Người về bỗng nhớ

Diệu Ái |

Mỗi lần ngang qua thị xã, tôi đều ghé mắt trông về lớp học ngày xưa và ước ao giá mình trẻ dại để sống lại thời hoa niên rực rỡ.

 

Trường hồi đó mang tên Nguyễn Hoàng, tên vị chúa khai thiên lập địa mở cõi cho vùng đất phía Nam. Trường nằm bên chân Thành Cổ linh thiêng, dường như ý thức được niềm tự hào và biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống nên ai nấy đều ra sức giữ gìn truyền thống tốt đẹp của mảnh đất kiên trung này. Mỗi lứa học sinh trưởng thành đều mang trong mình ít nhiều niềm tự hào cố hữu, tự hào vì những thành tích, vì những yêu thương.

Kỷ niệm bốn mươi năm thành lập, bao thế hệ học sinh từ thuở đầu tiên đều trở về hội tụ. Phút giây hạnh ngộ tay bắt mặt mừng, có người không giấu được nước mắt khi gặp lại bạn bè thầy cô. Trên mái đầu tóc đã hoa râm, dăm ba dáng đứng đã còng, họ run rẩy ôm lấy nhau thổn thức nhắc lại hồi ức.

Thầy hiệu trưởng về hưu đã lâu, rưng rưng kể cho lớp trẻ nghe về những khốn khó của ngày xưa cũ. Từ trong lau lách um tùm, dây thép gai chằng chịt, vết tích chiến tranh hiện hữu bốn bề vậy mà bằng tranh tre vách đất vẫn nên trường nên lớp. Hồi đó, thầy cô giáo lên lớp chỉ với mẩu khoai sắn lót dạ, học sinh đến lớp đi bộ cả quãng đường dài thế mà lần lượt vượt qua kỳ thi này kỳ thi nọ, chinh phục trí thức đến tận trời Âu. Đất này xưa nay vẫn vậy, càng gian khó càng trui rèn bền bỉ.

Bao người thành đạt nay là bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, doanh nhân… quay về trường bằng sự hãnh diện tự tin. Có dì ngồi bán hàng ở chợ, ngại ngần bảo mình cũng là cựu học sinh nhưng giờ thế này, chẳng là ai nên ngại về thăm trường cũ bạn xưa. Dì không giấu được niềm xúc động khi con gái bây giờ cũng khoác lên mình đồng phục của trường thị xã. Người ta mặc cảm vì chỗ đứng khác nhau trong xã hội, vì số phận đẩy đưa người này kẻ kia, đâu phải ai cũng suôn sẻ trong bước đường đời, có người bước hụt, có người chênh vênh nên đời này lẳng lặng vậy thôi.

Ảnh: Thầy về – H5K
Ảnh: Nguyễn Duy Hùng.

Bác bảo vệ già bao năm vẫn vậy, đứa nào cũng nhớ bác nhưng bác thì nhớ sao nổi tụi mình. Trường mỗi năm cả ngàn đứa, bác bảo đứa nào ra đường chào bác, bác đều cười tươi, biết chắc tụi bây là học sinh cũ của trường.

Cô chủ nhiệm ngày ấy trẻ đẹp, nói giọng Bắc rất hay, bọn mình là lứa đầu tiên cô chủ nhiệm lúc ra trường. Với tất cả nhiệt huyết và niềm yêu nghề, những bài học làm người được cô truyền dạy say mê. Lại nhớ thầy chủ nhiệm năm cuối cấp vẫn hay tập bài hát về một “ước mơ xanh” vào buổi sinh hoạt cuối tuần, giá như tuổi trẻ mình vẫn xanh mãi như ước mơ ngày ấy.


Kỷ niệm lần lượt gọi về, nhớ những buổi liên hoan hay sinh nhật của đứa nào trong lớp, cả bọn lại rủ nhau ghé quán chè hẻm bên đường Lê Hồng Phong, mỗi chén chè ngày ấy chỉ năm trăm đồng. Và mùa mưa đi học về muộn lại đói cồn cào khi ngang qua quán bánh tiêu từ quán của ông chú nắn bột bằng một bàn tay còn lại. Sau này, có nêm nếm bao thức ăn vặt ngon lành bao nhiêu cũng chẳng bằng món ngon kỷ niệm cùng bạn cũ ngày nào.

Đôi bạn ngồi cạnh bên đã bắt đầu thương mến nhau qua những lần cãi vã, giận dỗi học trò. Những mối tình đẹp đẽ trong sáng nhưng rồi chẳng đi đến đâu, chỉ để lại trong mỗi người dư âm nuối tiếc. Ngó về lớp học ngày xưa, thấy bóng dáng người ta và mình hồi đó mà rấm rứt buồn vô vọng.

Chúng tôi đạp xe gần mười cây số đi học mỗi ngày, cực nhất là mùa gió còng lưng đạp thi gan với gió, mùa mưa lầy lội có khi tới lớp thì ướt từ đầu đến chân. Con đường đi học đã qua không biết mấy cánh đồng, qua những mùa bắp trổ cờ, mùa lúa lên đòng, chín thơm ngào ngạt. Chúng tôi đã lớn lên, đi qua thời áo trắng nhiều mộng tưởng bằng niềm tự hào quê hương xứ sở, bằng những nhọc nhằn và chịu khó của mẹ cha.

Trong ngày sum họp, lại nhớ những người giờ đã thành cố nhân và kỷ niệm, đã đi xa lắm nơi mình trở lại. Buồn thay, nhớ lắm người đã đi xa mãi mãi bởi quy luật nhân sinh nghiệt ngã của cuộc đời. Một vài thầy cô cũ không còn ở đây, bạn cũ cũng đâu còn. Ai đó rớm nước mắt khi nhớ về vài ba lầm lỗi của ngày xưa.

Sân trường sôi nổi cổ vũ em Văn Viết Đức thi chung kết Olympia – Ảnh : H5K
Sân trường sôi nổi cổ vũ em Văn Viết Đức thi chung kết Olympia – Ảnh: Nguyễn Duy Hùng.

Học trò thế hệ trước giờ có con cháu mình theo học tại trường luôn nhắc nhở truyền thống và niềm tự hào trường cũ trong tim. Niềm tự hào càng nức nở hơn bởi vừa mới hôm qua, cả trường vỡ òa trong hạnh phúc khi một bạn học sinh xuất sắc đăng quang cuộc thi kiến thức của học trò. Đấy là một kỷ niệm chẳng thể nào phai với những ai đã hò hét vui cười hãnh diện trong ngày hôm ấy.

Muốn tìm lại gốc cây hay chỗ hòn non bộ, nơi hồi đó cả bọn xúm nhau ký tên mình, sau rồi bước vào đời bằng tất thảy niềm tự tin và ước mơ cháy bỏng. Ngày xưa đã luôn đong đầy yêu thương khát vọng, cho nên bây giờ và mai mốt về sau, vẫn luyến lưu thật nhiều cho thời áo trắng.

TAGS

Mà thương mà... gió

Phạm Xuân Hùng |

Hình ảnh thơ chuyển tải những thông điệp mỹ học quan trọng nhất trong thi ca cổ điển là hệ thống các biểu tượng “phong, hoa, tuyết, nguyệt…”. Cũng lạ là trong hệ thống biểu tượng ấy, đứng đầu và cũng hình như duy nhất nhà thơ không nhìn thấy đó chính là gió. Nghĩa là thi sĩ chỉ “ru với gió” bằng tất cả các giác quan, bằng trái tim, nhưng cầm nắm, nhìn thấy được như hoa cỏ, vầng trăng, con nước thì không. Vậy mà, cũng thật lạ, là gió tác động mãnh liệt vào cảm xúc thi nhân. Bên cạnh ngọn “gió mùa thu mẹ ru con ngủ…” xao xuyến tấc lòng là những ngọn gió xuân tươi sắc, gió hè mát rượi, gió đông rét ngặt rét nghèo…tất cả đều hiện diện trong thi ca. Tôi nghĩ, có lẽ, trong muôn loài và hiện tượng thì gió về bản chất gần với thi sĩ hơn cả, vì sự phóng túng và cả những vô thường của gió.

Như lòng bông hoa xanh thắm

Đông Hà |

Những ngày nhân loại đang tự đứng im trong cõi sống, mình cũng ráng gìn giữ cuộc đời bé nhỏ theo cách riêng của mình. Buổi sáng, mình dậy sớm, học thêm cái gì đó, đọc vài trang sách. Mỗi ngày đều như vậy. Sau đó sẽ mở máy cho những lớp học online, rồi làm những thứ linh tinh trong nhà. Những ngày cuối tuần thì dành cho khu vườn nhỏ.

Những điều cần biết khi trẻ bị say nắng

PV |

Thời gian gần đây, do nhiệt độ tăng cao gây nắng nóng liên tục, độ ẩm thấp kéo dài khiến nhiều trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị suy kiệt sức khỏe vì nóng, thậm chí say nắng.

Vài ba rung động

Diệu Ái |

Đôi khi nghĩ mình đã đánh mất cảm giác rung động trước những biến chuyển của cuộc đời, tình người, ngó xung quanh toàn một màu giả tạo, đầy những sắp xếp, phân công. Nên giữa những ngày bắt buộc sống chậm, đột nhiên ngó lại thấy những tủn mủn mình từng bỏ qua lại ý nghĩa khôn cùng.