Mình được ngoại kể chuyện tiếu lâm về chàng rể và mẹ vợ không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần như thế ngoại cười ngả nghiêng hở cái răng sún đã gãy từ hồi năm ngoái.
Câu chuyện kể về chàng rể đến nhà chơi đúng lúc mẹ vợ đi tiểu tiện. Chàng rể có tên là Hỏn. Bà mẹ vợ xấu hổ nên hỏi xã giao: Hỏn đến khi nào? Chàng rể trả lời bóng gió, đại khái ghi lại cái không gian, âm thanh mà chàng ta chứng kiến: “Hỏn tới khi trăng lên cao, nước chảy lao xao, ếch kêu ị oặp”.
Ngoại khoái câu chuyện tả thực này quá nên kể đi kể lại mỗi lần có đứa nào nài nỉ bà kể chuyện tiếu lâm. Lâu dần, lũ cháu chúng mình gọi ngoại là Hỏn: Hỏn ăn cơm chưa, Hỏn kể chuyện đi. Ngoại thấy hay hay vì mỗi lần đứa nào gọi ngoại bằng Hỏn là ngoại bảo, tổ cha mi rồi cười ngoắc ngoải để lộ hàm răng sún khiến lũ cháu cười theo.
Ngoại ở dưới quê nửa năm rồi lên phố nửa năm. Mỗi lần nhớ làng, nhớ quê mà mạ không cho về là ngoại bỏ ăn ngồi nhìn ra cửa sổ. Cái cửa sổ nhìn lui là thấy bụi chuối nằm khiêm tốn ở một chỗ chật chội trong lòng phố. Dường như ở đó ngoại cảm nhận về những nương chuối, cây khế, cây mãng cầu ở dưới nhà dì cách khoảng trăm cây số. Mạ không cho ngoại về vì đồng bằng đang mùa rét, mưa phùn gió bấc người già rất dễ ốm đau. Những lúc như thế, mình thường vào khe khẽ hỏi nhỏ: “Hỏn đến khi nào?”. Nghe xong câu đó thế nào ngoại cũng cười. Sau đó ngoại lại bảo, thôi đi bỏ gạo vào nồi nấu cơm kẻo tối.
Bữa cơm mùa đông ngoại thích ăn món bầu khô kho thịt. Bầu được dì phơi vào mùa hè, gói ghém gửi lên cho mạ làm quà. Ngoại bảo cứ cất đi, đợi mùa đông ăn mới ngon. Món bầu khô kho thịt của ngoại lúc nào cũng khiến bữa ăn ngon hơn. Tất cả dư vị của đồng quê được chuyển hóa trong một đĩa bầu kho đầy nghĩa tình. Ăn bầu khô mà nhớ giàn bầu dưới quê. Ngoại bảo thế. Giàn bầu ra hoa trắng mà vẫn quyến rũ bầy ong. Quả bầu lớn lên đu đưa trong gió. Quả nào ăn được là cứ cắt dần mà ăn. Đến mùa có khi cả nhà ăn toàn bầu: Bầu nấu canh tôm, bầu luộc chấm, bầu kho... Mỗi bữa ăn chỉ cắt một miếng, phần còn lại cứ thế mà đu đưa với gió ngàn.
Nghe ngoại nói nhớ giàn bầu, mạ mình chạnh lòng: “Thôi mai con đưa mạ về quê ít bữa”.
Ngày ngoại về, căn phòng ngoại ở vắng vẻ, lũ cháu cũng chẳng ra vào nơi đó nữa vì chẳng có ai kể chuyện tiếu lâm. Ngoại ra xe, mình hỏi Hỏn về bao giờ lên. Hỏn cười. Xe chạy cuốn bụi đường dáo dác. Nhớ mãi nụ cười của Hỏn, nhớ hun hút theo chiều bụi đỏ là cái răng sún và mái tóc bạc trắng như bà tiên.
Giáp Tết, đồng vừa xuống mạ. Mưa lún phún. Người ta đưa ngoại ra đồng để về với đất. Con cháu trời Nam, trời Bắc tụ họp về tiễn đưa người thiên cổ. Trước đó ít ngày, đang trên đường đi làm. Thằng em nhắn tin vẻn vẹn có mấy chữ: “Hỏn đã không còn”. Ừ, ngoại đã về với đất. Mình chạy nhanh về nhà, xếp vội áo quần để về với ngoại. Đi ngang qua phòng ngoại, cánh cửa sổ mở toang. Ngoài kia bụi chuối cọ nhau xào xạc. Nghe văng vẳng như ai hỏi: “Hỏn đến khi nào?”.
Mình từng nghe chuyện có một gia đình cũng về tiễn đưa người thiên cổ là bà ngoại. Năm ba ngày tang lễ, người này kể phải bỏ việc ở nước ngoài bay về; người kia kể phải hoãn cuộc họp trong Nam để bay về; người khác bảo cửa nhà trên phố phải khóa, bỏ lớp dạy thêm đầy ắp để chạy về... Ai cũng có lý do để hôm nay ở đây như là một việc bất đắc dĩ. Mở cửa mả xong, họ kéo nhau đi. Và ngoài nấm mộ mới xây, chỉ có con chó Mực ra nằm ở đó thương tiếc người xưa.
Rồi mình cũng như họ, mình cũng sẽ trở lại thành phố, nơi có gia đình và công việc. Có một chút day dứt về hình ảnh con đường dài hun hút ra cánh đồng. Nơi đó mình mang thương nhớ ra đi. Thi thoảng trong chiều nhợt nhạt nào đó trên dặm dài đất nước mà hát lên: Hỏn đến đâu rồi?