Căn nhà rường bên bến sông xưa

Phan Quang |

"Tôi nhận được tác phẩm mới ra của nhà báo Trương Đức Minh Tứ “Về bến sông xưa”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2022, một tối cuối tuần. Tôi mở sách định xem qua thì bị cuốn hút luôn". Hay là “Quảng Trị quê miềng nửa thế kỷ trở về trước từng phải trải qua những ngày những đêm như thế” - tôi trầm ngâm hồi tưởng khi gấp lại cuốn “Về bến sông xưa” một đêm xuân Hà Nội yên tĩnh đến lạ lùng..." Đó là những dòng viết đầy cảm xúc của nhà báo, nhà văn Phan Quang khi đọc bút ký "Về bến sông xưa" của nhà báo Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị.

Một tập bút ký phác họa chân dung tám đồng nghiệp. Khởi đầu là mấy bậc chú, bậc anh tính về tuổi đời và đã ít nhiều thành danh khi tác giả cuốn sách này chưa mở mắt chào đời. Nhiều hơn là những người đồng trang lứa đã cùng tác giả gắn bó với quê hương Quảng Trị, “một vùng đất bị chiến tranh tàn phá hơn 200%”, lời một nhà báo phương Tây đến thăm Đông Hà sau ngày giải phóng. Cũng có đồng nghiệp trẻ hơn anh, chẳng may bị tai nạn đành vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ tảo tần “tuổi ba mươi sớm để tang chồng”. Và cuối cùng là chân dung tự họa của tác giả ít nhiều mang tính hồi ký, qua năm tiểu mục: Dòng sông ký ức, Một thời Văn khoa, Dấn thân nghề báo, Vinh quang và cay đắng, Về bên mái nhà xưa.

Tôi thích thú, có thể nói là trân trọng quý yêu bài bút ký khá dài, một tác phẩm hòa quyện báo chí và văn học. Tác giả Trương Đức Minh Tứ gắn bó từ tuổi ấu thơ với sông Hiếu, dòng sông chảy vắt ngang qua thành phố Đông Hà, “mỗi dòng sông cũng như mỗi đời người, đều có gốc gác, cội nguồn, tình yêu và nỗi nhớ đan cài” - anh viết. Xin được nói luôn, người viết bài điểm sách trân trọng quý yêu “Về bến sông xưa” một phần còn vì tác phẩm khuấy động trong tôi bao kỷ niệm buồn vui, đan xen những dòng nước mắt và những nụ cười hồn nhiên bên bờ sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Vĩnh Định, sông Nhùng, sông Mỹ Chánh - Ô Lâu... quê hương Quảng Trị.

 

Hồi đang học Trường Cấp 3 Đông Hà, Trương Đức Minh Tứ và các bạn học từng đào hố, bón phân, chung tay góp sức với bà con làm nên khu rừng cọ dầu được coi như một thắng cảnh giữa lòng thành phố Đông Hà. Lần nào thầy giáo chủ nhiệm cũng cẩn thận dặn học sinh khi cuốc đất đào hố gặp vật cứng nghi là bom đạn phải dừng ngay, quan sát và nhờ người xử lý. “Xong buổi lao động, học trò ùa nhau chạy lên đồi sim tìm những quả sim chín mọng cho luôn vào miệng nhai ngon lành, môi miệng đứa nào cũng tím ngắt”. Một hôm đi lao động tại một nơi thuộc huyện Cam Lộ, khi cuốc đất thấy bật lên một quả bom bi sót lại trong đất, một bạn nhanh tay nhặt ném ra xa. Một tiếng nổ chát chúa vang lên làm cả trăm học sinh đứng chết lặng.

Vào học Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Huế, chàng thanh niên cũng như các bạn đồng niên của anh bước sang độ tuổi càng lắm mơ màng. Chàng trai ấy, nay là một nhà lãnh đạo, quản lý báo chí tỉnh, bâng khuâng nhớ lại chiều nào, chàng rủ người bạn gái sinh viên Khoa Ngoại ngữ rời Cư xá phố Nguyễn Huệ thư thả cùng đi bên nhau về phía tòa nhà Dòng Chúa cứu thế. Chàng và nàng ngồi lên bậc thềm trò chuyện vu vơ. Và chàng rụt rè ngỏ lời mong muốn giữa hai đứa có tình bạn đẹp. Nàng lặng im.

Cuộc sống trôi qua. Mọi buồn vui tưởng đã chìm vào quên lãng. Bỗng một sáng sớm nhà báo nhận được điện thoại của một bạn đồng hương sinh sống từ lâu tại Hà Nội. “Mày nghe đây. Tao đang ngồi uống cà phê với người yêu cũ của mày”. Vẫn cái điện thoại ấy, nhưng giọng một người khác tiếp lời: “Nhớ mình không?”. Giọng nói của cô nàng ngày xưa nơi Cố đô Huế nay nghe mà tưởng như giọng người Hà thành.

Tôi không muốn và cũng không thể trôi mãi theo dòng sông ký ức của nhà báo Trương Đức Minh Tứ, khởi đầu từ những ngày vừa học xong anh lên Tây Nguyên làm việc tại Đài phát thanh, truyền hình Gia Lai - Kon Tum. Cũng như không trích mấy câu thơ khá cảm động anh viết về người cha từng có lần rời bờ sông Hiếu vào Tây Nguyên thăm con tận nơi phố núi vi vu những hàng thông già dưới mờ ảo sương đêm, thời đường xa đi lại còn rất nhiều gian nan. Tôi muốn dành thời gian chia sẻ cách nhìn của tác giả về nghề báo, nghiệp văn.*

Nhà báo, bạn là ai? Nhà văn, bạn là ai? Tác giả họ Trương nêu câu hỏi và thử lý giải. Hai con người tác nghiệp qua hai cách khác nhau nhưng có nhiều điểm tương đồng. Đôi khi ranh giới giữa báo và văn không rạch ròi như lý lẽ các nhà lý luận. Trở thành nhà báo hay nhà văn có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc là việc không dễ. Đó là điểm tương đồng của nghề và nghiệp. Khác biệt là ở chỗ nhà văn đến một thời điểm nào đó quay đầu nhìn lại cuộc đời thì đã có tác phẩm cầm tay, trong khi nhà báo mải mê bám dòng thời cuộc, có khi bùi ngùi cảm thấy như mình tay trắng. Tác phẩm báo chí chuộng ngắn gọn, không đủ chỗ cho người viết bộc lộ hết cảm nhận của mình, người đọc thời nay thường xem nhanh, tuổi thọ của tác phẩm báo chí vì vậy nói chung không dài. Phải chăng bao nhiêu công sức miệt mài của mình đã chìm vào vô tận vô cùng?

Vẫn theo lời tác giả “Về bến sông xưa”, suy cho cùng nhà báo hay nhà văn đều có chung đối tượng phản ánh, đó là con người, số phận qua những sự kiện, vấn đề ngày đêm cuồn cuộn trong cuộc sống muôn màu. Báo chí coi trọng tính kịp thời, trong khi nhà văn có thể bình tâm suy ngẫm về con người và cuộc sống qua những vấn đề khái quát.

Một trăn trở nữa tự nó hiển hiện trong đời sống văn hóa hôm nay: Trong điều kiện báo điện tử và các mạng xã hội tận dụng các ưu thế vượt trội của công nghiệp số, nhà báo hay nhà văn còn phải đối mặt thêm những thách thức nào? Cách đây chừng 15-17 năm, khi báo điện tử và các mạng xã hội ở nước ta mới ở bước đầu, có lần tôi nói vui qua một bài đăng trên một tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ngành thể dục thể thao, bên cạnh những nhà thể thao chuyên nghiệp phấn đấu vì màu cờ sắc áo còn có một đạo quân đông đảo những người chăm rèn luyện thể lực hằng ngày nhằm tăng cường sức khỏe. Trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, có những nhà báo chuyên nghiệp và đông hơn là những người làm báo không chuyên, hiểu “không chuyên” theo nghĩa nghề báo không phải là nghề nghiệp và nguồn sống chính cho họ. Vậy mà nếu các nhà thể thao hay nhà báo chuyên nghiệp cứ chủ quan, lúc nào cũng tự tin thậm chí tự phụ, nhỡ gặp cơ hội buộc phải so tài, có khi nhà thể thao tên tuổi bị người siêng tập thể dục cho một đòn đo ván cũng nên!*

Đọc “Về bến sông xưa” của Trương Đức Minh Tứ, tôi bồi hồi nhớ lần trở lại bờ sông Bến Hải gần nửa thế kỷ trước, khi Hiệp định Paris lập lại hòa bình tại Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, từ 7 giờ sáng 28/1/1973. Cái quan trọng, theo nội dung được bốn bên ký kết hiệp định thỏa thuận, là quân Mỹ sẽ rút hết khỏi Việt Nam. Đây là giờ khắc Sông Bến Hải bên bồi bên lở/Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/Cách ngăn mười tám năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra/Bây giờ cầu lại bắc qua/ Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình (Tố Hữu). Tôi đã băng qua cầu Hiền Lương sáng hôm ấy trên chiếc cầu phao do công binh ta vừa mới bắc trong đêm. Chiếc xe dã chiến vừa đưa tôi từ Hà Nội vào giới tuyến bám sau xe của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị ngang qua sông Bến Hải vào thị xã Đông Hà lúc này chỉ còn là một mớ đổ nát hoang tàn. Nghe nói còn sót lại duy nhất một ngôi chùa do Hội Phật giáo vừa mới xây, không hiểu sao nằm ngoài tầm ngắm của đạn bom từ đôi bờ và từ các chiến hạm ngoài biển khơi cho nên vẫn tồn tại.

Những người đã bám trụ Đông Hà những ngày ác liệt ấy sáng nay tiếp nhà báo cứ dặn đi dặn lại: Phải cẩn thận, hết sức cẩn thận. Công binh ta chỉ có thời gian vừa đủ để rà soát bom mìn một quãng Quốc lộ 9 chạy ngang qua thị xã. Mọi người chỉ có thể di chuyển an toàn trên chặng đường ấy. Mà nhất thiết phải đi trên mặt đường, không được đặt chân dù chỉ một bước ngắn lên hai bên lề, chưa nói chuyện tìm đến một nơi nào khác. Có vô khối bom mìn đang ẩn mình ở mọi nơi. Đang trò chuyện, bỗng chúng tôi thảng thốt nghe mấy tiếng nổ dội lại vang rền.

Tôi đã có dịp đến nhìn ngôi chùa ấy ở vào mạn cuối chặng đường an toàn và ngạc nhiên thấy chùa được kiến trúc trên cái nền hình lục giác chứ không như những ngôi chùa tôi vẫn hình dung. Sau mới biết đó là Tịnh xá Ngọc Hà, người dân địa phương gọi chùa Tám mái. Không nhìn thấy và tuyệt nhiên không nghe ai nói đến căn nhà rường của thân sinh cây bút họ Trương gần bờ sông Hiếu. Phải chăng tại đất đá do bom đạn từ các chiến hạm ở ngoài khơi dội vào hắt lên từ bốn phía phủ kín, không còn được thấy bóng dáng căn nhà, mặt khác lại làm cho nó biến thành một hầm trú ẩn của quân ta. Đọc cuốn sách của bạn, tai kẻ viết bài này tưởng như nghe từ quá khứ vọng lại tiếng ngói vỡ lạo xạo dưới mỗi bước chân của chính mình, một lần vào đầu năm 1947, khi tôi theo cha trong đêm về lại khu vườn cũ nơi có căn nhà rường cha làm, tìm xem may ra còn sót lại chút gì sau khi giặc Pháp đốt cháy trọn làng quê, mang đến nơi sơ tán, thêm vào để tạm sống qua ngày.

“Quảng Trị quê miềng nửa thế kỷ trở về trước từng phải trải qua những ngày những đêm như thế” - tôi trầm ngâm hồi tưởng khi gấp lại cuốn “Về bến sông xưa” một đêm xuân Hà Nội yên tĩnh đến lạ lùng, bởi cư dân ai cũng ít nhiều có ý thức né tránh lây lan của dịch bệnh Cô Vi, vì sức khỏe bản thân và cuộc sống cộng đồng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Quảng Trị đoạt 2 giải A tại Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên

Ngọc Trang |

Tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Pơlông, tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum vừa phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III năm 2022. Tại liên hoan này, Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Trị đã xuất sắc đoạt 2 giải A đối với nội dung tích, trò trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội và tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Âm vang núi rừng quê tôi” trong phần thi diễn xướng dân ca, dân vũ.

Những trường hợp nào có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?

Thanh Mai |

Có trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1, sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Lê Trường |

Ngày 18/3, tại huyện Cam Lộ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị phối hợp với địa phương tổ chức khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến; Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông tại TP. Đà Nẵng Trần Phạm Diệu Linh tham dự.

Giá xăng có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít, Bộ Công thương kiến nghị giảm 50% thuế môi trường

Thanh Mai |

Theo Bộ Công thương cho hay mức giá xăng dầu thành phẩm trong kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg so với đầu năm 2022.