Đông Hà trong bước đi thời gian

Nguyễn Bội Nhiên |

Bao giờ cũng thế, niềm thương nhớ những cánh đồng, những con đường và những dòng sông ở quê nhà trong những tháng ngày bình dị của Xuân, Hạ, Thu, Đông thường thôi thúc tôi trở về để lại được đi trên những cánh đồng, những con đường và dòng sông ấy.

Một góc thành phố Đông Hà. Ảnh: Internet
Một góc thành phố Đông Hà. Ảnh: Internet

Và, trong những bước chân xao xuyến dưới khung trời của tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Mười, tháng Chạp... tôi hiểu ra mỗi thân lúa, làn bụi mỏng, giọt nước mình vừa gặp lại đã và đang bồi đắp từng ngày cho cuộc sống trên mảnh đất trăm mến ngàn yêu của tôi bình yên và rộn ràng hơn. Vào một khoảnh khắc âm thầm nào đó giữa lòng thị xã nhỏ bé muôn đời quấn quýt với dòng Hiếu giang, tôi vui mừng nhận ra, niềm tâm cảm đó cũng chính là sự hóa thân của Đông Hà trong bước đi thời gian.

Lúc này là một buổi sớm mai xanh ngắt trời xanh, màu xanh vốn chỉ có sau giờ phút những đám mây đã được ánh mặt trời lọc đến trong ngần. Nó làm tôi nhớ những cơn gió đến từ các ngọn đồi xao xác ở phía tây- nam thị xã trước đây thường mang theo mùi hương khó phân biệt của những loài hoa dại thổi vào cuộc sống có lắm gian nan, nhọc nhằn của hàng ngàn con người trên mảnh đất đã bị chiến tranh hủy diệt đến 200%.

Trong chiếc ly hồi ức về Đông Hà của tôi và những con người mà số phận đã gắn liền với mỗi bước đi của thị xã có một Đông Hà còn vương mùi khói súng, đạn bom trên mặt đất, trong gàu nước, búi cỏ và phiên chợ nghèo bán mua đinh rỉ lấy từ bom mìn sót lại, những chiếc giỏ kết từ dây điện và rau má nhổ trên những triền đồi, bến sông, bờ ruộng.

Đứng cạnh Huy ở bờ bên này sông Hiếu, nhìn người xe qua lại trên quốc lộ 1A, tự trong tình cảm chiêm ngưỡng của tôi vang lên một nỗi vui có thể làm xao xuyến da thịt. Cái vui ấy thấm dần vào lòng tôi qua mỗi lúc Huy dẫn tôi vào trong mỗi bước đi thời gian của Đông Hà với một sức lôi cuốn kỳ lạ của ký ức đầy đặn, sự hiểu biết sáng tỏ và giọng nói đầm ấm. Hai mươi năm trước, bài thơ đầu tiên Huy dành tặng tôi có những câu: Nắng và bụi. Gió Lào và xe cộ. Anh biết Đông Hà qua lời kể mà thôi. Nghe nơi đó có ngôi nhà em ở. Muốn về thăm mãi chẳng thấy em mời. Cũng trong chừng ấy thời gian, Huy thuộc lòng lịch sử của mảnh đất từng là căn cứ quân sự nằm ở đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang chiến lược đường 9 của Mỹ và chế độ Sài Gòn đã neo trong tác phẩm của nhà văn tài hoa Nguyễn Tuân hình ảnh một Đông Hà sau ngày giải phóng hai mươi tám tháng Tư năm bảy mươi hai chỉ còn trơ những đống gạch ngói, ngổn ngang sắt tôn dúm dó, vỏ đạn pháo, hộp đạn súng máy, thùng đựng xăng, thùng đựng đạn, dây thép gai, sắt lót đường băng sân bay, chiếc dép trẻ em, manh chiếu rách giữa cơ man bom bi, mìn định hướng, đạn súng cối đang chờ nổ và không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, đường phố lỗ chỗ vết bom, vết đạn pháo lớn.

Huy nhắc tôi nhớ, con người suốt đời đam mê xê dịch ấy trong lần “Về thăm đất lửa Quảng Trị” đã từng nghe cán bộ mình bàn cách kiến thiết lại thị xã Đông Hà trong nỗi trăn trở làm sao cho Đông Hà trở nên một thành phố sầm uất chỗ cực bắc của miền nam Việt Nam.

Đông Hà hôm nay (Nguồn: Internet)
Đông Hà hôm nay (Nguồn: Internet)

Ngôi làng cổ Điếu Ngao bên sông Hiếu xanh như trong tranh thủy mặc. Xóm làng trù phú bao bọc ngôi đình ba gian quay mặt về hướng Bắc thờ thần linh và những người có công với làng, với Nước bao đời nay làm sáng tỏ câu đối trên bức hoành phi, Thổ vũ nâng đỡ nhân vật khang minh, người hiền thực/ giang sơn ủng hộ, thanh danh phẩm giá, đài Điếu cao. Hợp với tinh thần khang minh ấy là khí thế tiến công và chiến thắng quân giặc của trận Bạch Đằng trên sông Hiếu, từ cảng Đông Hà con người về Cửa Việt để ra Biển Đông rộng lớn.

Bên những sải bước của quá trình hình thành và xây dựng một đô thị trung tâm trên đất này có chị Bường, chị Lan, chị Khánh, anh Cường trồng hoa ở ngôi làng thơm An Lạc, có Khu công nghiệp Nam Đông Hà sản xuất ván, gỗ, ván ghép thanh. Trở thành công dân của Đông Hà, Huy yêu thích hình ảnh thị xã tỉnh lỵ trên đường phát triển soi bóng dòng nước Hiếu giang xanh và đầy. Huy vẫn thường khoe với bạn gần bạn xa về thực tế chợ Đông Hà nay đã là trung tâm thương mại lớn tràn ngập hàng hóa, là nơi khách thập phương rộn ràng mua sắm quần áo, giày dép, hàng điện tử... nhập từ các nước bạn Lào, Thái Lan. Qua sự phân tích của Huy, những người bạn ấy biết Đông Hà được ví là Ngã ba Đông Dương với vị trí địa lý nằm trên tuyến giao thông xuyên Việt và tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC) nên có nhiều thuận lợi trong việc giao lưu và phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng, Huy nhấn mạnh, thuận lợi nhất bao giờ cũng là sự cần cù, chịu khó và tính sáng tạo của người Đông Hà. Nhân tố tốt đẹp ấy là nền tảng của một Đông Hà khác lạ qua từng ngày mà người ta quen gọi là thay da đổi thịt. Sự thay đổi ấy đủ sức mời gọi nhiều người ở các huyện, thị từ khắp nơi trong tỉnh như Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa và một số tỉnh, thành lân cận như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Huế chọn nơi đây sinh sống và làm ăn. 

Trời xuân đẹp mát trong ngày công viên và tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn giữa lòng Đông Hà rợp bóng cờ hoa. Nhiều người xa Đông Hà trở về cứ mãi tấm tắc vui mừng bởi Đông Hà không còn cái nắng hỏa thiêu nung nóng và đã xóa đi cái phố dọc hố răng bừa, lều gạch mái ngói tan hoang, chùa miếu tung tóe do chiến tranh để lại như nhà văn Nguyễn Tuân kể trong một bút ký ông viết mấy chục năm trước. Cũng trong tác phẩm ấy, sự khẳng định sông Hiếu thiếu chi nước thuyền ngược đò xuôi ra Cửa Việt vẫn là một trong những nét đẹp sinh động của Đông Hà.

Con người bên bến cảng Đông Hà đã biến chính cái quân cảng lớn ở chiến trường Trị-Thiên và là nơi tập kết, giao nhận vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm từ hậu phương lớn miền Bắc giữa tuyến vận tải theo đường Hồ Chí Minh trên biển với tuyến vận tải bộ bằng cơ giới theo đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam thành một cảng sông quan trọng trong hành trình cùng cả nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Với vẻ đẹp ấy, Đông Hà trong mỗi bước đi thời gian của mình đã làm Huy mong muốn anh phải về cho bằng được mới thôi.

TAGS

Gánh mì sáng

Lê Như Tâm |

Xóm Đồng gần kênh thuỷ lợi, lại nằm giữa thành phố và nông thôn, phía trên là phố thị điện đường sáng trưng, nhưng phía trước mặt là con đường đỏ, mùa nắng bụi đỏ bay mù, trời mưa đặc quánh một màu lầy lội, đêm nhìn cánh đồng trải rộng chạy dài về phía sông tối mịt.

“Thức” đến “Bóng lặng cuối thềm ngày”

Minh Hà |

Lệ thường, người ta dứt tình với thơ rồi tìm đến viết văn. Hoặc giả có người ôm đồm thế! Cả làm thơ và viết văn. Số này thành công ít. Nhưng đem chữ “thành công” mà lượng hóa trên văn đàn thì thật khó khăn.

Con đường hạnh phúc

Minh Hà |

Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở miền tây Quảng Trị thường có câu “có chỉ thành lối, đi thành đường...” để nói lên sức mạnh của khối óc và bàn chân đi bạt Trường Sơn biến lau lách, cây cối thành những con đường mòn. Với người dân La Heng, một thời con đường của họ nằm trên con suối, vết dấu của họ nằm trên những con nước của dòng suối La Heng.

Gặp Bùi Viết Anh qua những trang thơ

Hoàng Hải Lâm |

Tôi không mê đọc thơ. Nhưng khi bắt gặp những dòng thơ của Bùi Viết Anh tôi mới “chững” lại. Cảm giác này rất thú vị. Bỏ qua những công việc của đời thường, tôi chỉ muốn nói duy nhất về Bùi Viết Anh với thơ và thơ.