Hồi ức mạ của nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Nguyễn Quang Vinh |

Hồi mạ tôi cưới ba tôi, đúng ngày đám cưới thì chị gái mạ tôi mất.

Cả nhà không có tiền. Nghèo lắm. Chỉ đủ tiền mua cái chiếu mới quấn chị gái của mạ tôi lại đem chôn. Chôn xong về, mạ tôi chạy vô bếp. Ba tôi vô theo. Mạ khóc. Mạ nằm xoài ra trên đất, hai tay ôm lấy cái ụ bếp khóc, rồi kêu: Chị ơi. Ba tôi im lặng rồi nói: Anh sẽ đi làm cách mạng. Cách mạng giải phóng người nghèo. Mạ tôi nói, anh đi cách mạng thì mần răng có con? Ba tôi cười. Suốt đời mạ, ít khi ở cùng ba được vài ngày.

Ba đi hoạt động bí mật, bí mật về thăm mạ. Mỗi đêm về mạ lại mang thai. Mạ sinh được 8 đứa con, 6 trai 2 gái. Tôi út. Hồi sinh tôi, mạ đã 46 tuổi. Mạ ngượng không đi chợ. Rồi sinh tôi ra được vài tuần thì ba tôi về thăm. Đêm đó, ba mạ nằm cùng tôi trên chõng tre. Sau này mạ tôi kể, ba ôm mạ thế nào đó mà ẩn tôi rơi xuống đất, rơi đúng chậu than để ở bên ngoài, may chậu than đã tắt lửa. Tôi cựa quậy trong tro than một lúc rồi mới khóc thét. Mạ tôi hốt hoảng đẩy ba tôi ra, nhào xuống, tìm tôi, lôi tôi lên. Mạ nói, hèn chi da con đen từ lúc sinh ra đến chừ Vinh ạ, may "chim" con không can chi.

 
Ảnh minh hoạ.

Hồi tôi được 7 tuổi, một bữa chạy đi chơi về thấy mạ tôi đang khóc trong bếp. Tôi hỏi vì răng mạ khóc, Mạ nói, nghe tin ba tôi ốm đau sắp chết ở nơi sơ tán mà không đi thăm được. Rồi mạ nằm xoài người trên đất, hai tay ôm lấy ụ bếp, miệng kêu lên: anh Đạng ơi.

Anh Thắng tôi đi bộ đội, lại nhận tin anh hy sinh, mạ tôi ngã nhào xuống ôm lấy ụ bếp, kêu: Thắng ơi. Nhưng may mắn, anh Thắng chị bị thương nặng, sau giải phóng anh về, cõng mạ chạy một vòng, mạ cười to: Tổ cha mi thằng Thắng.

Anh Tường đi bộ đội ở chiến trường Đông Nam Bộ, lại nhận tin anh Tường mất tích trong một trận càn, mạ không đứng lên nổi, lại ôm lấy cái ụ bếp: Tường ơi. Sau này anh Tường từ chiến trường về thăm mạ, cho mạ cái khăn rằn phụ nữ Nam Bộ, mạ ngắm nghía rồi nói, khi mô con cưới vợ, mạ tặng vợ con.

Hồi tôi nhận lệnh nhập ngũ, tôi chạy về, nhìn thấy mạ đang nấu cơm. Mạ, con đi bộ đội. Răng con đi bộ đội? Thì người ta gọi con đi bộ đội mà. Mạ tôi im lặng, tay cứ khêu khêu lửa. Không nói gì hết.

Hôm tôi đi, tôi mang ba lô đi trên con đường đất nhỏ, mạ chạy dưới ruộng cày theo tôi. Tôi nói mạ ơi, lên đây đi với con. Mạ nói, kệ mạ, mạ đi dưới đất cày tiễn con được rồi. Tôi không biết răng. Đời mạ mình hy sinh cho con cái, đến ngày tiễn con đi, mạ cũng dành con đường phẳng phiu cho con mình, còn chân trần mạ chạy trên đất cày.

Mạ tôi không biết nước mình ai là chủ tịch, ai là thủ tướng. Chủ tịch huyện mạ cũng không biết. Mạ chỉ biết thằng Đuya to nhất (anh Đuya là chủ tịch thị trấn tôi đến 20 năm). Khi nói đến ông to, mạ nhắc đến thằng Đuya. Mạ cũng không biết tôi và anh Lập là nhà văn. Không biết anh Mỹ con trai đầu của mạ là giáo sư tiến sỹ. Ai hỏi mạ về con cái, ai khen mạ sinh con cái ra làm ăn thành đạt, nổi tiếng, mạ ngạc nhiên nhìn rồi mạ nhắc lại: mạ có 6 thằng con trai, 2 đứa con gái. Qua hai cuộc chiến tranh, 6 thằng con trai, 2 đứa con gái của mạ vẫn an toàn, lành lặn. Với mạ, điều đó quan trọng lắm. Nên nếu có khoe với hàng xóm về con mình mạ khoe: tui có 6 thằng con trai, 2 đứa con gái. Anh Lập hồi sinh viên về hè, đôi khi ôm mạ đọc thơ tình cho mạ nghe. Hỏi mạ hay không? Mạ nói mi đọc cái chi nghe êm êm buồn ngủ lắm. Anh Lập cười ha ha.

 

Mạ không biết chữ nhưng mạ hát ru hay lắm. "Cầm vàng mà lội qua sông. Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng"... Những câu hát kiểu đó hằn sâu vào tôi, không quên.

Về già, mạ lẫn nhiều, ăn rồi nói chưa ăn là chuyện thường.

Mạ nói, Vinh ơi, khi mô con đi Hà Nội mua cho mạ cái cối giã trầu... Cối ni mòn rồi. Tôi dạ. Rồi chuyến đi nào cũng quên. Mãi sau mấy tháng, tôi đi Hà Nội mới nhớ mua cho mạ cái cối xay trầu bằng đồng, cái chày đồng nghiền trầu ba chấu sắc, mạ xay trầu dễ hơn. Mạ cất cái cối khư khư trong túi áo, lúc nào cũng sợ mất.

Ngày làm được nhà, tôi xây cho mạ phòng riêng, đưa mạ về ở. Nhưng mạ không về. Mạ vẫn ở nhà cũ. Bỗng một hôm mạ xuống, Vinh ạ, tối ni mạ ngủ với con. Tôi ngạc nhiên. Dạ. Mạ ngủ với con. Tối. Hai mạ con nằm bên nhau. Hơn 30 năm tôi lại nằm bên mạ. Mỗi khi tôi cựa mình, mạ đưa tay vỗ vỗ vào mông tôi ê a hát. Hôm sau tôi đưa mạ lên nhà cũ. Buổi chiều chị Nghĩa tôi chạy xuống khóc: Vinh ơi, Vinh ơi, mạ mệt. Mạ không nói năng, nằm thoi thóp thở. Ai cũng chuẩn bị cho phút ra đi của mạ. Nhưng còn anh Mỹ anh Lập chưa về. Đến khi anh Mỹ anh Lập về, mạ khỏe lại. Thậm chí có thể dìu mạ ra sân. Một bức ảnh cuối cùng mạ chụp với 8 đứa con của mạ. Chụp ảnh xong, mạ ăn chút cháo, ngồi ở giường, cháu chắt ríu rít bên bà. 8 anh em thay nhau ngồi với mạ.

Hôm sau mạ đi.

 

....

Mạ ơi mạ ơi, tóc trên đầu con đã bạc trắng rồi

Sao vẫn bé thơ đòi mạ bế

Ôi nấm mộ con ngồi như ngồi trong lòng mạ

Con đường nào con qua cũng về với mạ thôi

Con đường nào con qua cũng nhớ mạ từng lời

Lúc khổ đau con níu lời ru của mạ ngày xưa mà đứng dậy

“Một vạn cũng bỏ, lấy xu đi đò”

Mạ dặn thế và con làm thế

Con đường nào con qua cũng về với mạ thôi

Mạ ở dưới cát sâu mạ có nhớ con không

Con nhớ mạ, con chạy về trên cát

Con nhớ mạ, con ngồi yên trên cát

Con nhớ mạ, con thắp hương trên cát

Mạ ở dưới cát sâu mạ có nhớ con không

Con đường nào con qua cũng về với mạ thôi

Mạ vẫn giữ cho con nơi nương tựa

Dù ở dưới cát sâu, con vẫn cần đến mạ

Một nén hương, bên mạ, ấm yên lòng

Một buổi chiều mưa và những cơn giông

Con nhớ mạ lấy cát ra ngồi ngắm

Nắm cát nhỏ lấy từ mộ mạ

Cát vẫn ướt, ướt như nước mắt

Nắm trong tay, nhớ mạ để ấm lòng

Dưới- cát- sâu- mạ- có- nhớ- con- không?

TAGS

Ngày của Mẹ 10/5: Mẹ ơi, con yêu Mẹ!

Chấn Hưng |

Tất cả những thứ lấp lánh không phải là vàng, nhưng đôi khi nó có ích. Dù ở gần hay xa, một tác phẩm nghệ thuật đơn giản, dù chỉ là tấm thiệp thôi cũng đủ, miễn là nó xuất phát từ trái tim của bạn.

Ba mẹ có nên dạy trẻ cách quản lý tiền ngay từ nhỏ?

Mộc Miên |

Dù ngân sách ban đầu của con chỉ là một ít tiền tiêu vặt, tiền mừng tuổi đầu năm mới, tiền người thân tặng cho con… bạn cũng phải hướng dẫn con cách quản lý đúng đắn, phù hợp và hiệu quả.

Anh cu Lốp của phố thị Đông Hà

Yên Mã Sơn |

Nghĩ về Lốp, không ít người xét lại cuộc đời bon chen, thực dụng, hậm hực, ganh ghét... có đổi lấy được nụ cười như Lốp?

Đông Hà trong bước đi thời gian

Nguyễn Bội Nhiên |

Bao giờ cũng thế, niềm thương nhớ những cánh đồng, những con đường và những dòng sông ở quê nhà trong những tháng ngày bình dị của Xuân, Hạ, Thu, Đông thường thôi thúc tôi trở về để lại được đi trên những cánh đồng, những con đường và dòng sông ấy.