Buổi trưa tôi nằm ngủ lịm đi giữa nắng chuyển mùa, rồi một bản giao hưởng của nhiều âm thanh đánh thức tôi dậy.
Những tiếng chim rất lạ kêu keng kéc sau lũy tre phía lưng nhà. Tôi chợt nhớ ra đã lâu lắm rồi mới được nghe lại tiếng chim ấy, tiếng chim kể chuyện lúc mùa lúa chín. Chuyện xưa như trái đất, xưa như hạt lúa quê hương muôn thuở nuôi con người đất Việt khôn lớn, mà sao vẫn thích.
1. Người nhà quê đánh dấu thời gian bằng mùa vụ. Chẳng hạn mùa xuân thì bắt đầu từ khi gieo hạt lúa vụ đông-xuân. Nói theo câu hát của Trọng Đài thì đấy là lúc người trồng lúa gieo niềm vui xuống đất. Đem gửi gắm tình yêu và niềm tin vào đất mẹ, như cái cách người ta thả hồn mình cho thiên nhiên và mở rộng lòng người đón lấy tin yêu của mùa xuân.
Và đến khi niềm vui kết hạt, lúa chín đầu nhành, ấy là mùa hạ bắt đầu. Có lẽ cách tính lịch ấy là hợp lý nhất, khi mà thời tiết hằng năm bị xáo trộn, không tuân theo một quy luật nào cả thì nhà nông vẫn cứ trỉa hạt và hái về đúng tuần tự, không có gì đổi khác. Đối với người làm ruộng, sự thay đổi chỉ có chăng trong việc cải tiến giống má, phương tiện máy móc, còn thời vụ và cách thức lấy công làm lãi vẫn giữ nguyên.
Mấy đời nay người quê tôi vẫn mỗi năm hai vụ, vẫn bán sức cho trời để làm ra cái ăn cái mặc. Sự khắc nghiệt của mùa hè miền Trung nóng nực vẫn không làm cho người ta ngơi nghỉ, vẫn phải ra đồng trong niềm vui chín giòn như nắng.
Trong câu chuyện của tiếng chim trưa nay, tôi gặp lại quãng thời gian của tuổi hoa niên. Ấy là khi bạn bè ấu thơ đương đi săn những tổ chim đẻ hoang trên những lùm cây hay bắt những ổ gà lá xoáy giữa vạt lúa. Đang hỉ hả vui sướng với những cái trứng tròn nhỏ nhặt được, vội nhét vào túi quần, thì bỗng một đứa bỏ về. Bạn bảo về phụ ba mạ đi gặt lúa.
Tôi hiểu, tuổi thơ bắt đầu có những vết rạn tự nhiên, như con chim nẻ cái vỏ trứng chui ra để khôn lớn trưởng thành. Và tôi nhận ra trách nhiệm, hay là công việc sẽ theo suốt cuộc đời chúng tôi nếu còn ở trên mảnh đất làng quê, đấy là phải trở thành những người nông dân thực thụ.
Chúng tôi được ba dạy cho cách cầm vằng hình chữ V để gặt lúa. Bảng chữ cái của trẻ con quê tôi không phải bắt đầu từ chữ A chữ B mà lại bắt đầu bằng chữ V. Chữ V tượng hình trong cái góc chảng ba trẻ con leo trèo hái quả đào trái ổi. Chữ V thù hình trong cái ná bắn chim. Và chữ V nơi cái vằng hái gặt lúa chiều hôm ấy. Chúng tôi nắm tay vào chuôi vằng, đưa lên ngó nghiêng, vừa thích thú vừa sợ hãi vì cái lưỡi cứa quá manh sắc. Ba tôi chọn một vạt lúa thẳng, đứng ở phía trên gió, làm mẫu cách nắm cây lúa, rồi đưa cái vằng cứa. Nhanh gọn, dứt khoát. Ngay sau đó chúng tôi hòa mình vào cánh đồng như bao người nông dân khác. Chúng tôi cảm thấy mình đang được lớn lên và vui sướng khi được một ai đó đi qua khen: Chà, biết gặt lúa rồi à?
Chúng tôi thường được đánh dấu kỷ niệm buổi gặt đầu tiên bằng một lát cứa vào tay chảy máu, nước mắt ứa ra. Ba nói đồ “trâu đực vẹc đái”, lo chi. Rồi ba nhai một nhúm cỏ cú đắp vào cầm máu. Vết đứt thành một cái sẹo ở ngón tay, nó đi theo chúng tôi suốt đời để lưu dấu.
Ôi, những cái vết sẹo hẳn sẽ làm người ta xấu đi, nhưng thiếu nó, con người thường vắng bặt những ký ức. Sau những vết sẹo do leo cây ngã bổ, chơi “căng cù u trọ” bị cái khăng đánh vào đầu mẻ trán, lần này chúng tôi có thêm một vết sẹo bởi vằng hái, vết sẹo bắt đầu của sự lao động.
Cơm mới - bữa cơm đầu tiên nấu từ hạt lúa mới gặt. Trong một buổi chiều chạng vạng, bên thềm hiên, mùi cơm mới thơm hương vị cánh đồng, nguyên vị sữa ngọt và cái dẻo mềm đến nỗi mỗi hạt cơm lùa vào miệng đều dính ngay ở đó.
Người ta bảo cái dẻo của cơm lúa mới là để mình ngậm mà nghe, cảm nhận thành quả sau một vụ mùa. Bữa cơm mới để lại một cảm giác rất lạ, nó vừa mang vẻ ấm cúng trong niềm hân hoan, lại vừa như những phút thư giãn sau vụ mùa tất bật. Xa xa một đám khói đang cháy trắng, vẽ từ dưới cánh đồng vắt ngược lên bầu trời hạ nắng.
2. Những năm xa quê, ở xứ người không có đồng lúa, nhưng không hiểu sao lúc thấy một áng mây trời bay ngang qua, ký ức về một cánh đồng sau mùa gặt chợt hiện lên trong tôi rõ ràng.
Gặt xong là có ngay rơm, rơm tươi xanh màu thâm thẩm và điểm thêm vàng. Rơm ngày xưa là rơm tuốt. Những cái máy tuốt cứ thế mà cọc cạch quay suốt ngày suốt đêm những khi mùa màng tới. Nhưng máy tuốt cũng không thể trẩy hết hạt ra được. Vậy là sau đó lại phải quẳng nắm thân lúa tuốt xong xuống đất để chà xát. Đạp mòn cả chân.
Đến thời cơ khí có máy đùn máy thổi, và nay thì máy gặt đập liên hợp. Hạt lúa cũng được trẩy “sạch” hơn, trên đầu những nhánh rơm chỉ sót lại lẻ tẻ đôi ba hạt. Nhưng người quê vốn tằn tiện, người ta đi lật hết tất cả đống rơm vừa thổi ra, dùng tay mà rũ rũ thể nào cũng mót được kha khá lúa mang về.
Thích nhất là chơi với rơm. Cứ đến mùa gặt, nghe đâu có tiếng xình xịch máy thổi là cả lũ con nít chúng tôi kéo nhau đến “tắm rơm”. Máy đang ùn ùn thổi, cả bọn đứng phía trước hứng. Rơm cứ thế phủ lên người thấy vui vui. Có đứa cố ý nằm yên cho rơm lấp kín người mới vùng bật dậy. Rồi thì tung rơm đùa nhau, tay vơ từng nắm rơm ném quẳng thẳng vào bạn bè. Rơm thổi ra chất thành một đống cao, chúng tôi trèo lên trên đó nhún nhún và nhảy xuống y hệt mấy hiệp sĩ bay từ trên núi cao xuống vực.
Sau mùa, rơm không phải vứt đi mà để dành làm chất đốt nấu nướng và cho trâu bò ăn trong mùa mưa. Những thân rơm được rải ra trên mặt ruộng hứng nắng vàng rộm lên. Nhớ cái lưng trần trùng trục của ông nội cầm “mùng xảy” hai chấu xốc từng ụ rơm to mà rải. Ông tôi bảo, có cái ăn thì cũng phải lo cái đốt. Vậy là đến mùa gặt ông chả ngủ trưa, hết lo sân phơi lúa thì chạy ra đồng lật trở rơm. Ông bảo ngày xưa quý rơm như quý lúa gạo, gặt phải tận gốc để lấy được nhiều rơm. Mà cái hồi đó chưa có xe cải tiến thì phải khiêng từng gánh lúa từ ruộng xa về nhà. Ngày nay chất đốt không còn phải lo lắng nhiều nhưng ông nội tôi vẫn không thể bỏ rơm được. Ông thích ăn cơm nấu bằng rơm, bảo ăn cơm nấu rơm có mùi thơm của đồng.
Rơm phơi độ một nắng, tức một ngày thì khô. Rơm khô chất thành từng đống nhỏ, đợi vài hôm đủ nhiều thì bắt đầu xây thành đụn rơm (cây rơm). Dựng lên một trụ chính giữa, ba trụ xung quanh làm sườn cốt cho đống rơm. Độ chiều chiều mát, gió Nam phây phẩy thì cùng nhau dùng những cái đòn xẩy mà tấp rơm vào đó. Buổi xây rơm thể nào cũng có một nồi chè đậu ngọt lịm.
Những cọng rơm rạ còn sót lại trên đồng được thu dọn bằng cách thắp lửa đốt cháy. Cách làm này vừa để dọn sạch ruộng, vừa diệt trừ mầm cỏ và mầm sâu bệnh hại. Rơm cháy xong cho tro có tác dụng làm tăng chất mùn cho đất vụ sau. Nhiều nơi gọi khoảng thời gian sau gặt là mùa đốt đồng. Xế chiều bắt đầu nhón mồi rơm. Lửa cháy lấm láp liếm từ từ rồi lan rộng ra khắp đồng. Ngọn lửa bốc cháy không cao nhưng khói bay lên thì ngùn ngụt trắng xóa cả cánh đồng ảo mị. Khói lam chiều đốt lên giữa cánh đồng sau mùa gặt bội thu. Khói xông lên len lỏi mái tranh thơm mùi cơm nếp mới. Trong làn khói ấy như có cả vị ngọt vị bùi, vị nhọc nhằn trải dài mưa nắng của người nông dân.
3. Xa quê mấy năm, ngày tôi trở về làng là khi mùa gặt đã vãn. Những cuống rạ gối đầu hôn lên đất quê nhà. Giữa chiều bình yên màu vàng rơm rạ nhạt đi rồi úa theo nắng chiều.
Bạn bè đã bỏ làng đi hết, còn lại tôi với rơm rạ. Những ngọn rạ đã bắt đầu hoai hoải dần và gục xuống đằm mình trên chính gốc của nó. Cuống rạ như hiển minh cho một niềm hoài thương sâu sắc: lá rụng về cội.
Tôi từng nghe tâm sự của những người xa quê, rằng đến tuổi già họ sẽ về làng nghỉ ngơi rồi nằm xuống thảnh thơi, và giờ đây tôi nhận từ chính gốc rạ sự đồng cảm. Giữa mảnh đất làng bé nhỏ này, mỗi hình tượng dù giản đơn bình dị đến đâu cũng đều có cái lý riêng của nó.
Tôi băng qua đồng, con đường dấu xưa còn nguyên màu cỏ. Ở đây tôi gặp lại bông hoa trinh nữ những ngày thơ thường hái làm cúc giả đính vào chiếc áo vải sờn của em.
Tôi lại làm một đứa trẻ, đi bắt châu chấu cho con chim sáo nhỏ. Lạc giữa cánh đồng, lạc giữa những xa xăm thời gian, thuở bạn bè còn mặc quần xà lỏn ở trần trùng trục phơi nắng phơi sương. Chúng bạn đã lớn khôn, riêng những chú châu chấu thì vẫn hồn nhiên búng lưng tưng từng bước cầu vồng.
Tôi chộp lấy một con châu chấu, chợt như nắm phải chính tuổi dại của mình. Mắt chấu lanh lánh cười rơi một giọt nắng gọi quá khứ trở về. Trong nắm tay bây giờ hình như đôi cánh chấu đã khép lại và còn mê man chút dĩ vãng. Tôi biết, cả tuổi thơ của mình cũng vậy, chỉ khép lại thôi chứ chưa hề kết thúc.
Chạng vạng đứng nhìn cánh đồng, nơi gắn với những kỷ niệm ấu thời. Một vành trăng non mỏng lép đã nhô ra. Từ trong xóm, con đường nhỏ len lẻn lên một làn khói trắng.
Có ai đó đốt đồng.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)