Những trưa hè tuổi thơ

Nguyễn Chí Hiếu |

Mỗi khi hồi tưởng về thời hồn nhiên tinh nghịch, tôi lại có cảm giác nhẹ nhàng, như thể đã quên hết những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật để trở về với không gian, kỷ niệm xưa.


Miền ký ức tuổi thơ tôi luôn đong đầy dư vị ngọt ngào cùng bao kỷ niệm khó quên. Đó là những trưa hè đi bắt ve, tụ tập cùng lũ bạn chơi căng cù, chọi gụ, đi nhặt mảnh bom, mảnh đạn pháo về đổi kem, kẹo kéo, đi bắt tổ chim, đi hái trộm mít, ổi, dâu da của nhà hàng xóm. Những lần chia phe cùng nhau đá dế, đá gà, chơi trò trốn tìm, đuổi bắt. Những buổi chiều đi mò cua, bắt ốc, câu cá, thả trâu ngoài đồng, đi hái rau cho lợn, cắt cỏ cho bò, những lần nhóm lửa nướng khoai, sắn khói lem vào mắt đỏ hoe, những lần giành giật trái ổi, quả sim với lũ bạn cùng xóm, những lần trốn mẹ đi tắm sông bị bắt được phải chịu cảnh đòn roi ngồi khóc thút thít trong góc nhà không chịu ăn cơm…

Tôi còn nhớ những trưa hè im vắng, khi bầy ve đậu trên cây mít trước sân nhà đã ngừng kêu râm ran, ba mẹ đã thiếp đi sau những giờ lao động mệt nhọc thì anh em tôi lại trốn ngủ, rón rén chạy đi chơi. Ngoài góc vườn, đám khoai lang mẹ trồng lá rũ mềm vì nắng. Con Mực, con Vện cũng đã ngủ say bên gốc cây khế. Vườn trưa chỉ nghe xào xạc tiếng lá rơi, tiếng lá tre lay động khẽ khàng trong gió, tiếng chim chào mào hót líu lo trên cây nhãn ở cuối góc vườn. Những chú chim sâu bé xíu lích rích chuyền cành, hương dứa, hương mít chín thoang thoảng đưa theo chiều gió. Hai anh em chúng tôi chạy, nhảy chim sáo đến ngã tư nhà ông Ngạc, nơi có lùm tre lồ ô rợp bóng mát để cùng nhau chơi căng cù, chọi gụ với lũ bạn. Ở phía bên kia nhà đội, mấy đứa con gái dùng phấn vẽ ô ăn quan, mấy đứa khác chơi trò trốn tìm…

Tranh của Đỗ Nam
Tranh của Đỗ Nam


Những trưa hè tuổi thơ đầu trần chân đất, tóc khét mùi nắng vẫn cố chịu nóng, trùm chiếc bao tải lên đầu, chỉ hở hai con mắt, tay huơ huơ con cúi rơm đuổi bầy ong vàng, ong vò vẽ đang bu kín quanh tổ để lấy nhộng về rang. Những lần tìm kiếm tổ ong bầu lấy ké. Ong bầu là loại ong rất hiền, chúng chỉ đốt khi ta chạm tay vào bắt, ong có màu đen, to gần bằng ngón tay cái của người lớn. Ong bầu thường chọn ống tre khô để làm tổ, chúng thường khoét một lỗ tròn rồi chui vào nhả ké, sinh sản. Ké ong bầu có màu vàng nhạt, ăn có vị ngọt như mật, đối với ong đã trưởng thành khi ta ngắt bụng ong ra thì còn có một túi mật nhỏ, ăn rất ngọt. Ngày xưa ở quê, nhà nào cũng làm hàng rào bằng tre nên việc tìm tổ ong bầu không khó. Mỗi khi tìm thấy tổ ong, bọn trẻ chúng tôi chặt và chẻ ống tre ra để thưởng thức món ké ong. Một hôm tôi phát hiện được tổ ong ở hàng rào nhà ông bà ngoại. Do ong chui ra, chui vào tổ nên lỗ tre có ké ong vương vãi ra một ít. Thấy vậy, tôi bèn thè lưỡi liếm cho đỡ thèm trước khi thưởng thức món ké “đặc sản” của tuổi thơ thì bị chú ong thò đuôi ra đốt, làm lưỡi sưng vù không nói được. Khi anh trai tôi chẻ tổ ong ra cho ăn món ké, rồi hỏi có ngon không, thì tôi trả lời: “Ngong! Ngong!” (Vì lưỡi bị ong đốt sưng vù nên nói bị ngọng).

Sau này, khi đã lập gia đình cũng vì ấn tượng món ké và mật ong bầu nên tôi đã làm cho đứa con trai của tôi sưng cả môi, miệng. Đó là vào một ngày cuối tuần, tôi đem cháu ra thăm ông bà nội. Nhà ông bà nội có giàn hoa đậu biếc nên ong bầu đến hút mật rất đông. Lúc này, tôi lấy cái vợt muỗi bắt được mấy con, rồi dùng tay nhẹ nhàng ngắt bụng ong lấy túi mật. Thấy con trai đứng nhìn thích thú, tôi gọi:

- Lại đây ba cho. Ngon lắm!

- Không! Con không ăn đâu. Con sợ lắm. - Con trai tôi trả lời.

Tôi tiếp tục động viên:

- Không sao đâu. Ngon lắm! Hồi còn nhỏ ngày nào ba cũng ăn.

Con trai ngước mắt nhìn tôi có vẻ tin tưởng. Tôi nhanh tay đưa vào miệng cháu. Bỗng cháu hét lên: Đau quá! Đau quá! rồi òa lên khóc. Là do tôi chưa ngắt hết hẳn bụng ong nên nọc ong vẫn còn và đốt. Tôi vội ôm con trai chạy xuống cuối xóm tìm rèo tre để bôi lên vết thương cho cháu. Một lúc sau môi cháu sưng vù lên, tôi nhìn môi của con vừa xót, vừa thương, vừa buồn cười, rồi lại tự trách mình già rồi mà vẫn còn dại dột như ngày xưa.

Ký ức tuổi thơ là những trận gió Lào bỏng rát, nắng như thiêu, như đốt để rồi trưa mồng 5 tháng 5 nhân dịp Tết Đoan Ngọ, mẹ đãi anh em chúng tôi nồi chè đậu đen do chính tay mẹ nấu. Khi nồi chè vừa được mẹ bưng xuống bếp cũng là lúc hai anh em chúng tôi chạy đi mua đá ở cuối xóm trở về. Những viên đá được nâng niu bỏ vào miệng và cứ ước đừng bao giờ tan chảy. Mùi thơm từ đậu, dầu dừa, vị ngọt của đường cộng thêm sự mát lạnh của đá là những ký ức không bao giờ quên về những trưa hè của tuổi thơ.

Là những lần trèo lên cây nhãn, cây chè tìm ổ chim, tóc vương đầy rác, mạng nhện. Là âm thanh tiếng còi hơi kêu Bọp bi bọp! Bọp bi bọp! của chú bán kẹo kéo, là tiếng rao quen thuộc từ cô mua ve chai người Huế Ai nhôm đồng, dép nhựa bán không? hay tiếng rao Hàn xoong, hàn nồi không? của bác người Bắc, cùng tiếng rao Ai kem! Ai kem đê! của chú Phiện bán kem que. Để đổi được que kem, mẫu kẹo kéo nhỏ xíu bằng ngón tay, anh em chúng tôi đã thức bao trưa cùng đám bạn rảo chân khắp làng để tìm chai lọ, đống giấy vụn, mảnh bom, đạn pháo... rồi dồn hết vào bao, chờ ngày đem bán. Ngày ấy, chỉ là chiếc kem mút tuổi thơ đơn sơ mà sao ngọt mãi trên con đường tôi trưởng thành đến tận bây giờ.

Trong muôn vàn kỷ niệm về tuổi thơ thì có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Hôm đó, tôi cùng Bảo đang mải tìm mảnh bom, mảnh đạn ở bãi đất trống gần con đường cái Cạp Lài thì thấy đoàn xe đi chở cát chạy qua. Với bản tính hiếu kỳ, nghịch ngợm nên tôi bàn với Bảo lấy đất tấn công vào đoàn xe. Chúng tôi ngồi sát vườn sắn trên mép đường, chờ chiếc xe thứ hai đi qua thì tôi hô: Tấn công!

Sau tiếng hô của tôi là tiếng hô của Bảo: Xung phong! Vậy là hai đứa chúng tôi thi nhau ném đất vào đoàn xe. Cũng may là do đất mềm nên kính xe không bị vỡ. Đang mãi “tấn công” thì tôi nghe tiếng xe dừng lại kêu xình xịch, xình xịch, sau đó từ trên xe ba đến bốn thanh niên nhảy xuống. Thấy vậy, tôi hô: Bảo! Rút quân! Chạy! Hai anh em chúng tôi chạy như ma đuổi, còn phía sau là tiếng chân thình thịch của các trai tráng thanh niên cố đuổi theo để trừng trị những thằng nhỏ “mất dạy”. Chạy mãi rồi chúng tôi chui lọt xuống lòng địa đạo trước nhà ông Tùng đầu xóm. Vậy là coi như thoát chết. Ngày hôm sau vừa gặp tôi, Bảo đã chủ động lên tiếng: “Eng à! Mạ út nói bữa ni không cho út đi chơi với eng nữa”. Ngày ấy, cũng đã cách đây hơn 30 năm và bây giờ Bảo đã có cuộc sống, công việc ổn định ở ngoài Lạng Sơn, mỗi lần về quê em vẫn gọi điện thoại hẹn tôi gặp gỡ hàn huyên và luôn miệng nhắc lại kỷ niệm một thời nông nổi.

Ký ức trưa hè tuổi thơ là khoảng sân nhà ngập nắng, tôi cặm cụi giúp mẹ trở lại nong tiêu, nong khoai, sắn. Là dáng mẹ gầy, mắt quầng thâm do mất ngủ để soạn bài cho ngày mai đến lớp. Là những chiều anh trai và tôi lam lũ ngồi cắt chuối, cắt rau cho lợn. Nhớ từng tấm áo, chiếc quần mẹ may để anh em tôi bước vào năm học mới như gửi trọn vào đó hơi ấm, niềm tin, sự kỳ vọng và tình yêu bao la của mẹ. Thời gian cứ thế âm thầm trôi, như cuốn theo tất cả, ngôi nhà cũ mái ngói ba gian, khu vườn mùa hạ đầy tiêu, mít, dứa, chè ngày xưa đâu còn, những tiếng rao trưa nghe da diết nay mất hút giữa thanh âm ồn ào của cuộc sống đô thị. Tóc mẹ lưa thưa sợi trắng, dáng mẹ hao gầy theo năm tháng.

Giờ đây tôi ước giá một lần được trở về những mùa hè của tuổi thơ để trốn cái nắng như đổ lửa và cả sức nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường nhựa, bê tông cùng khói bụi, xe cộ chen chúc nhau, tiếng động cơ ồn ào làm cho con người cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi giữa phố xá đông đúc. Những phút giây mỏi gối, chùn chân giữa cuộc đời đầy tất bật, hối hả làm tôi càng thấy nhớ, thấy thương những mùa hè của miền quê thương nhớ, lòng lại ước ao được gặp chuyến đò trôi ngược dòng thời gian về thời thơ ấu. Dẫu biết rằng, năm tháng hững hờ có chờ đợi ai bao giờ...

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Đông Hà, dấu chấm than lơ lửng giữa trời

Phạm Xuân Hùng |

Trong ký ức tuổi thơ tôi, Đông Hà (Quảng Trị) là một vệt mờ không rõ hình hài. Năm chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi còn là đứa trẻ học lớp bồi dưỡng chuyên toán huyện Bến Hải, tỉnh Bình Trị Thiên.

Chiều về nhớ phố

Trần Hiền |

Tôi thường ngơ ngẩn khi chiều về trên phố, khi ánh đèn đường vàng vọt vươn mình kiêu hãnh buông sáng, dòng người tấp nập tan tầm, còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo. Hàng quán bên đường bắt đầu soạn sửa đón khách. Vài con đường mòn nơi hẻm nhỏ lại mênh mang mờ tối, bầu trời đen lại. Tôi ngồi lặng im trong lòng phố, phố bỗng cựa mình trong lòng tôi, làm thức dậy những nỗi nhớ vời xa, chênh chao thương bao điều cũ.

Hà Nội mùa hoa tháng Sáu

Trung Sỹ |

Hoa Hà Nội mùa hè không cần pha sắc tinh tế yểu điệu, hoa mùa hè phết nguyên gam nóng từ quang phổ cầu vồng sau những cơn mưa.

Hát tiếp bài ca quê hương

Bội Nhiên |

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022) do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức vào tối ngày 29/4/2022, ca khúc "Bài ca Hướng Hóa" của nhạc sĩ Lê Anh do các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội dàn dựng, trình diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt đã chuyển tải cảm xúc âm nhạc về miền biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Trị với giai điệu mang âm hưởng làm khán thính giả hân hoan đón nhận khúc ca đậm phong cách âm nhạc đương đại.