Tôi đến Thành Cổ Quảng Trị nhiều lần, song lần nào cũng trào dâng cảm xúc khi dừng chân nơi Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị. Tháng 7- bầu trời Quảng Trị xanh hơn trong cái nắng hanh vàng. Gió từ sông Thạch Hãn thổi vào làm dịu mát sự oi nồng tháng hạ. Trong không gian tĩnh lặng chốn linh thiêng, tiếng vọng rì rầm từ lòng đất như đang kể câu chuyện về những mùa xuân đã ở lại nơi này…
Mùa hè đỏ lửa năm 1972, bom đạn của kẻ thù trút xuống Thành Cổ Quảng Trị suốt 81 ngày đêm tương đương 8 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (Nhật Bản). Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ đã trở thành khúc tráng ca bất tử của dân tộc Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.“Hễ có Việt Nam có Cổ Thành/Nối vòng hoa lửa với Khe Sanh/Huân chương khó đủ từng viên gạch/Tấc đất từng giây mỗi lá cành” (Trần Bạch Đằng).
Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị là nơi tưởng niệm những người lính trẻ trước lúc nhập ngũ là sinh viên các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất…đã hy sinh trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Nhớ lại 50 năm về trước, những người lính trẻ xuân xanh tuổi 20, theo tiếng gọi núi sông, lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Với họ, “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Những tuổi 20 làm sao không tiếc)/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?” (Thanh Thảo). Đã có hơn một vạn người con ưu tú của đất nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tuổi 20 với lý tưởng sống đẹp “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí...” (Pavel Kochagin) đã nâng nhẹ bước chân dọc đường hành quân, sẵn sàng tiến lên phía trước với niềm tin cháy bỏng, rằng một ngày, nhất định đất nước sẽ ca khúc khải hoàn.
Trong vòm lá sum suê của những cây ngô đồng ở khuôn viên Thành Cổ, tôi lần giở từng trang nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Người lính trẻ từng đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc-sinh viên xuất sắc Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã ngã xuống cho mảnh đất Quảng Trị thêm xanh. “4.4.1972…Mình sẽ sống, say sưa, chân thành, cởi mở, trong sáng. Mình sẽ xứng đáng với lòng tin của mọi người, sẽ sống cuộc đời đẹp nhất ở trận tuyến đánh quân thù…”. Những dòng thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm thứ 4, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nói lên nỗi lòng của người lính trẻ ngày đêm chiến đấu bảo vệ bộ đội vượt sông Thạch Hãn vào tiếp viện Thành Cổ: “Toàn thể gia đình kính thương! Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.
Dòng chữ khắc ghi trên Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị là khúc tưởng vọng về mùa hè 1972. “Tại đây, Thành Cổ Quảng Trị kiên cường bao chiến sĩ sinh viên Việt Nam đã anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã hy sinh oanh liệt. Các Anh sống mãi trong lòng đất nước, Nhân dân và đồng đội thân yêu”. Vinh quang ở Thành Cổ Quảng Trị thuộc về tuổi 20 trong trận chiến anh dũng suốt 81 ngày đêm máu lửa; thuộc về những người “Họ đã sống và chết/Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm). Ngã xuống, các anh thành con của mọi nhà, thành một phần máu thịt của Tổ quốc, thành tượng đài của khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Chiều buông trên Thành Cổ, nhìn những áng mây xa xa phía dãy Trường Sơn, thấy lấp lánh những ngôi sao sáng. Mùa xuân đã trở lại trên mảnh đất này 50 năm. Và cũng trong ngần ấy thời gian, mùa xuân vĩnh hằng của tuổi 20 gửi vào đất đai, cỏ cây Thành Cổ. Tôi thắp nén hương với lòng tri ân thành kính. Các anh-sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị như mùa xuân ở lại mảnh đất này.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)