Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể chuẩn bị giản dị hơn nhưng cũng cần bày biện một cách tươm tất để thể hiện lòng thành.
Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương được coi là ngày lễ trọng đại trong năm diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết diệt sâu bọ - ngày phát động tiêu diệt sâu bọ gây hại mùa màng và những sâu bọ không tốt cho cơ thể.
Nguồn gốc của ngày Tết Đoan Ngọ là theo dân gian kể về một mùa vụ nọ nông dân ăn mừng vì trúng mùa, cây trái trĩu quả nhưng lại có nhiều sâu bọ lại kéo đấy phá hoại. Lúc này Ông Đôi Truân giải thích, đây chính là mùa sâu bọ mạnh và hung hăng nhất, mỗi năm cứ làm theo lời ông dặn thì sẽ diệt được hết sâu bọ. Ngoài ra còn có thuyết tin rằng vào ngày này các sâu bọ trong cơ thể con người sẽ trồi lên và đây là dịp lý tưởng để loại bỏ chúng. Nên thông thường vào ngày này người Việt thường ăn những thức ăn có vị chua, chát để làm sạch sâu bọ trong cơ thể.
Từ đó, dân gian vẫn hay gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan Ngọ và người Việt sẽ chuẩn bị đầy đủ mâm cúng vào giữa giờ Ngọ để mong một mùa màng bội thu, không bị sâu bọ tàn phá.
Theo phong tục thì người dân thường cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm nhưng theo đúng lịch thì sẽ là đúng với tên Đoan Ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là Chính Ngọ), tức là từ 11 giờ đến 13 giờ trưa ngày 5 tháng 5 âm lịch.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ cần chuẩn bị gì?
Theo truyền thống, mâm cúng dâng lên lễ gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây như vải, mận; rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro), hương, hoa, vàng mã và cũng tùy vào văn hóa, phong tục của từng vùng miền. Có nơi còn thêm thịt vịt, chè trôi nước nữa.
Trong đó vải hay mận là loại quả phải có trong mâm cúng. Ở miền Nam, các gia đình thường chọn mua vải thiều quả đẹp, nhiều lá để trưng trên mâm cúng sẽ đẹp hơn.
Rượu nếp cũng là món ăn đặc sắc trong ngày này. Người xưa cho rằng rượu nếp có khả năng tiêu diệt sâu bọ trong cơ thể, khiến chúng không thể gây hại trong cơ thể con người nữa. Có những gia đình Việt lại muốn duy trì nếp văn hóa xưa nên thường huy động cả gia đình tự làm cơm rượu nếp tại nhà.
Bánh tro là một loại bánh làm từ gạo nếp đã được ngâm trong nước tro, gói trong lá chuối. Đây là loại bánh dễ ăn, dễ tiêu, mùi vị rất ngon khi ăn cùng với đường hoặc mật.
(Nguồn: Phụ nữ mới)