Mái nhà xưa

Diệu Hương |

1. Ngày chia tỉnh. Cha mẹ bồng bế tôi trở về Đồng Hới. Phố nhỏ bên sông Nhật Lệ ngày ấy chỉ lác đác vài ba ngôi nhà. Cuộc sống những ngày đầu nhiều chật vật nhưng lại ấm áp niềm vui. Khi tất cả đã vào guồng, cha tôi đột ngột thay đổi quyết định, rời bỏ phố, về quê sống cùng bà nội. Cha tôi thương bà một mình trong căn nhà quạnh quẽ. Làng quê nghèo bên dòng Kiến Giang đón gia đình tôi trở về với ngổn ngang nỗi niềm.

Trong ký ức mờ ảo của đứa trẻ lên 4 - là tôi - ngày ấy, làng quê lúc bấy giờ chỉ lác đác vài ba ngôi nhà ngói đỏ. Những con đường đất ngoằn ngoèo, uốn lượn giữa những cánh đồng lúa mênh mang. Ngôi nhà nhỏ của bà nội vừa được dựng lên, là căn nhà bằng bê tông hiếm hoi trong xóm nhỏ phía cuối làng. Nhà quay mặt ra ruộng lúa. Ngày, gió Nam rào rạt thổi. Đêm, tiếng ếch nhái vang vọng giữa khoảng không gian tĩnh mịch.  Ngày mưa, đường nhão nhoẹt bùn đất. Ngày lũ, đường làng mênh mông nước. Cuộc sống mới của chúng tôi đã bắt đầu bằng những lạ lẫm và pha lẫn háo hức như thế.

 
“Bữa cơm chiều” của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng. 

Chúng tôi trở về quê được 1 năm thì bà nội mất. Đó là những ngày thật buồn, nhất là với cha tôi. Nhiều đêm liền, ông ngồi trầm ngâm bên bàn thờ của bà, giữa khói hương nghi ngút, giữa những tiếng thở dài thườn thượt mà đau đớn lạ. Ngày ấy, tôi không biết ông đang nghĩ ngợi điều gì, chỉ thấy khuôn mặt cha khắc khổ, ánh mắt không rời di ảnh của bà. Tác phẩm 

Sau này, khi tôi đủ lớn, có lần cha bảo, mỗi lần nghĩ đến bà, lòng ông đau đớn khôn nguôi. Chỉ thương bà, cả một đời khổ nhọc, đến lúc về già, khi con cái đủ trưởng thành để dựng cho bà một căn nhà vững chãi trước bão giông thì bà vội vã ra đi. Căn nhà vắng bóng bà, mênh mang và xao xác lạ! Ngày tháng dần trôi về phía cũ. Nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, chỉ có cha tôi vẫn trầm ngâm bên di ảnh bà trong những buổi chiều muộn, khi hoàng hôn đổ bóng xuống hàng cau trước sân nhà. Tôi biết, đó là lúc cha nhớ bà da diết!

2. Hơn 30 năm. Căn nhà xưa cũ đã được gia đình tôi tôn tạo đôi ba bận. Nhưng mưa gió, bão giông và cả những mùa lũ ngập trong làn nước bạc, căn nhà đã không còn vững chãi như xưa. Những bức tường đã loang lổ dấu vết thời gian. Mái ngói đỏ đã úa màu, phủ kín rêu xanh. Căn nhà trở nên chật hẹp trong mỗi dịp đoàn tụ. Cha tôi quyết định dựng căn nhà mới. Nhiều lần chuyện trò cùng ông, tôi hiểu, với cha, đó thực sự không phải là một quyết định dễ dàng!

Trước ngày dỡ nhà, chị em tôi về quê, cùng cha mẹ ăn bữa cơm cuối cùng trong căn nhà thơ ấu. Bao nhiêu ký ức ùa về. Niềm háo hức chờ đợi căn nhà mới khang trang vẫn không ngăn được những nghẹn ngào nơi lồng ngực, chỉ chực chờ trào ra. Đêm ấy, cha tôi không ngủ. Ông ngồi trước hiên nhà, khói thuốc vảng vất trên mái đầu đã bạc màu quá nửa. Đôi bàn tay ông gầy guộc lướt qua bức tường rêu phong. Thỉnh thoảng ném nhẹ tiếng thở dài và ánh mắt trầm buồn ra giữa khoảng không đen kịt và phảng phất mùi trầm hương. Cha tôi nhớ bà!

Ngày dỡ nhà, cả gia đình tôi thức dậy thật sớm, ngồi trước hiên, nhìn một lượt căn nhà cũ. Cha giấu vội giọt nước mắt khi nhát búa đầu tiên chát chúa vang lên. Tiếng bức tường cũ đổ sập mà như thể tiếng lòng ông vụn vỡ. Mỗi khi những góc nhà chứa đầy kỷ niệm đổ xuống, ông lại quay mặt đi chỗ khác. Lòng ông gợn sóng. Những nếp nhăn trên khuôn mặt xô nhau lại. Đó cũng là lúc ông nhớ bà da diết nhất!

3. Những ngày sau đó, chuyện trò cùng ông, tôi thắc mắc vì sao việc dỡ nhà cũ, xây lại căn nhà mới việc đáng lý ra phải vui nhưng lại khiến ông buồn đến vậy? Ông gượng cười. Nỗi buồn chưa bao giờ tắt trong ánh nhìn thăm thẳm của ông. Ông bảo, căn nhà xưa cũ gói ghém tất cả những kỷ niệm đẹp nhất của gia đình tôi. Căn nhà ấy được xây dựng nên bằng sự gom góp, chắt bóp của các cô, các bác và cha tôi.

Ngày ấy, cuộc sống ai cũng thiếu thốn nhưng vẫn góp sức xây được một căn nhà vững chãi cho bà ở những ngày tháng cuối đời. Cũng trong căn nhà này, bà tôi đã sống trọn vẹn niềm vui trước khi nhắm mắt, trở về đoàn tụ cùng ông nội. Nên dẫu 30 năm trôi qua, đâu đâu cũng in hằn hình bóng của bà.

Nơi này cũng chứng kiến chị em tôi lớn lên. Những đứa con của chúng tôi cũng đã trải qua những năm tháng đầu đời trong căn nhà phủ màu thời gian này. Với cha tôi, căn nhà xưa có thể đã cũ, không còn vững chãi nhưng đó là căn nhà của lịch sử, của kỷ niệm. Hạnh phúc hay khổ đau, thiếu thốn hay đủ đầy, chúng tôi đều chọn cách trở về, tìm bình yên dưới mái nhà rợp bóng rêu phong.

Hơn 30 năm, mái nhà xưa đã chở che chúng tôi đi qua chừng ấy mùa bão lũ, cả những ngày giáp hạt, khó khăn, có những lúc tưởng như sóng gió, bệnh tật có thể đánh gục. Nếu không có mái nhà vững vàng trước bão giông, che chở và bảo bọc, sẽ không có những tháng ngày vun vén và gom góp để đón chờ căn nhà mới vững chãi, rộng rãi hơn.

Trên nền đất cũ, căn nhà xưa đã không còn, nhường chỗ cho ngôi nhà mới khang trang, vững chãi. Ngày mới đến, sẽ không còn những nơm nớp lo âu mỗi khi lũ đến, bão về. Nhưng trong sâu thẳm ký ức, mái nhà rêu phong xưa cũ sẽ vẫn vẹn nguyên với tất cả niềm thương và nỗi nhớ. Hóa ra, khi đã đạt được điều ao ước, người ta lại cứ quay quắt nhớ về những điều xưa cũ. Những điều ấy càng quý giá hơn vì nó gắn liền với một thời đoạn mà người ta không bao giờ được quay trở lại để gặp lần nữa.

Trong niềm thương, nỗi nhớ dâng tràn, cha đã dạy chúng tôi sống biết yêu thương và trân trọng những điều đang có. “Hãy yêu thứ mà con đang có, con sẽ có thứ mà con yêu! Nhà có thể cũ, công việc có thể nhàm chán, chiếc xe con đang đi có thể chưa tốt nhưng một khi con hết lòng trân trọng, cuộc sống sẽ thực sự nhẹ nhàng”, ông gật gù bảo với chị em tôi như thế trong một buổi chiều muộn, hoàng hôn đổ bóng xuống mảnh vườn - nơi chẳng còn bóng dáng hàng cau ngày cũ.

(Nguồn: Báo Quảng Bình)

TAGS

Hồng hoa buổi sớm

Lê Tấn Quỳnh |

Hoa hồng cứ thế mà lan tỏa ở khắp nơi, trong mọi ngóc ngách của cái thành phố mộng mơ bên dòng sông hương này.

Những điều chúng ta quên cảm ơn mẹ...

PV/VOV.VN |

Đôi khi chúng ta coi sự chăm sóc của mẹ là điều hiển nhiên. Đã quen với việc có mẹ bên cạnh, mẹ luôn cho chúng ta những lời khuyên. Đôi khi, chúng ta quên rằng nên biết ơn mẹ như thế nào...

Không gì ngon bằng cơm mẹ nấu

Đặng Trung Thành |

Hôm Chủ nhật tuần rồi, con ghé nhà bạn chơi. Bữa cơm trưa được mẹ bạn dọn ra. Đạm bạc thôi, chỉ trứng chiên, rau luộc chấm nước mắm tỏi ớt, ấy thế mà con thấy sao thân thương quá.

Nẻo về

Như Trang |

Tự bao giờ, tôi đã quen với hình ảnh con đường đất với hai bên toàn cỏ dại xen lẫn sắc trắng hoa xuyến chi dẫn lối về đến tận ngõ nhà ngoại. Hình như, sau những mệt nhoài vượt qua cái nắng nôi, mưa gió của ngày kiếm sống lam lũ ngoài kia, bình yên trong tôi chỉ duy nhất mỗi khi về với ngoại, cùng bà đun bếp lửa nồng đượm và nghĩ về giấc mơ màu khói chuỗi ngày ấu thơ.