Cò hiền lắm. Cò hiền như đất, như người. Như cánh cò muôn thuở bay trong lời mẹ ru, trong tiếng vạc kêu chiều nơi đồng xa ruộng cạn.
Cánh cò trắng muốt chấp chới bay trong chiều bảng lảng ánh sương giăng, bay từ gốc rạ bụi rơm, bay từ gốc lúa bụi tre ra đồng. Cò tảo tần lặn lội, an nhiên kiếm ăn bên người nông dân một nắng hai sương bùn lầy ao cạn. Cò không sợ người hiền, cò không sợ ruộng sâu.
Ta bỗng nghe tiếng thở hồn quê từ dấu xưa hiển hiện, ta chầm chậm đi qua hàng nghìn năm không tuổi, ngắm cánh cò trắng bay lả à ơi. Đâu rồi cánh cò trắng bay trong chiều chập tối "con cò đi đón cơn mưa". Đâu rồi con cò lặn lội bờ sông "gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Đâu rồi cánh cò bay lả bay la, "bay từ Cửa phủ, bay ra cánh đồng"?!
Ta nhớ dạ diết cánh cò "cái chân đen đủi, cái mình trắng phau", lặn lội khi quãng vắng để nuôi đủ năm con với một chồng mà Tú Xương suốt một đời đau đáu kính thương. Cò là hồn quê, hồn đất, hồn người. Cò hoá thân trong lời ru của mẹ, trong câu chuyện của bà, trong dáng hình cha khum khum gieo cày dưới đồng sâu mỗi mùa mưa chạp. Nên cánh cò cứ bay hoài không nghỉ, "trước hiên nhà, trong hơi mát câu văn".
Nếu bức tranh thôn quê là những mảnh ghép gồm cây đa, giếng nước, mái đình, thì những cánh cò bay lả giữa nền trời là một mảnh ghép không thể thiếu tạo nên mảnh hồn quê mênh mang diệu vợi. Cò thường sống bên nhau, sống theo bầy đàn và hiếm khi tách rời. Nên sắc trắng rập rờn giữa cánh đồng bát ngát bùn nâu luôn gợi lên một cảnh sắc thanh bình đẹp đẽ.
Dường như từ quá khứ cho đến hiện tại, cánh cò luôn mãi là một biểu tượng trong nếp nhớ nếp nghĩ của mọi người dân trên đất nước Việt Nam. Dẫu hôm nay và ngày sau, bê tông có thể nhiều hơn ruộng bùn, nhưng chừng nào còn có người nông dân cõng nắng cõng sương trên cánh đồng cấy gặt, thì chừng đó cánh cò trắng nhất định vẫn sẽ mãi còn bay về mổ tép, mổ tôm.
Rồi mỗi khi gặp lại cánh cò chấp chới giữa ruộng sâu, ta lại bất giác lạc vào giấc mơ về chiếc nôi êm ái đầu đời, về dáng mẹ lòng bà những năm xưa gió lạnh buồn mê mải. Chiếc áo nâu sòng rách vá tám bận mẹ mặc đi mặc lại mỗi mùa đông giá rét. Đôi chân mẹ mười ngón chân luôn bám chặt vào mặt đường trơn nhoè đất đỏ, mỗi mùa đông giá lại nứt nẻ mấy đường có lúc tứa máu. Những chiếc móng chân có khi nào trắng trẻo, bùn bám lâu thành vệt nâu thâm xì. Ruộng đồng vào mùa gieo cấy, chân lội bùn lún sâu từng chặp, bước một bước chân ngỡ đeo thêm đá lớn nặng vài cân. Đôi chân trần gồng mình giữa ruộng giá, cả thân người nồng đậm mùi bùn tanh. Ta thương cò như dáng mẹ nghèo muôn thuở, dang thân gầy mẹ che chở đời con. Dẫu bùn đen, thân cò luôn trắng muốt, như lòng mẹ hiền thanh sạch giữa cheo leo.
Đạo làm người cha vẫn thường hay nhắc: "nghèo thì cho sạch, rách sao cho thơm", dẫu rằng "ông có lòng nào ông hãy xáo măng" thì xin cũng "có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con". Đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời cũng vẫn mong cái chết được minh bạch, trong sáng, không để con cái phải chịu lấm vết nhơ để xót xa tủi cực. Cánh cò trắng giữa bùn nâu hay sen thơm mọc lên thanh thoát giữa "hôi tanh mùi bùn" thật đáng trân trọng biết bao. Đời người suy cho cùng đứng giữa tối tăm mà thiện lương trong sạch mới là điều quý nhất của lẽ sống. Sống giữa cơ cực mà vẫn thiện lương. Sống trong nhung lụa mà vẫn khiêm nhường. Ấy là cái đức muôn đời vậy!
Hôm nay tôi ngồi giữa cánh đồng, ngắm đàn cò trắng muốt đang kiếm ăn. Bỗng thương nao lòng hồn quê muôn thuở, thương suốt một đời mưa nắng ngàn xưa...