Thêm một chiều cuối năm! Mưa giăng bên ngoài hiên cửa, gió làm cong vút cả ngọn dâu da đầu ngõ. Phố nhỏ liêu xiêu! Tôi hé mắt qua khe cửa nhìn ngọn đèn đường nhờ nhờ sáng, chỉ đủ để chiếu cho những chuyến xe tất tả cuối ngày. Quán cà phê vắng khách, tiếng nhạc cũng run rẩy trong mưa. Ở quê, giờ này chắc mẹ tôi cũng bắt đầu đóng cửa. Lại thẫn thờ trước cây khế ngọt cuối góc vườn, nhìn những chiếc lá vừa rụng.
Ba tôi về cõi khác vào một chiều cuối đông giá buốt. Mẹ tôi như tàu lá rũ xuống cuối hiên nhà. Tóc bà bạc trắng sau một đêm. Ánh mắt mờ đục từ ngày ấy. Đôi bàn tay run run lật tìm kỷ niệm. Nhật ký từ những cánh rừng Lào xa xôi, điệu lăm vông lẻ loi, buồn bã, hương chăm pa theo dĩ vãng xa vời...Những dòng thư viết vội của ba gửi về từ Hà Nội, Huế nay đã nhuốm màu năm tháng...
Sau ngày đưa ba về bên ấy, chị em tôi mỗi đứa một công việc khác nhau nên mẹ tôi sống một mình. Căn nhà trở nên hoang vắng. Bà quen dần với cảnh vào ra cùng khói hương, quen dần với kiểu nói chuyện cùng người đã khuất. Chỉ những dịp lễ, Tết chúng tôi mới sum vầy bên mẹ. Những chiều cuối năm, bà ngồi chờ tiếng còi tàu vọng lại từ phía đằng xa.
Có những lần, vì trễ chuyến tàu chiều nên ba mẹ con tôi đành theo một chuyến tàu đêm, về đến nhà khi trời đã gần sáng. Mẹ run run mở cổng trong nhạt nhòa nước mắt. Dáng mẹ hao gầy làm xa xót cả lòng tôi. Cảm ơn đôi bàn tay chai sần của mẹ đã giúp chị em tôi viết những con chữ đầu tiên.
Cảm ơn những vết đồi mồi trên gương mặt khắc khổ cho chúng tôi nhớ bao tháng năm nhọc nhằn của mẹ để nuôi con lớn khôn.Cảm ơn đôi vai gầy đã lặng lẽ ngang qua hàng hiên mưa giăng muộn màng để viết nên những điều chân thật, bình dị trên trang sách cuộc đời.
Trong tiếng còi tàu cuối năm, dường như mọi buồn vui cũng nhạt nhòa, tôi chỉ thấy lòng mình se sắt, rưng rưng với những đường kim của mẹ hằng đêm khâu áo cho kịp ngày mai tôi đến lớp. Có phải ngoài kia xuân đang ngập ngừng phía sau khe cửa nên một vùng hoài niệm xa xôi cứ thế quay về.
Chiều cuối năm, chênh chao một vùng ký ức! Nợ ân tình biết trả lúc nào xong! Chợ quê ngất ngây men rượu. Chợ quê nồng nàn vị ngọt cay của mứt gừng. Góc nhà lâm râm khói bếp. Cuối vườn hoa khế rụng tím trời. Ba mươi năm chia xa, phiên chợ cuối năm có còn những râm ran quen thuộc? Có còn những quả bóng đỏ xanh đong đưa những giấc mơ? Ông lão có mái tóc bạc phơ cùng khuôn mặt khắc khổ có còn ngồi bán bông vạn thọ? Những bà mẹ nghèo có còn tất tả với mớ rau, tấm bánh, lo cho con một bữa tất niên?
Ba mươi năm vụt qua như một cơn gió, mùa xuân quê nhà luôn ẩn hiện trong ký ức thẳm sâu của tôi. Bến sông xưa vẫn vậy-gập ghềnh theo con nước. Bóng dáng của những bước chân trên đường quê đang mỗi ngày níu giữ từng mái tường loang lổ rêu phong để cháu con ra với phố phường.
Chính cái chất phác, hồn hậu của họ đã làm cho những bước chân tha hương luôn cảm thấy bồn chồn khi ngoảnh lại. Mông lung chiều cuối năm buốt lạnh. Khoác thêm một tấm áo, tôi tha thẩn dọc về cuối phố, nơi có cây bằng lăng xù xì đang đứng lặng im. Đèn vàng trong mưa đang hiu hắt soi cho những bánh xe ngược gió, cô độc, nôn nao đến lạ lùng.
Có lẽ phía đầu gió là một bếp than nồng vừa được nhóm lên, chờ một tối sum vầy, không cho phép ai lỗi hẹn. Bỗng nhiên, tôi sợ nhìn thấy đôi mắt mòn mỏi của mẹ tôi mỗi chiều đông ngóng ra cửa chờ con. Tôi sợ nghe tiếng nhạc buồn vẳng lại từ quán vắng bên đường..
Nhủ lòng mình chậm lại trong tất tả chiều cuối năm để tĩnh tâm với bao điều còn mất, bao được thua có thật trên đời, để bao dung và nhẹ nhõm hơn, để nghe gió chiều thì thầm và se sẻ lau khô bao nỗi niềm lâu nay giấu kín. Tôi vu vơ nhìn theo làn sương nhòa nhạt tỏa cuối đường, chạnh lòng thương Tết của những người thân đã đi xa.
Gió chiều cuối năm lang thang. Tôi quay về trong mênh mang hoài niệm. Mai đây, trên mọi nẻo đường đời, trước mọi ngã rẽ, dù buồn vui thế nào thì ngọn gió se lòng những chiều cuối năm tha hương sẽ mãi là một chốn bình yên, neo đậu những yêu thương, dẫu có muộn màng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)