Những gánh hàng rong

Lâm Anh |

Những ngày cuối thu với tiết trời se lạnh, giữa tấp nập của nhịp sống đô thị, ta lại nghe đâu đó tiếng văng vẳng gọi mời khách từ những gánh hàng rong. Người bán hàng rong với những gương mặt mệt nhoài vì gió lạnh, bụi đường nhưng vẫn thấy ở họ ấm áp nụ cười nơi vỉa hè, góc phố.

Tôi vẫn nhớ ngày còn nhỏ, khi mà những thứ quà vặt còn chưa được bày bán nhiều ở đường phố. Mỗi ngày đều ngồi trước cửa nhà chờ bác bán hàng rong đi qua, trên vai bác là gánh hàng với đủ thứ quà vặt, đó là chiếc bánh bao, vài thứ quả hay chỉ là vài chiếc dây buộc tóc. Đôi khi sự chờ đợi của tôi cũng chỉ là mùi hương cốm từ gánh hàng, tiếng chào mời khách của người bán và âm thanh phát ra từ chiếc loa mà họ mang theo.

Gánh hàng rong mang những thứ quà của tuổi thơ.
Gánh hàng rong mang những thứ quà của tuổi thơ.

Lúc đó còn hồn nhiên, tôi chưa thấu hiểu nét mệt mỏi trên khuôn mặt và làn da rám nắng đầy vết chân chim của họ. Sau này lớn rồi tôi mới hiểu bán hàng rong là một nghề mưu sinh vất vả và long đong. Cực khổ là vậy nhưng những người bán hàng rong vẫn gắn bó với công việc để trang trải cuộc sống của gia đình, đó là “miếng cơm, manh áo” nuôi những đứa con thơ đến trường, là cả gia tài của họ. Những “gánh hàng di động” được họ mang theo lang thang bán dạo mỗi ngày, ai gọi thì ghé, khi qua những nơi đông người như chợ, trường học thì họ dừng lại bán tạm, chờ đợi những lượt khách ghé qua.

Càng về những ngày đông giá, thời tiết trở lạnh làm họ càng mệt mỏi hơn, đôi quang gánh, chiếc xe thồ lại nặng thêm. Những người phụ nữ rời xa quê hương, xa gia đình để đến nơi đất khách quê người lập nghiệp với gánh hàng rong. Nhiều khi tủi thân nhớ quê nhà, nhớ gia đình nhưng cũng lấy đó làm động lực để họ cố gắng. Lau đi giọt mồ hôi trên má, họ lại tiếp tục lang thang với gánh hàng rong, chỉ mong cho cuộc sống sau này trở nên đủ đầy hơn.

Xã hội ngày càng hiện đại, những siêu thị, hàng quán phát triển nhiều hơn cũng là lúc những gánh hàng rong dần biến mất trên đường phố. Giữa cuộc sống đô thị hiện đại và hối hả thật khó để tìm thấy những gánh hàng rong trên góc phố. Thỉnh thoảng bắt gặp thấy đôi quang gánh xuất hiện lấp ló ở góc phố, cảm xúc tuổi thơ trong tôi lại ùa về, vội chạy theo để tìm lại hình ảnh và âm thanh quen thuộc của tuổi thơ.

(Nguồn: Báo Cao Bằng)

TAGS

Nước lũ rút rồi, mẹ ngồi khóc

Yên Mã Sơn |

Từ tầng 2 trường tiểu học nhìn về, mẹ quệt nước mắt và nói: “Mất hết rồi con ơi, rồi đây lấy cái gì mà đủ ngày 2 bữa?”. Tôi nhìn dòng nước trôi mà lòng chùng xuống. Nỗi đau này có gì lạ đối với dân miền Trung!     

Mùi hương

Yên Mã Sơn |

Đôi lúc đi trên phố bắt gặp một mùi hương quen quen. Cứ tiếp tục đi nhưng mình như trở thành một gã vô hồn vì cố lục lại trong trí nhớ cái mùi hương ấy mình đã gặp từ đâu...

Hương ký ức

Thái Hiền |

Anh lặng lẽ đặt lên “góc nhỏ” hũ nước hoa khô. “Góc nhỏ” là nơi tôi bày biện vài thứ đồ bé mọn làm vui. Đó là cách anh chọn chia sẻ cùng tôi. Trong im lặng. Giữa những ngày trong tâm có nhiều xáo động. Cầm lọ nước hoa khô nhỏ xíu trên tay, mùi hương tuy lạ mà quen, nồng ấm, dịu ngọt, tôi nhớ về những hương ký ức. Hương ký ức thoáng như gió, nhưng sao nhiều nhung nhớ. Tháng năm vội trôi. Chỉ còn lại hương ký ức nối dài những mùa cũ…

Đưa đón ngõ quê

Diệu Thông |

Ai bảo ngõ chỉ là con đường dẫn vào nhà? Với tụi nít quê chúng tôi hồi đó, ngõ chính là nhà. Bởi ngoài lúc đến trường, thời gian còn lại chúng tôi luôn tụm năm tụm bảy, cùng “đánh đu” ở ngõ chơi đủ trò cút bắt, ú tìm, bắn bi, nạp vụ,…