Hôm nay, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Niềm tin chiến thắng”, kêu gọi cộng đồng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, truyền đi thông điệp đoàn kết, lạc quan, chia sẻ để cả nước đồng tâm hiệp sức chống dịch.
Một lần nữa, hai chữ "niềm tin" lại được nhắc đến với người dân Việt Nam, cũng như bao nhiêu lần đất nước đối đầu sóng gió khó khăn khác.
Vững niềm tin, đó là lời kêu gọi thiết tha, thể hiện mong ước và tâm nguyện của cộng đồng xã hội này.
Hai chữ niềm tin, trong tiếng Việt, có nghĩa là tấm lòng tin tưởng.
Từ Hán Việt được cha ông sử dụng, là tín tâm (信心). Chữ tín gồm bộ nhân (con người) và bộ ngôn (lời nói), diễn nghĩa người biết giữ lời, tức người có đức tín. Chữ tâm nghĩa là trái tim, tấm lòng. Ghép hai chữ này lại sẽ ra nghĩa tấm lòng tin tưởng, tức niềm tin.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này, bởi nhiều người lâu nay vẫn nhầm tưởng chữ Hán là tiếng Trung Quốc, từ Hán Việt là nghĩa tiếng Trung Quốc, khi viết chữ Hán Việt nào là sẽ tương ứng với nghĩa tiếng Hoa như vậy. Song sự thật, từ Hán Việt và tiếng Trung Quốc luôn có sự khác biệt, rất nhiều từ và nghĩa không hề tương tự, thậm chí đối ngược.
Tiếng phổ thông Trung Quốc đang dùng hiện nay đề cập khái niệm “niềm tin” sẽ dùng chữ “tín ngưỡng”. Tín ngưỡng (信仰) ghép chữ tín (tin tưởng); và chữ ngưỡng, gồm bộ nhân (con người) đứng trước và chữ ngang (卬) nghĩa là ngửng lên, nhìn lên cao, ở phía sau; đọc là “xinyang”.
Với tiếng Việt, từ “tín ngưỡng” đã được biến thể thành một phạm trù khác, gắn với từ ngữ tôn giáo tâm linh hơn là đời thường xã hội.
Như vậy, khi viết “người có niềm tin” và “người có tín ngưỡng”, chúng ta sẽ đọc hiểu với hai nghĩa hoàn toàn khác xa nhau; điều này khác với người Trung Quốc khi đọc âm “xinyang” (信仰) sẽ hiểu là niềm tin chứ không hề nghĩ đến “niềm tin tôn giáo” nào hết.
Cho dù đã có sự khác biệt như vậy, nhưng ông cha ta trong chế tạo chữ viết cho mình, dùng chữ Nôm cũng viết lại chữ niềm tin để đọc rõ ràng bằng tiếng Việt chứ không chỉ dùng từ và nghĩa Hán Việt. Chữ Nôm (念𠒷) đọc là niềm tin, sử dụng chữ niệm trong chữ Hán làm âm, đọc chệch là niềm, và chữ tin ghép từ chữ tiên (先, trước) làm âm đọc, và chữ tín phía sau diễn tả nghĩa tin tưởng.
Như thế, trong tiếng Việt luôn tồn tại hai chữ tín tâm và niềm tin có chung một nghĩa, tùy văn cảnh để sử dụng. Hiện nay, từ niềm tin được phổ biến hơn và đa phần chúng ta đều hiểu nghĩa này. Một khi đặt chữ niềm tin vào tư thế cổ động, khích lệ cộng đồng, rõ ràng luôn gợi lên tinh thần lạc quan và tích cực của mọi người.
Khích lệ “niềm tin chiến thắng”, là khích lệ mọi người đồng tâm nhất trí, đối mặt hiểm nguy, vững vàng vượt qua sóng gió.
Có niềm tin, chúng ta sẽ nhất định chiến thắng!
(Nguồn: Vi Vu 247)