Mê man Thành Cổ

Hồ Huy |

Mê man Thành Cổ, không hẳn Quảng Trị đẹp, không hẳn Quảng Trị đau thương và cũng chẳng riêng gì Quảng Trị khói lửa. Mê man là cách những người trẻ khi lấy quá khứ rọi vào tương lai.

Tôi biết đến thành cổ Quảng Trị lần đầu khi đọc bức thư cuối cùng của bác tôi gửi về gia đình mà mẹ tôi luôn xếp chúng ngay ngắn trong chiếc va ly của mình. Có lẽ bác tôi đã yên nghỉ ở nơi ấy và mãi mãi không trở về. Liệt sỹ Bùi Văn Bình khi mới tuổi đôi mươi.

 

Với tôi, không cần biết chiến tranh có phi lý, chiến tranh có vô nhân đạo. Mà chiến tranh đơn giản chỉ là không cho những người ra đi có thể quay trở về. Vâng, chiến tranh là tàn nhẫn.

Một chiều Quảng Trị, một chiều mê man, một chiều khói nhang về trong những hình hài đỏ lửa. Tôi run bần bật, trăng vàng lên mật, đẩy ánh hoàng hôn vào những vết đạn pháo ám ảnh linh hồn, còn găm trên tường gạch khôn khuây quanh đây.

Không đến Quảng Trị, khó có thể hình dung được mức độ ác liệt mà bom đạn rải xuống bủa vây. Một bức tường, thậm chí một viên gạch cũng không còn lành lặn. Chỉ có đoạn tường thành bao quanh Thành Cổ là còn trụ vững nhưng cũng mang trên mình bao dấu vết hủy diệt đạn bom.

Tôi hiểu, chính nhờ những hy sinh mà trong đó có một phần máu thịt của bác tôi, nhờ máu của những chiến sĩ chảy trong Thành Cổ và trên khắp chiến trường Miền Nam đã làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Qua hơn 40 năm và mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương vẫn chưa lành trong lòng những người con đất Việt.

 

“Thưa ông bà: Kể từ ngày cháu bước chân trên con đường “Vạn lý trường chinh” tới nay đã hơn một tháng trời, cháu đã viết về nhà ba lá thư, cả thư này là lá thư thứ tư và có lẽ từ nay cháu không còn điều kiện để viết thư và bỏ thư về nhà nữa đâu. Nhưng cháu vẫn luôn nghĩ đến quê hương, ông bà, thầy mẹ và các em. Vì sự nghiệp chung của toàn dân nên cháu lên đường đi chiến đấu…Thầy mẹ yên tâm, mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe, để một ngày không  xa nữa con sẽ trở về sống bên tình thương của thầy mẹ…”

Vừa đi dạo quanh những tường hào Thành Cổ tôi lại chắp vá những lời yêu thương của bác tôi trong bức thư gửi về ông bà thầy mẹ. Những con chữ, những nét mực đã ố màu thời gian, Những cảm xúc trẻ trai mà chẳng mảy may hoang hoang giữa cuộc biến binh loạn lạc. Tôi ngước nhìn những vòm rêu xanh còn như ngơ ngác, Thành Cổ đau thương.

Thành Cổ đã khô miệng những vết thương, nhưng  những ngày trở gió lại nhói đau màu cỏ, úa lên thời gian hơi đạn dấu thù. Tám mươi mốt ngày đêm máu lửa, tám mươi mốt ngày đêm lòng dạ những bà mẹ như dao cứa, tám mươi mốt  ngày đêm quê hương thắp lửa, soi bóng những đứa con trở về.

Thành Cổ Quảng Trị khi tôi đến đã bình yên màu xanh, một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, một dòng sông mà chân sóng còn ghìm sâu những giọng hò ngắt quãng, bởi tiếng bom sôi.

“Thầy mẹ kính mến! Chúng con hiện phải hành quân gấp rút để đến chiến trường, nhanh ngày nào hay ngày ấy để làm nhiệm vụ vì cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước đã đến giai đoạn gay go, ác liệt nhất có tính chất mở đầu cho sự quyết định toàn thắng…”

Nhìn nét chữ nghiêng nghiêng của bác tôi, những nét viết không giấu nổi bồi hồi, cảm xúc vẫn còn như nóng hổi, thời gian, Thành Cổ, máu và quê hương. Xin cho những yêu thương dẫn đường, xin cho những bình minh Thành Cổ lung linh, xin cho dòng Thạch Hãn mỗi đêm hoa đăng dìu dặt linh hồn, những người đã khuất, những thịt xương đã tan vào đất, những anh linh sáng mở nụ cười.

Tôi đi trong dòng người hàng ngày chảy về đây tưởng nhớ, những lời khấn nguyện lầm rầm, lại là khói hương cay mắt, lại là những vết đạn quay quắt, nhưng tôi chắc hẳn tâm trạng của mỗi người vẫn dằng dặc dòng sông. Bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm…

Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Sông bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn. Dòng sông chảy từ hướng Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ tại ngã ba Dã Độ rồi lại quay về hướng Đông, đổ ra cửa Việt Yên.

 

Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Sông Thạch Hãn còn là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, dòng sông mang sứ mệnh lịch sử ấy chứa biết bao nhiêu máu xương của chiến sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập tự do của tổ quốc. Ôi Việt Nam!

 Để tưởng nhớ đến hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, vào các dịp lễ, tết tại nhà hành lễ – bến thả hoa hai bờ Nam – Bắc  sông Thạch Hãn, nhân dân thường thả hoa đăng để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lễ hội “Đêm hoa đăng” được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa nhằm tôn vinh và ghi nhớ công ơn của biết bao thế hệ cha, anh đi trước đã anh dũng hy sinh.

Một đêm Quảng Trị, một đêm Thành Cổ, một đêm Thạch Hãn tôi lần giở bức thư của bác tôi đã chụp lại trong điện thoại mà mơ hồ cứ ngỡ người đang ở đâu đây. Màu mây bàng bạc, dòng sông lấp loáng, tường thành  chạng vạng, hoa đăng mỉm cười. Tôi thấy đoàn người thu quân gọi trống, trăng lồng vòm cổng, tường gạch rêu phong, ngước nhìn Thành Cổ, mê man, mê man…

TAGS

"Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị"

Xuân Dũng |

Trong những cuốn sách quý hiếm bây giờ có một ấn phẩm vào loại kỳ thư mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, cao cả, đó là tác phẩm "Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị".

Võ Văn Hoa phiêu bồng với cỏ phiêu bồng

Phạm Xuân Dũng |

“Cỏ phiêu bồng”* là tập thơ thứ tư của nhà thơ Võ Văn Hoa. Kể từ thuở hoa niên tập tành cầm bút đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ gắn bó với thi ca. Mặc dù nghệ thuật không cứ phải câu thúc chuyện thâm niên dài ngắn, song để đi hết con đường đã chọn cũng phải là người tình chung thủy với Nàng Thơ. Vì phải là người vượt qua được những eo sèo cơm áo, những gập gềnh nhân sinh và cả những nổi chìm thế sự mới có thể thăng hoa, chưa kể phải vượt qua chính bản thân mình; một cửa ải xưa nay luôn thử thách các anh hùng và thi nhân. Thân tâm không nhẹ thì luận chi được chuyện phiêu bồng.

Nguyễn Hoàn: Ký giả và văn nhân

Phạm Xuân Dũng |

Nhà báo Nguyễn Hoàn vốn là một sinh viên văn khoa học hành cần mẫn, giỏi giang được giữ lại trường làm giảng viên đại học. Nếu anh không muốn xê dịch chắc chúng ta sẽ có thêm một nhà khoa học đầy đủ học hàm, học vị, nghiên cứu phê bình văn chương đúng nghĩa. Nhưng nghề báo và quê hương đã vẫy gọi anh về làm ký giả.

Hình ảnh những người nông dân Việt Nam trồng rau trên đất Nga

PV |

Khu vực quân Ramen là nơi tập trung khá nhiều người Việt trồng trọt, làm nông nghiệp. Những người Việt trồng rau nơi đây hầu hết đều không có đủ giấy tờ hợp pháp.