Đưa đón ngõ quê

Diệu Thông |

Ai bảo ngõ chỉ là con đường dẫn vào nhà? Với tụi nít quê chúng tôi hồi đó, ngõ chính là nhà. Bởi ngoài lúc đến trường, thời gian còn lại chúng tôi luôn tụm năm tụm bảy, cùng “đánh đu” ở ngõ chơi đủ trò cút bắt, ú tìm, bắn bi, nạp vụ,…

Chẳng như bây giờ, nhà nào nhà nấy đều lát gạch, xây tường ngăn ngõ bằng bê tông, làng tôi cách đây khoảng chục năm về trước  rất sinh động và quê kiểng. Làng có mấy chục ngôi nhà thì sẽ có mấy chục kiểu ngõ. Ngõ kín, nửa kín nửa mở, mở hẳn,… ngõ được rào bằng cây cảnh, cây chè tàu, bằng tre tươi, tre khô thế nào là tùy thuộc vào gia chủ. Chủ thế nào thì ngõ thế ấy, nếp nhà ngăn nắp thì ngõ trông vững chãi, chủ nhà lãng mạn thì con ngõ nên thơ. Ngõ quê như cái bìa sách mà chỉ cần tinh tế là người đọc có thể ít nhiều đoán biết được nội dung của cả cuốn.

 

Còn nhớ, ngõ vào nhà ông Kiệp xóm Càn Trên là con ngõ đẹp và tình tứ nhất làng tôi. Hai hàng chè tàu xanh mướt lúc nào cũng được ông tỉa tót thẳng tắp. Cách hai mét lại có một cây cau vươn mình thẳng đứng, tạo giao diện về không gian thật thích mắt. Những buổi chiều hè, khi lùa trâu về ngang ngõ nhà ông, bóng những cây cau đổ xuống, xéo dài trên đường như chia ô đều đặn khiến tôi táy máy tự đo bước chân mình theo bóng cau, chúng thật nhỏ bé. Ở lối cổng vào, ông uốn cong mấy cành hoa giấy để tạo thế sinh động. Hoa giấy là giống cây ưa hạn nên hầu như quanh năm đều nở hoa, những bông hoa đỏ rực, chụm đầu vào nhau, thắp lửa dưới vòm trời xanh veo. 

Con ngõ xấu nhất làng đích thị là ngõ nhà bà Lề ở xóm dưới, cách nhà tôi mấy mảnh vườn. Bà Lề không có chồng, không con cái, quanh năm suốt tháng chỉ ở một mình. Mỗi lần ra khỏi nhà, bà kéo nhánh nè tấp kín ngõ lại, khi trở về bà lại kéo nè ra. (Nè là những đọt tre khô hoặc những cành cây bụi, cây dứa dại…) Những chùm nè đầy gai luôn là “kẻ thù không đội trời chung” của tụi trẻ con trong xóm. Bọn tôi có thể “đục nước thả câu”, chờ nhà nào đi vắng là leo trèo, chui lỗ chó dạo quanh để vặt trộm trái xanh, thế nhưng riêng ngõ bà Lề thì đứa nào đứa nấy đều tởn. Mấy nhánh nè lúc nào cũng đóng vai hung thần, chễm chệ án ngữ, chắn ngang lối vào nhà vào vườn, bọn nhỏ kéo bên nào cũng vướng, nếu không khéo gai còn cào thủng chân tay.

 
Ảnh: Nông Văn Dân 

Riêng con ngõ nhà tôi dù đi qua năm tháng nhưng chẳng bao giờ thấy già đi, chỉ luân hồi bởi những sắc màu của mùa màng, cây cối. Mùa xuân, ngõ tươm tất hơn bởi màu xanh nõn nà của những vòm lá xếp khít vào nhau. Đến tháng 4, tầm xong mùa gặt, bố tôi sẽ rải rơm từ đầu ngõ vào đến sân khiến cả đoạn đường dài bừng lên màu vàng rực óng nắng. Khách đến nhà phải bước lên rơm mà đi, người trẻ thấy êm, người già lại thấy nghẹn chân, bước thấp bước cao quýnh quáng. Những tuần gió Lào, ngõ lại bàng bạc một màu khô rát của bụi mù, của những vòm cây khát xác xơ. Đến tầm tháng 10, tháng 11 âm lịch, khi mưa ngập trắng đồng, ếch kêu đầy bãi, con ngõ bỗng chốc trở nên vắng hoe, có màu xám sâu của gió bấc và mưa lạnh. 

Ngõ đông khách nhất chính là vào lúc nghỉ hè. Khi không mà con ngõ nhà tôi trở thành điểm hẹn của tụi trẻ con trong làng. Ngõ thuộc dạng dài nhất, từ cổng nối vào nhà là cả thế giới cây xanh với đủ loại cây bóng cả như mít, duối, xoan nên những trưa hè lúc nào cũng râm mát. Ngõ được chia làm nhiều đoạn, có ranh giới hẳn hoi. Dưới gốc duối gần sân nhất là nơi tụi con gái chí chóe cãi nhau với trò ô ăn quan, tiếp đến là đoạn đường bằng phẳng ưu tiên cho loạt boy nhí vạch chỉ tạt lon, đến đoạn ngoài cùng gần cổng nhất là địa hạt của bọn đàn anh bắn bi, nạp vụ. Cả con ngõ dài trưa nào trưa nấy đều ồn như cái chợ vỡ. Bị mắng, bị dồn đuổi nhưng rồi đâu lại vào đó, tụi nít quỷ có thể mệt vì học nhưng chẳng bao giờ thấy mệt vì chơi !

Nhớ ngõ quê đôi khi cũng vì thương những dáng hình thân thuộc. Mẹ gánh lúa oằn vai, từ đồng xa chỉ mong về tới ngõ, đẩy phịch đôi bó lúa xuống gốc xoan, đỡ từ tay con gái ly nước mát mà thở phào nhẹ nhõm. Ngõ là nơi mẹ từng ngóng đợi cha về trong những đêm trắng, giữa mùa gió bão miền Trung. Ngõ cũng là nơi có bóng nội thân thương, bao chiều gầy hao trong nắng.  Nội quét lá, nhỏ cổ, cắt cành rồi đủng đỉnh ngồi kê lên cán chổi rành, bỏm bẻm nhai trầu. Qua bờ dậu thưa, nội bắt chuyện với bà Giáo nhà bên nào chuyện người trẻ đi xa, người già trở ốm...

Ngõ là nơi bịn rịn khi những đứa con chắp cánh bay đi, là nơi dịu dàng, cởi mở khi đón chúng trở về. Nhớ ngõ là nhớ những đón đưa ắp đầy yêu thương và neo buộc.

TAGS

Dấu xưa

Yên Mã Sơn |

Những khi buồn chán, người ta thường tìm lại dấu cũ - người đời quen gọi là kỷ niệm. Nó như một chỗ dựa lúc chông chênh.

Ngọn đèn trên tay

Yên Mã Sơn |

Cuối tuần tôi lại lên núi. Mỗi lần lão thấy tôi lên núi, đứng nhìn về thành phố thì liền hỏi: “Ngọn đèn trên tay cậu đã tắt chưa?”. Tôi lại cười, nụ cười như đã mặc định từ trước bởi biết rằng lão sẽ hỏi câu này.

Thương vệt khói ám của ngày thơ

Yên Mã Sơn |

Cứ mỗi độ đất trời xám xịt một màu u ám, nghe đài báo mưa lớn kéo dài trong khu vực, ba lại chuẩn bị dây dợ cột lại những vì kèo, chằng kéo những cái cột của mái nhà tranh để chuẩn bị đương đầu với lốc tố.

Vu lan rằm tháng 7: Vì sao là bông hồng đỏ, trắng cài trên ngực áo?

Diệu Mi |

Ai khi dự lễ Vu lan cũng đều có những cảm xúc khó tả khi đón nhận một bông hồng đỏ hoặc trắng cài trang trọng lên ngực áo để nhớ đến đấng sinh thành. Ý nghĩa của màu sắc bông hồng trên ngực áo này là gì?