Chập chờn lau trắng trong tay

Phạm Xuân Hùng |

Tôi nhớ sau ngày đất nước thống nhất, gia đình tôi từ Đà Nẵng về lại cố hương Quảng Trị. Cả nhà gói ghém đồ đạc cộng thêm mươi tấm tôn, ván ép dồn lại trên một chiếc xe tải vượt đèo Hải Vân. Tôi còn nhỏ, lúc xe lên đèo nhìn thấy một rừng lau phất phơ ven đường liền buột miệng kêu sao người ta trồng nhiều mía chi vậy. Mạ tôi lúc ấy bồng đứa em ẵm ngửa cũng phải bật cười: Cha mi, đó là cây léc. Và đêm đầu tiên ở quê nhà sau những tháng năm loạn lạc, gia đình tôi ôm nhau ngủ trong chiếc lều dựng tạm, giữa một rừng léc.

Phương ngữ quê tôi gọi cây lách là léc. Tôi không rõ khoa học chia cây lách hay lau ra mấy loại nhưng ở đồng bãi miền trung du quê tôi có hai loại léc, léc bà và léc cơm. Léc bà bụi to lá to, màu xanh thẫm, léc cơm bụi nhỏ lá nhỏ, lá màu xanh nhạt hơn. Cả hai loại léc lá đều có cạnh sắc lẻm nhưng léc cơm sắc hơn, cứa vào da thịt ngọt như không, nhiều khi máu chảy ròng ròng rồi mới biết.

 

Tôi cũng không hiểu sao, trong rất nhiều loại cây, cây léc lại mọc xanh tốt ở quê tôi những tháng năm sau chiến tranh. Xanh tốt, nhưng lúc nào nhìn cũng thấy chúng buồn bã, nhất là vào mùa nở hoa. Hoa phất phơ trên trời như những lá cờ trắng, khi gió thổi hay những đêm trăng nhìn như những mái tóc người già suy tư. Sau này lớn học lên đại học, đọc cổ thi, nghe nhạc thỉnh thoảng cũng bắt gặp hình ảnh lau lách nhưng chẳng bao giờ thấy chúng tươi vui. Bạch Cư Dị trong bài “Tỳ bà hành” viết về bến Tầm Dương: Tầm Dương giang đầu dạ tống khách / Phong điệp địch hoa thu sắt sắt, dịch nghĩa: Bến Tầm Dương đầu sông ban đêm tiễn khách / Lá phong, hoa lau, hơi thu se sắt, đọc thôi đã buồn.

Tôi nhớ trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du ít nhất ba lần nhắc đến lau lách. Nhân đây cũng xin nói, theo các từ điển Hán - Nôm, cây lau có tên là vi lô. Ba lần nhắc đến cây lau thì cụ Nguyễn đã dùng chữ vi lô hai lần: Gió chiều như gợi cơn sầu / Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu, Vi lô san sát hơi may / Một trời thu để riêng ai một người và một lần dùng Nôm: Một vùng cỏ áy bóng tà / Gió hiu hiu thổi một vài bông lau. Cây lau cụ Nguyễn trong Truyện Kiều cũng hiu hiu buồn, cũng sầu bi, thống thiết. Đẹp nhưng buồn. Buồn nhưng hay. Theo nhà thơ Vương Trọng - một nhà Kiều học thì đôi câu Vi lô san sát hơi may / Một trời thu để riêng ai một người xếp vào top ٥٠ câu thơ hay nhất Truyện Kiều.

Trở lại quê tôi, cây léc thực sự không hữu ích gì nhiều ngoài việc có thể chặt lấy lá, đánh thành tấm như cỏ tranh. Những tấm léc không thể lợp nhà, chỉ lợp những gian chái cơi nới hoặc ràn trâu, bò, dùng để che nắng quanh gốc tiêu hoặc các loại cây mới trồng giặm. Léc dùng làm phân xanh thì là chuyện bất đắc dĩ vì lá lâu hoai mục chưa nói việc cắt bằm tốn nhiều công sức.

Tôi không có nhiều kiến thức về địa chất để suy đoán loài thực vật này thích hợp đồng bãi quê tôi. Nhưng cũng như nhiều người khác tôi luôn nghĩ rằng cỏ lau là loài cây gắn liền với sự sinh tử, luôn có mặt để nhắc nhở về vùng đất từng một thời là chiến địa ác liệt. Bây giờ, ai có dịp dọc ngang Quảng Trị, từ hanh hao cồn cát miền biển đến ngàn dặm biên viễn rừng núi phía tây đều có thể bắt gặp những rừng lau, đồi lau, bãi lau bạt ngàn. Chúng tồn tại có phải vì dưới đất đai kia là máu thịt một thời chiến tranh để lại, của cả hai phía “bên này”/“bên kia”. Đạo diễn Vương Đức, người thực hiện bộ phim “Cỏ lau” lấy bối cảnh chiến trường Quảng Trị xưa, (dựa trên truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu) từng tâm sự: “Tôi đã vào Quảng Trị và nhìn thấy những nghĩa địa trải dài hun hút trong hoàng hôn nhập nhoạng, thấy cỏ lau mọc ngút ngàn và xanh tốt không đâu bằng. Người ta bảo rằng cỏ lau ở đây ăn xương tủy người chết nên mới tốt ma quái như thế”.

Nhà tôi năm xưa nằm bên quốc lộ 9, con đường chạy gần như song song với dòng Hiếu Giang kéo từ thành phố Đông Hà lên Lao Bảo. Sau chiến tranh, bom đạn cày xới nhiều, có cả những rừng cây to bật gốc. Nhưng dọc ven đường 9 thì lau mọc trùng điệp, khi mùa lau nở nhìn ra cả một con đường lau trắng.

Nhưng thực ra bông lau không hẳn trắng, chúng pha lẫn giữa hai màu trắng, xám, nhìn xa có lúc gần như khói. Rồi tùy vào ánh nắng phản quang từ những sợi bông lau li ti hay tùy vào tâm trạng mà bông lau dập dờn thay đổi màu sắc. Thời tuổi trẻ của tôi, những buổi chăn bò hay mỗi bước chân đến trường đều phải đi qua những con đường mòn xuyên giữa hai bờ lau lách. Cả tình yêu vụng dại đầu đời thuở học trò dừng lại ở lời thầm thì không rõ tiếng và trái tim vỡ òa trong lồng ngực cũng lẫn vào tiếng gió lao xao khua động ở một vòm lau lách đâu đó.

Khi lớn lên, đi đông đi tây, vào nam ra bắc, tôi nhận ra mùa lau nở mỗi nơi mỗi khác. Có lẽ là do thổ nhưỡng, khí hậu vùng miền không giống nhau. Ở quê tôi, lau nở sớm thường khi giáp Tết kéo dài đến Thanh minh và kết thúc khi mùa hè nóng nực chuyển dần sang lành lạnh hơi thu. Tôi cũng nhận ra cây lau, ít nhất với tôi, có sức sống lâu bền trong ký ức. Mà ký ức cay đắng đầu tiên là cái chết của những thằng bạn tôi: Thành, Sĩ, Thắng… Cả ba đứa lần lượt chết vì bom mìn khi nhặt phế liệu giữa rừng lau lách, tôi đã nhìn thấy thân xác chúng nằm bên cạnh gốc lau bị mảnh bom xé nát, những bông lau dập gãy màu trắng xám phủ lên đôi mắt khép hờ của cả ba đứa… Bạn bè ơi, cầu cho linh hồn các bạn mãi yên nghỉ giữa ngàn lau.

Học hành, có chút chữ nghĩa rồi dính dấp văn chương nên không ít những chiều ghé thăm quê nhà vào mùa lau nở, lại thấy thăm thẳm bên trời một tuổi thơ hư ảo, diệu vợi. Không phải cái buồn của người già gần đất xa trời, cũng không phải cái buồn của kẻ tha phương, nó là cái gì đó không cắt nghĩa được. Tựa hồ như nước, như cát, cầm nắm trong lòng bàn tay là bất khả. Lại tựa hồ như mây, như gió, nhìn thấy, nghe thấy, gần gũi lắm mà cũng xa xôi quá. Nhất vào những khi ngồi cùng bạn cũ thời niên thiếu, nhìn lên ngọn Đầu Mầu hay đồi Nhà Vệ, những ngọn lau in lên nền trời màu lam nhạt ngược sáng, bất giác nhớ đôi câu thơ của Hoàng Hữu: Người xa phơ phất hồn lau gió / Thổi trắng chân đồi như khói pha. Hay như một lần lãng du qua miền Tây Bắc, nhìn những dòng sông Nậm Na, Nậm Mu… với con nước miên thẳm giữa núi rừng ngập tràn cờ lau lại thẫn thờ hình ảnh Tây Tiến của Quang Dũng: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy / Có thấy hồn lau nẻo bến bờ / Có nhớ dáng người trên độc mộc / Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Rừng lau phất phơ ven đường - Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Rừng lau phất phơ ven đường - Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Tuổi tôi giờ đã quá “tri thiên mệnh”. Bây giờ mỗi bước vui sống luôn có khoảnh khắc ngoái vọng ký ức. Thì cũng là điều dễ hiểu, bởi những gì còn lại trong ký ức thường là những chiếc gai đẹp dằm sâu thương nhớ trải theo thời gian. Tôi không biết khi viết: Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay… nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nghĩ gì về cuộc đời, về những phù hoa trong cõi nhân sinh. Những phù hoa chập chờn như nhành lau trắng trong tay.

Cầm nắm trong tay mà vẫn còn chập chờn hư ảnh. Ơi lau trắng, sao không phải là loài hoa nào khác trên tay Sơn? Sao cứ phải nhành lau trắng trong chiều hôm đời người nặng trĩu buồn thương…

Những trưa hè tuổi thơ

Nguyễn Chí Hiếu |

Mỗi khi hồi tưởng về thời hồn nhiên tinh nghịch, tôi lại có cảm giác nhẹ nhàng, như thể đã quên hết những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật để trở về với không gian, kỷ niệm xưa.

Bữa cơm ấm cúng gia đình Việt

Nguyễn Thị Minh Thái |

Bữa cơm kiểu Việt Nam thuần hậu, ngon lành này chính là mối dây thân mật gắn kết nội bộ gia đình người Việt.

Nhặt chẹn lúa vàng

An Khanh |

Hôm mồng 5 tháng 5 (âm lịch) con trai tôi hỏi vì sao vào ngày này phải có thịt vịt? Tôi lý giải theo cách hiểu của riêng mình - người được sinh ra, lớn lên cùng đồng quê lam lũ.

Chiều về nhớ phố

Trần Hiền |

Tôi thường ngơ ngẩn khi chiều về trên phố, khi ánh đèn đường vàng vọt vươn mình kiêu hãnh buông sáng, dòng người tấp nập tan tầm, còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo. Hàng quán bên đường bắt đầu soạn sửa đón khách. Vài con đường mòn nơi hẻm nhỏ lại mênh mang mờ tối, bầu trời đen lại. Tôi ngồi lặng im trong lòng phố, phố bỗng cựa mình trong lòng tôi, làm thức dậy những nỗi nhớ vời xa, chênh chao thương bao điều cũ.