Vài ba rung động

Diệu Ái |

Đôi khi nghĩ mình đã đánh mất cảm giác rung động trước những biến chuyển của cuộc đời, tình người, ngó xung quanh toàn một màu giả tạo, đầy những sắp xếp, phân công. Nên giữa những ngày bắt buộc sống chậm, đột nhiên ngó lại thấy những tủn mủn mình từng bỏ qua lại ý nghĩa khôn cùng.

Bình hoa bên hông nhà
Bình hoa bên hông nhà

Mỗi sáng dậy sớm đi bộ, lớ ngớ khi mở mắt ra đã va vấp hơi sương còn đọng lại. Mùi hoa sứ rớt rơi bên thềm nhà yên tĩnh. Bông sử quân tử lùm xùm, tỏa hương nhè nhẹ. Tiếng loa phát thanh nhắc nhở hàng ngày về đại dịch, tiếng cụ già đằng hắng ho hen, bước chân người đi bộ giãn cách thành hàng, thẳng tắp. Từng thanh âm nhỏ chẳng đủ làm xao động một sớm đầu ngày nhưng dư dả để thắp lên niềm yêu mến về ngày mới trong veo.

Khẽ khàng tiếng nước động dưới mạn đò trong buổi tinh mơ khi hai vợ chồng nhà kia thả chèo để kéo lưới. Mình để ý thấy sáng nào cũng vậy, chồng vợ lặng lẽ gỡ lưới rồi dìu nhau đem tôm cá lên chợ bán. Chị bảo mấy chục năm đều đặn y chang, tụi chị cần mẫn trên khúc sông này nuôi mấy đứa con ăn học. Sự cùng nhau chẳng náo động đó của bất cứ mối tình nào cũng khiến mình cảm giác bé mọn, ngút ngàn thử thách trước năm dài tháng rộng với người thương cạnh bên. Đâu ai dám chắc tụi mình không nhàm chán và tẻ nhạt bởi những lặp lại của nhau mỗi ngày.

 
Ảnh: Nông Văn Dân 

 Nhớ một trưa nhiều nắng, ghé nhà người bạn đúng mùa đào (mận) ra trái. Mình khấp khởi vui bởi gặp lại gốc đào xù xì to bự, cạnh cái giếng tróc vách cũ mèm nhưng nước ở dưới vẫn xanh trong. Thấy nhớ quá một khoảng trời tuổi thơ diệu vợi đã đi qua lâu lắm rồi. Lao xao hôm đó là tiếng chuyện trò của anh bạn gần bốn mươi chưa vợ, nhiệt tình leo lên cây để hái trái. Nghe người mẹ già lại thở dài than ngắn, bây có mối mô giới thiệu giùm, chừ còn chưa chịu ưa ai. Thời buổi này, nhát gái và chất phác quá đỗi như anh đúng là của hiếm, kiếm người phù hợp với mong muốn của anh lại càng khó hơn. Thôi thì ủi an duyên tình đến muộn, biết đâu mai mốt, anh sẽ gặp một người nào đó khác biệt với hình dung. Sự khác biệt ấy khiến anh rung động để bất chấp những ý niệm thông thường bấy lâu.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Ngồi bệt giữa nền xi măng cũ, nơi mái nhà cất lên bằng số tuổi anh con trai út, dì bảo chồng mất đã lâu, ráng ở vậy nuôi con và giữ nếp nhà. Ngó trần nhà vài chỗ dột, tường sơn tróc vảy, đôi chỗ xiêu vẹo chẳng biết lấp liếm vào đâu, dì bảo phá đi xây lại thì tiếc mớ kỷ niệm chất chồng trong đó. Suy cho cùng là tiếc nuối ký ức về người chồng người cha từng bưng viên gạch, tha vài món đồ nhỏ để làm nên tổ ấm bấy giờ. Mà để yên vậy, có khi đám con gái chần chừ, ngại ngần nghĩ cảnh làm dâu làm vợ. Trằn trọc của người mẹ quê không phải vô căn cứ, nhưng ở đời đâu phải ai cũng giống nhau.

Anh bạn kể lần đầu đưa chị về nhà, tường nhà cũ khi đó tưởng chừng như sắp đổ. Lòng chị chỉ thắc mắc anh em anh đều trưởng thành nhưng chưa sửa sang nhà cửa tươm tất, hẳn có lý do nào đó. Chỉ thắc mắc trong lòng chứ chưa bao giờ chị buột miệng hỏi anh và cũng chưa từng phân vân bởi sự thiếu thốn, bất tiện nào. Điều đó khiến anh càng tôn trọng chị. Lý do cũng bởi bồi hồi kỷ niệm, quyến luyến ký ức chẳng thể bưng bê cơi nới khi ngôi nhà quá cũ, chỉ còn cách phá đi xây mới. Hiện diện trong ngôi nhà là hình ảnh của người quá vãng từng đi đứng góc này, từng nói cười góc kia nên việc dẹp bỏ tất cả dường như tàn nhẫn với người quá cố.

Thật ra, chẳng mấy ai dễ dàng dẹp bỏ tất thảy đồ đạc dung chứa hoài niệm. Cứ nghĩ người ta bước qua cuộc đời là hết, cái giữ lại là chút ký ức, kỷ niệm gắn bó này thôi. Có chăng còn trong hình dung, qua vài ba tấm ảnh, dăm câu chuyện cũ. Nhưng mình nghĩ, lãng quên chỉ tồn tại khi người thôi day dứt và chẳng để chút tâm can nào. Chỉ cần trong tim mình có họ, thương nhớ còn khôn nguôi.

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Một buổi chiều đẹp đẽ, đường phố vắng tanh, ngang qua quán cà phê vốn đông đúc không thấy đám đàn ông tụ tập. Những quán nhậu đóng cửa, tiếng người say ê a, bia bọt nồng nàn, hơi thuốc đậm nay bớt đi. Bật cười trước vài câu khẩu hiệu bằng chữ viết tay màu mè hài hước nhưng đầy khí thế của ngã tư chuyên bán quà vặt, “quyết thắng dịch, chỉ bán mang về”, rồi là “vì cô vi chỉ bán mang đi”… Thấy người ta dù thở than bán buôn khó khăn nhưng niềm lạc quan và tin tưởng chưa bao giờ tắt lụi.

Chưa thể kể hết những rung động bất chợt mà cuộc đời đó đây mang lại cho vài tâm hồn tưởng chừng đang héo hon. Một ngày lắm khi kết thúc bằng bản nhạc không lời hay tiếng người thương vừa huýt sáo vừa tưới đám lan đang bung nở. Chừng đó thôi nhưng nghe trong hơi thở cũng dậy mùi hạnh phúc.

TAGS

Bị ung thư vì làm việc quá nhiều, ăn mì tôm thay cơm

Thanh Mai |

Thói quen làm việc điên cuồng, ăn uống thất thường trong thời gian dài là nguyên nhân khiến cô gái này gặp vấn đề về sức khỏe.

Hồi ức mạ của nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Nguyễn Quang Vinh |

Hồi mạ tôi cưới ba tôi, đúng ngày đám cưới thì chị gái mạ tôi mất.

Nguyễn Hữu Quý với "Chín cơn mưa và Mẹ "

Ngô Đức Hành |

Đây là tên trường ca mới nhất của anh, xuất bản quý 1/2020. Tên trường ca đã nói đến văn hoá tâm linh của người Việt. Với đàn ông là “3 hồn 7 vía”, với đàn bà là “3 hồn 9 vía” và nó còn có ý nghĩa theo “cửu khiếu” trong văn hoá tín ngưỡng.

Đông Hà trong bước đi thời gian

Nguyễn Bội Nhiên |

Bao giờ cũng thế, niềm thương nhớ những cánh đồng, những con đường và những dòng sông ở quê nhà trong những tháng ngày bình dị của Xuân, Hạ, Thu, Đông thường thôi thúc tôi trở về để lại được đi trên những cánh đồng, những con đường và dòng sông ấy.