Chiều về nhớ phố

Trần Hiền |

Tôi thường ngơ ngẩn khi chiều về trên phố, khi ánh đèn đường vàng vọt vươn mình kiêu hãnh buông sáng, dòng người tấp nập tan tầm, còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo. Hàng quán bên đường bắt đầu soạn sửa đón khách. Vài con đường mòn nơi hẻm nhỏ lại mênh mang mờ tối, bầu trời đen lại. Tôi ngồi lặng im trong lòng phố, phố bỗng cựa mình trong lòng tôi, làm thức dậy những nỗi nhớ vời xa, chênh chao thương bao điều cũ.

Tôi lại nghe thấy tiếng rao “lộn không” của hai mươi mấy năm về trước, hình bóng người mệ già cắp chiếc rổ bên hông đi trên từng con hẻm, cất tiếng rao đêm vươn dài vào trong từng căn nhà cổng cao tường rộng. Vài ánh sáng hắt bóng ra cửa sổ, mằn hăn bay loạn xạ, gió đêm không đủ lau khô giọt mồ hôi trên lưng áo mệ, và rổ trứng lộn cùng chiếc đèn dầu cứ hiu hắt đi về trong đêm.

Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng gọi mệ vào mua vài quả trứng lộn, bàn tay mệ chọn trứng, soi trứng lên chiếc đèn dầu nhỏ liu riu và chặp miệng: Ồ quả này ngon đây. Mệ sẽ đưa ra một gói giấy nhỏ đựng ít muối ớt, vài lá rau răm ăn kèm, và đưa tay cầm những đồng tiền mẹ tôi đưa. Những tờ tiền được mẹ vuốt phẳng phiu gấp gọn trong lòng bàn tay đầy chai sạn, đưa cho bàn tay nhận lấy, cũng gân guốc những vết nhăn xô. Rồi mệ lại cắp rổ trứng bên hông, bóng mệ khuất dần sau ngõ nhỏ.

Phố lên đèn
Phố lên đèn

Tôi bỗng thấy bọn trẻ con xóm ga chơi trò trốn tìm nơi khu tập thể. Mặt trời đi ngủ, phố thức giấc, những bóng điện trong khu tập thể thay nhau sáng đèn. Lũ trẻ khu tập thể sẽ lại chạy ra sân chơi đuổi bắt, trốn tìm, kéo co… Chúng tôi sẽ chạy tít qua tận xóm thông tin để trốn, hoặc trèo lên những cây to, mãi cho đến khi ba mẹ kêu về ngủ.

Tháng năm âm thầm trôi. Chúng tôi lớn lên mỗi đứa một đường, tan mình giữa phố phường ồn ã. Có đứa đã tay bồng tay bế, di chân về những phương trời xa thẳm. Có đứa vẫn đang ở đó, cần mẫn, miệt mài ngồi bên gốc cây cũ, bên bờ tường gạch phủ rêu phong. Bức tường bê tông vỡ ngang mà chúng tôi thường đi tắt qua xóm thông tin giờ xây kín, cỏ mọc um tùm, xóa lối đi. Thế mới biết, đường lâu không đi, đường thành cỏ dại. Người không qua lại, người thành…người dưng. Chỉ có phố vẫn nghiêng mình đứng đó, vẫn bao dung ôm những bước chân trưởng thành xa về ghé lại, phố vẫn cứ thương điều đã cũ, thương những bóng người xưa dẫu đã đôi phần quên nhớ theo bóng mùa trôi.

Phố thênh thang hơn khi lắng mình trong gió hạ, ta đạp xe miên man để gió vờn xoa bầu má, gió lùa ập vào buồng tim, căng lồng phổi hít no hơi gió phả sương đêm hè. Lá dập dềnh rung rinh, hàng tràm vàng ngơ ngẩn nhớ bóng lưng mười bảy tuổi. Ta ngước mắt nhìn bầu trời đầy sao dạt dào ánh đèn đường sáng bạc chảy sóng sánh như suối trăng rơi. Phố ôm ta vào lòng, kể cho ta nghe bao chuyện cũ, về dấu chân của tiếng rao xa, phố thương người cũ, thương bác bảo vệ già mỗi hè đến lại tần ngần đứng nhìn nhà xe vắng lặng. Ta hỏi phố người năm ấy có bao giờ về lại con đường này?

Tôi đi trong chập choạng tối sáng, nhìn con đường hun hút dưới đêm thâu. Những căn nhà cũ vẫn còn, chậu hoa mười giờ trên ban công không đổi, vài tiếng guirta vọng ra trên sân thượng một căn nhà nào đó. Lại nhớ nao lòng cô bé nhỏ ôm guirta những đêm học bài muộn, ngó bóng đèn phòng ai còn sáng, lại tỉ mẩn nhẩm thuộc lòng bài học ngày mai. Tiếng xe đạp cọc cạch về muộn, tiếng người mẹ ru con, tiếng tivi đang phát bản tin thời sự nơi khu tập thể, vẫn vọng lên giữa mơ hồ ngàn âm thanh của phố. Phía ngoài con hẻm nhỏ, vẫn tiếng bíp còi inh ỏi, vẫn tiếng nói cười rôm rả nơi những quán ăn ven vệ đường. Và đâu đó, vẫn thấp thoáng những lặng lẽ mưu sinh.

Tôi nhớ phố phường đông đúc và lấp lánh ánh đèn. Phố đến bên mâm cơm chiều có đĩa rau muống luộc mẹ mua. Phố về bên chiếc xe cọc cạch, ba đạp về sau một ngày làm đường vất vả, phố ủ giọt mồ hôi ba trên những thanh đường ray nóng như nung giữa trưa hè, và thanh tà vẹt nặng gánh mưu sinh ngự trị trên đôi vai gầy người cha năm ấy. Phố phường ưu tư bên cốc cà phê quán vắng. Phố vẫn nồng nàn khúc vọng yêu thương bên nụ hôn đâu đó dưới gốc cây hoa sữa. Phố về trong mắt ai nỗi nhớ thương gầy mòn một bóng hình xa thẳm. Phố vươn mình trong từng nỗi nhớ thương khắc khoải về những điều đã xưa nhưng không bao giờ cũ.

Người dẫu lớn, dẫu xa. Nhưng phố vẫn thế, vẫn thương điều đã cũ…

(Nguồn: Báo XD)

TAGS

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất: Lan tỏa tình yêu đọc sách trong cộng đồng.

PV |

Những ấn phẩm mới được NXB Kim Đồng ra mắt dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất phong phú về thể loại.

Nhân lên tình yêu thương từ “du lịch thiện nguyện”

Tây Long |

Đến Đakrông (Quảng Trị) để giúp đỡ đồng bào vùng cao, ngoài hoạt động nhân ái, các tổ chức, cá nhân hảo tâm còn có cơ hội trải nghiệm để tìm hiểu về mảnh đất, con người nơi đây. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông Hồ Văn Phương, người đưa ra ý tưởng về hình thức “du lịch thiện nguyện” này.

Người “tiếp lửa” tình yêu bài chòi

Thanh Hằng |

Nhiều năm qua, nghệ thuật trình diễn bài chòi dân gian luôn được gìn giữ, lưu truyền bởi những nghệ nhân giàu tâm huyết. Bà Hồ Thị Linh (58 tuổi) ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những nghệ nhân gắn bó và được xem là người “tiếp lửa”, đào tạo thế hệ trẻ giữ gìn và phát triển nghệ thuật bài chòi, góp phần giúp nghệ thuật bài chòi Trung Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.

Ươm mầm tình yêu cho câu hò, điệu ví

Trương Quang Hiệp |

Đến giờ, chị Trần Thúy Ái (sinh năm 1975), công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị không thể nhớ hết số lần đứng lớp truyền dạy dân ca. Một cách lặng lẽ và cần mẫn, chị đã ươm mầm tình yêu cho những câu hò, điệu ví đến với nhiều người dân trên địa bàn. Với chị Thúy Ái, đây cũng là một cách để mình tri ân với đời, với nghề.