạn thấy các con dốc tình yêu, lại nhớ Đông Hà xưa quay quắt.
Mùa cằn khô đó, nếu người Đông Hà đi xa cũng cảm nhận được sự khô rát trên thịt da mình, mới giật mình đưa tay quệt ngang trán giọt mồ hôi mẹ mang về từ buổi chợ trưa. Rồi vô thức đặt tay lên vai lần tìm vết sạn chai của những ngày hè gánh nước, nghe tiếng cười thầm thì bên thành giếng cạn thấy đáy ở đầu đoạn dốc vào nhà. Nhớ buổi trưa, ba nhắc đứa con nít đen nhẻm khệ nệ bưng chậu nước chè pha thêm chút đường đen cho anh trâu đang buộc sau vườn, bảo nắng thế này, không chăm nó lăn ra ốm thì mình cũng khổ. Người nơi khác đến gặp những ngày nắng gắt, có lẽ ám ảnh họ mãi không thôi khi bất chợt đâu đó gặp lại hai tiếng Đông Hà. Vậy mà người Đông Hà đã yêu Đông Hà đến cuồng si bất tận. Hương Đông Hà nồng khắt, vị Đông Hà đậm cay như mồ hôi cha buổi đứng bóng dẫn trâu về. Hương ấy, vị ấy đã khiến người Đông Hà đi xa đau đáu một nỗi trông chờ ngày trở lại. Trên cuộc hành trình nơi xứ người, gặp ai có nước da rám nắng, mái tóc khô xơ lại chạnh lòng muốn nhận đồng hương.
Nỗi nhớ nhung day dứt thường dẫn dắt ta trở về những kí ức hôm qua. Với người Đông Hà, nỗi nhớ dằng dai đôi khi hiện hữu ở hiện tại, khi lại lấn sang cả một ngày nào đó trong tương lai, mà chắc chắn như đinh đóng cột rằng nỗi nhớ ấy sẽ chẳng thể nào nhạt phai đi được. Bởi đang lúc này đây là tháng năm, đã thấy nhớ cái nắng tháng bảy với gió Lào hanh nóng. Mùa này không biết gió sớm không...
Bỗng nhiên nghe bản “Kiss the rain” ở nhà bên vẳng lại, tiếng piano nhẹ nhàng, lãng mạn làm dịu bớt sự bức bối đang muốn lan nhanh ra khắp không gian một ngày oi bức. Biết ngoài kia, ngày đang ủ mầm đón nắng, tí tách những búp lá non tơ, những quẫy đạp bùng lên từ trong lòng đất, những khát khao từ thẳm sâu gốc nguồn cội rễ... Người Đông Hà thấy rổn rảng lòng một khúc hân hoan.
Mới thấy người Đông Hà không dễ gì chấp nhận những khó khăn...
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)