Nói là Tết xưa nhưng thật ra cũng chưa phải là xa xưa gì lắm; cũng chỉ là những cái Tết cách đây chừng ba mươi năm; thời đất nước còn bộn bề khó khăn, chật vật trong cơ chế bao cấp, thời mà tôi còn là một cậu bé thơ ngây chộn rộn háo hức chờ mong từng ngày Tết đến, hẫng hụt thẫn thờ khi Tết đi qua, để giờ đây quay quắt nhớ về những cái Tết ấm áp một thời chưa xa.
Ấn tượng đầu tiên và sâu đậm nhất của tôi về Tết là một buổi sáng thật yên bình. Sáng hôm ấy, khi vừa thức giấc, sau khi rửa mặt mũi chân tay, mẹ bận cho tôi chiếc áo trắng tinh khôi và chiếc quần màu xanh công nhân có hai dây đeo vào vai. Rồi bố mẹ và mấy anh em tôi ngồi vào bàn ăn. Mãi cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in là mình đã reo lên thật thích thú khi trên tay là một bát cơm trắng phau còn bốc khói nghi ngút. Tại sao hôm nay nhà mình ăn toàn cơm trắng, sao không ăn cơm độn sắn và mì hột? Vì hôm nay là ngày Tết con à. Tết là gì hở mẹ? Vì sao Tết lại được ăn cơm trắng? Tôi ngây thơ hỏi mà không hề biết mắt mẹ tôi đã đỏ hoe từ lúc nào, mẹ quầy quả bước ra ngoài sân để kịp giấu đi những giọt nước mắt chực trào ra...
Tết 1982, anh trai cả của tôi đi bộ đội xa nhà, ở biên giới phía Bắc. Mẹ chạy vạy khắp nơi mới mua được một ít đường đen và củ gừng. Cả đêm hôm đó, mấy chị em tôi quấn quýt bên mẹ, bên bếp lửa hồng ấm áp, hít hà ngửi mùi thơm nức từ chảo mứt đang sôi. Mứt chín, mẹ chia cho chúng tôi mỗi đứa một nắm mứt vụn ít ỏi.
Anh các con phải ăn tết xa nhà, đang ở Miền Bắc một mình, ở ngoài đó lạnh lắm, không ấm áp như Miền Trung quê mình nên các con phải nhường mứt ngon cho anh. Ngày mai có bạn cùng đơn vị của anh lên Hồ Xá, mẹ sẽ gửi mứt ra Bắc cho anh. Mẹ giải thích cho chúng tôi với ánh mắt đượm buồn.
Những cái Tết thời thơ ấu của tôi đều gắn liền với Thị trấn Hồ Xá - một thị trấn nhỏ bé yên bình đã lưu giữ biết bao ký ức ấm áp, nồng nàn. Đôi lúc trong mơ tôi thấy mình đi về trên con đường trung tâm của phố huyện. Một con đường đất đỏ khá rộng rãi, ở chính giữa có hàng dương liễu xanh um. Hai bên phố là những dãy nhà cấp bốn mái ngói u trầm, quét vôi màu xanh dương hoặc vàng nhạt. Đẹp và lộng lẫy nhất vẫn là Rạp chiếu bóng và Toà nhà Bách hoá tổng hợp. Mỗi khi Tết đến, Rạp chiếu bóng lại thay tấm Panô cũ kỹ bằng một tấm Panô mới thật rực rỡ, giới thiệu về bộ phim được chiếu vào dịp Tết, bên trên là câu khẩu hiệu Mừng Đảng - Mừng Xuân, xung quanh là cờ hoa và những chùm điện màu lấp lánh. Toà nhà Bách hoá tổng hợp thì đông đúc hơn hẳn ngày thường. Các quầy hàng không còn lèo tèo, trống rỗng mà đầy ắp hàng hoá. Tôi cùng chị gái và mẹ líu ríu đi xếp hàng từ sáng sớm. Vất vả đợi chờ mãi mới cầm được trên tay gói mứt tết, chai rượu chanh sóng sánh màu xanh lá cây, bao thuốc lá Điện Biên, gói đậu xanh, gói đường cát đen cùng những thứ hàng hoá lặt vặt... Những món hàng Tết ngày xưa thật đơn sơ nghèo nàn nhưng đối với chúng tôi lúc đó, đây quả thật là một "gia tài" chứa đựng biết bao niềm vui và cả sự háo hức.
Tết đối với trẻ con là manh áo mới vì vậy tôi cứ nhớ hoài về những lần được bố mẹ dẫn đến nhà bác thợ may cùng khóm phố. Náo nức khi cầm trên tay xấp vải mới, loay quay khi bác thợ may hiền hậu đo đo, viết viết và chờ đợi mãi để đến ngày được ướm bộ quần áo mới vào người rồi hớn hở chạy ra đường, chỉ mong chờ một ai đó nhận ra, khen một tiếng thì hân hoan, náo nức mãi đến tận mấy ngày sau. Cũng có năm kinh tế quá khó khăn, bố phải ngậm ngùi tháo chiếc võng kaki Tô Châu mới (món quà kỷ niệm của người bạn thân đã hy sinh ở chiến trường) để làm vải may cho chúng tôi chiếc quần mới mặc Tết. Bây giờ mỗi lúc Tết về, đi qua những Shop thời trang, những siêu thị chất ngất hàng hoá với vô vàn chất liệu, kiểu dáng, tôi lại ngậm ngùi nhớ chiếc quần kaki ngày xưa và thương bố đến quặn lòng.
Những cái Tết thời thơ ấu của tôi tuy thiếu thốn, chật vật; có năm còn không có cả bánh chưng và mứt tết nhưng sao cứ tràn ngập niềm vui. Những ngày giáp Tết, cả nhà tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đi Bách hoá mua hàng tết, đi sửa mộ cho ông bà bận rộn, tíu tít nhưng gương mặt ai cũng phơi phới, hồ hởi. Nhưng thú vị nhất vẫn là khi các bóng đèn điện trong nhà, ngoài sân bừng sáng. Không ai bảo ai, tất cả bọn trẻ con chúng tôi đều nhảy cẩng lên, vỗ tay reo hò sung sướng. Ngày ấy, tiếng là thị trấn nhưng quanh năm mọi nhà phải thắp đèn dầu; điện chỉ dành cho cơ quan Nhà nước, chỉ khi Tết đến, mới được ưu tiên dùng điện trong năm ngày. Dưới ánh điện rực rỡ, ngôi nhà quanh năm leo lét dưới bóng đèn dầu trở nên lung linh, rực rỡ lạ thường và dường như cũng nhờ vậy mà Tết đối với chúng tôi trở nên đặc biệt hơn ngày thường rất nhiều.
Rồi phút giao thừa thiêng liêng cũng đã tới với tiếng pháo nổ đì đùng khắp ngõ xóm. Trên bầu trời, những chùm pháo sáng toả luồng ánh sáng lung linh, huyền diệu. Trong nhà mùi hương trầm thơm ngào ngạt. Chương trình Tiếng thơ với những giọng ngâm ngọt ngào sâu lắng khiến tâm hồn trẻ thơ chúng tôi cũng trở nên xốn xang và dạt dào xúc cảm.
Tôi có một thú vui trong đêm giao thừa là lắng nghe những bài hát Xuân trên radio. Những lời hát qua bấy nhiêu năm đằng đẵng vẫn khiến tôi nhớ mãi và khắc sâu trong lòng. Đó là giọng hát thánh thót, thiết tha của ca sỹ Thu Phương mà mỗi khi nghe lại thấy tim mình đập rộn ràng hơn vì bài hát như là một cánh én, như một tín hiệu báo xuân về: Em ơi mùa Xuân đến rồi đó. Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời. Trong không gian bao la, bao lời ca yêu thương đến với muôn đời, đến với muôn người. Xuân ước hẹn ngàn năm lại tới. Nghe lòng vui phơi phới, kìa em nắng đã lên rồi, mừng xuân hát lên thôi... Em ơi muà xuân đến rồi đó, giang rộng vòng tay đón cuộc đời. Đó là giọng hát nồng nàn của Bảo Yến: Em ơi em, mùa xuân đã về trên cành lá, tiếng chim nghe ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm. Mùi hương nào rất quen nghe như từng hơi ấm. Nghe như từ sâu thẳm, đất cuộn mình sinh sôi. Đó còn là những nhịp điệu rộn ràng: Muà xuân vui lại tới. Cho cuộc sống nhịp điệu mới hương đời mới. Bàn tay anh thợ trẻ như đã thấy quay vòng máy thêm bao lần. Niềm vui dâng lên ngập lối. Như hơi thở mới của mùa Xuân... Hay là một nốt trầm xao xuyến về những tháng năm đất nước, quê hương còn bộn bề khó khăn nhưng vẫn tràn đầy lạc quan tin tưởng vào một mùa xuân tương lai ngập tràn hạnh phúc: Đất nước bốn ngàn năm. Vất vả và gian lao. Đất nước như vì sao vững vàng phía trước...Ta làm con chim hót. Ta làm một nhành hoa. Một nốt trầm xao xuyến. Dâng hiến cho hoà ca...
Nhắc đến những niềm vui ngày Tết thì không thể không nhắc đến những trò chơi tết. Trò chơi ngày Tết thì nhiều, nhiều lắm: múa lân, chạy cù, nhảy bao bố, kéo co... nhưng tôi vẫn thích nhất trò ném vòng vào cổ vịt. Người chơi tuỳ theo số tiền bỏ ra để được sở hữu bao nhiêu chiếc vòng; phải tập trung thật cao độ và có sự khéo léo đặc biệt mới có thể ném chiếc vòng vào đúng cổ chú vịt đang nháo nhác chạy quanh trong một chiếc lồng lớn. Phần thưởng chính là chú vịt béo nẫy và những tràng pháo tay nổ ran cùng những nụ cười sảng khoái làm ấm cả ngày xuân. Một trò chơi khác cũng thú vị không kém là bài chòi. Người ta dựng lên trên bãi đất trống những chiếc chòi nhỏ. Người chơi ngồi trên chòi và chờ đợi tên con bài của mình được xướng lên. Khi một ai đó chiến thắng, tiếng trống được thúc lên giòn giã cùng tiếng reo hò sung sướng của người chơi cũng như những người xung quanh làm không khí trở nên náo nức vui tươi. Ngày ấy tôi còn quá bé nên chẳng thể nào hiểu hết được luật chơi bài chòi như thế nào, nhưng chỉ cần được ngồi với người lớn trên những chiếc chòi chênh vênh, nhìn mọi người vui vẻ cũng đã thấy thích lắm rồi.
Bây giờ Tết đến, người lớn chủ yếu đi chúc nhau từ nhà này sang nhà khác, ngay ngáy vì lo bị say xỉn. Trẻ con thì chơi điện tử, túm tụm với trò cua bầu - thực ra cũng chỉ là một hình thức đánh bạc trá hình... Người ta than Tết buồn, Tết nhạt. Có người bảo Tết đến chỉ thêm mệt mỏi vì phải lo mua sắm, đi Tết sếp, Tết nội ngoại. Có người lại thở than tiếc nuối: Sao Tết ngày xưa lại vui thế, nghèo mà vui.
Thôi thì mỗi người mỗi ý, không thể xác định ai đúng ai sai. Chỉ biết là năm tháng thấm thoắt thoi đưa và một mùa Xuân, một cái Tết nữa đã về. Dẫu ai đó thờ ơ với Tết, than buồn than chán thì một điều rất dễ nhận thấy là Tết hôm nay đã khá đủ đầy. Người bình dân thì chiều ba mươi tết thịt treo trong nhà, bánh chưng, mứt tết đầy đủ. Kẻ sang giàu thì rượu ngoại, bia lon, bánh kẹo cao cấp, cây cảnh đắt tiền, hoa mai, hoa đào rực rỡ. Chưa phải sang giàu nhưng đất nước, quê hương đã thực sự trải qua những tháng năm giật gấu vá vai, đang vững bước tiến đến mục tiêu dân giàu nước mạnh. Phố phường thêm rộn ràng, tấp nập, làng quê bừng tươi sức sống mới, những cái Tết ngày một thêm khá giả, đủ đầy.
Trong ngày vui nhắc đến những chuyện xưa cũ, không phải là ôn nghèo kể khổ mà âu là để thêm quý, thêm yêu những gì mà mình đang có, để càng tin tưởng hơn vào tương lai ngời sáng, để cùng lâng lâng khi ngắm những cánh én bay lượn trên bầu trời Xuân xanh trong và lòng mình xốn xang thầm hát: Ta đi bên nhau khi Xuân đang về tới. Hồn hậu cùng với đất trời. Hãy nâng ly lên chúc nhau thêm hạnh phúc. Cuộc đời mãi mãi sáng tươi!
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)