Rời thành phố với những xô bồ, tôi ngược xuôi miền biên giới. Gần 100 cây số đường rừng, Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) đến mùa hoàng hoa, những nỗi nhớ chen chúc nhau ùa về, cứ như một sớm mai thức dậy ở phố núi, hít đầy lồng ngực những trong trẻo của núi rừng vẫn cứ thấy thiếu vắng gì đó rất mông lung. Mùa hoa dã quỳ ngập vàng những con đường, tôi thơ thẩn đi, lần tìm trong màu hoa ấy những sắc màu thương nhớ.
Gói ghém đủ chín mươi ngày, có thể hơn, tôi mới có dịp trở lại Hướng Phùng. Lẽ dĩ nhiên khi quay trở lại nơi mình từng đi qua, con người ta hay lục tìm kí ức, những ngày cùng cộng đồng trồng hoa nơi miền biên giới là kí ức rõ nhất trong tôi cho đến lúc này. Tôi hay gọi nơi đây là phố núi, chỉ sau Khe Sanh và Lao Bảo, Hướng Phùng là một xã trên nhánh Tây của đường mòn Hồ Chí Minh nhưng lại mang đầy đủ dáng dấp của thành phố miền biên viễn. Có chút gì đó xa xăm, lặng lẽ, nhu mì, e ấp… giữa những chật chội xô bồ của cuộc sống là không gian yên bình, gợi cho lữ khách nhiều hoài niệm.
Không lạnh như Đà Lạt, chẳng lãng đãng sương giăng như đỉnh Sa Mù, trung tâm xã Hướng Phùng vừa đủ để đi bộ, chỉ tầm hai mươi phút là lữ khách có thể đi hết những điểm được cho là hiện đại bậc nhất ở đây. Nhưng điều ấy không gợi nên cảm giác hụt hẫng, nó vừa đủ. Sau những bước chân vội vàng, lữ khách có thể phóng tầm mắt nhìn đồi núi bao la, tầng tầng lớp lớp mây trôi trên những đỉnh đồi và bên dưới ấy màu xanh ngắt của những vườn cà phê, chanh leo, hồ tiêu… chen chúc nhau, nương tựa vào nhau, như sự cố kết cộng đồng người Kinh và Vân Kiều giữa miền sương gió. Không gian kết nối yêu thương, của những con người dựa vào nhau để tồn tại từ những ngày đầu rừng núi thâm u cho đến nay Hướng Phùng đẹp mơn man như bóng hình người thiếu nữ.
Những ngày rét chưa đủ run, tôi ngược xuôi khắp những con đường. Mùa hoa dã quỳ đã đủ độ chín. Năm 2020, thiên tai đổ xuống trên mảnh đất này, đồi núi sạt lở, mất mát rất nhiều, kể cả con người và của cải vật chất. Nhưng dường như sau những đớn đau, mọi người nương tựa vào nhau để sống, ngồi gần nhau để sẻ chia hạnh phúc và san bớt nỗi đau. Hoa dã quỳ vàng như minh chứng cho sức sống mãnh liệt ở miền biên giới này. Cứ ngỡ sau bão lũ sẽ vắng mùa hoa, nhưng trong cái nắng chợt ẩn hiện nơi núi rừng, con đường dã quỳ vẫn rực vàng trong những ngày chớm rét.
Có rất nhiều lí do để lữ khách trở lại Hướng Phùng, một mối thâm giao, vài kỉ niệm quyến rũ lòng người, một chút buồn, chút vui không dễ gì sao lãng. Tôi độc nhất vấn vít, bởi màu vàng của hoa dã quỳ. Một ước mong cứ đặt xuống rồi nhấc lên, vay đi hoàn lại với thiên nhiên, sau cùng vẫn là những chồi cây bé nhỏ, từ ngày này qua tháng khác, hơn ba trăm ngày bật lên những nụ xanh, rồi từ đó bung cánh hoa vàng giữa núi trời lồng lộng. Hoa dã quỳ mọc lên từ đất, dưỡng sinh từ đất và được đất truyền cho sự dũng mãnh để đi hết cuộc đời mình.
Nhưng cuộc đời của dã quỳ dường như bất tận. Với sự trường tồn của hoa, nhắc tôi nhớ rằng, thiên nhiên ban tặng cho cây một sự sống và là cây có hoa, cho đời hương sắc thì sứ mệnh đó chẳng dễ gì đứt đoạn. Dã quỳ sống mấy trăm năm, tôi tự thắc thỏm điều ấy, chưa kịp tìm ra ẩn số sau những ngày nở hoa, lá tàn rụi rồi đến mùa sau từ những cành khẳng khiu ấy bật lên những chồi xanh, lá mướt mát, tràn đầy sự sống như bao ngày ấp ủ, được mẹ đất ấp ôm, trau dồi cho khí tiết để ngày sau vẫn sinh tồn.
Trong những ngày lang thang ở Hướng Phùng, người tôi tâm đắc nhất vẫn là Tăng, anh bạn Vân Kiều đồng trang lứa, người có công việc hiện đại đó là kinh doanh cà phê nhưng suy nghĩ của Tăng như cây mọc từ núi rừng. Không tham lam, chỉ vừa đủ cho cuộc sống. Tăng sống chan hòa với thiên nhiên và yêu thương hết thảy những con người. Tình yêu chính là hạt giống của hạnh phúc. Triết lý sống của Tăng thực ra có từ rất lâu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị, nhưng Tăng là người biết gìn giữ, mang nó đi, đến tận bây giờ. Như cây dã quỳ, qua bao mùa tuổi không già không trẻ, không nhìn trước ngó sau, không dè dặt hay lo âu. Cứ thể nở hoa thắm cho đời chút ơn, sau những ngày giông bão. Đôi lúc tôi nghĩ, phải chăng ẩn dụ của dã quỳ là hương hoa, nồng nàn trong gió rét, ngửi chút bâng quơ lữ khách nhớ hương tình cũ. Tôi cảm được, nhiệt độ của mùi hương, nó choán hết không gian lạnh lẽo. Từ trong lòng mình nghe ấm áp, thì rét mướt có sá gì. Như người ta yêu, bằng lòng nhau thì hai trái tim chung làm một, lỡ khi thất tình thì đem ra, cũng kỉ niệm về hai con tim chung nhịp đập. Tăng còn nói với tôi, về hoa dã quỳ, nghe đâu là truyền thuyết về loài hoa, là những người thất tình trong thiên hạ, tụ về rừng một ngày rét mướt nhen nhóm lại những kỉ niệm yêu.
Có vô số cách để lí giải cho những loài hoa. Nhưng mùa đông hoa trổ màu vàng thì chỉ có dã quỳ mới đủ bề hương sắc. Vừa xuân sắc lại vừa ấm êm, từ nhụy hoa động đậy những hương thơm thì chuyện tình dở dang kia là một trong vài cách lí giải. Tôi thì nghĩ rằng, với những ấm áp của dã quỳ trong ngày đông, nó là tình yêu cao đẹp. Những ngày ở đây tôi cũng đã gặp Dược, một người anh lãng du giữa đất trời, vô thức giữa đời người, cứ thẩn thờ miền sương gió với câu chuyện thực hư. Anh Dược đi tìm… mẹ! Tìm bao nhiêu năm không ai rõ, tôi cũng không, anh cũng không… chỉ nhận ra nhau và dấy lên bao kí ức của người sinh thành và dưỡng dục mình. Đó là mối tình thiêng liêng mà trời đất đã ban cho con người hơn giống loài khác. Lẽ nữa tôi nghĩ dã quỳ là tình thân, có khi đó là người mẹ hết lòng yêu con đến khi hóa kiếp. Mặc lòng, mỗi người có thể sản sinh chuyện tình yêu theo cách riêng của mình nhưng không thể chối bỏ rằng, dã quỳ đẹp bất chấp bão giông, bước qua những gian truân để trút cho mùa vàng, minh chứng cho sức sống của loài hoa dại nơi miền biên ải.
Trập trùng những nghĩ suy, về chuyện hôm qua và chuyện hôm nay, giữa ngày rét và mùa xuân ấm áp. Nếu đời người chỉ chờ vào mùa xuân, để được đền đáp gì đó thì lẽ sai thường tình. Hoa dã quỳ lặng lẽ sống, lặng lẽ trổ bông, lặng lẽ rút mình để mùa sau lại nở. Hoa chờ đền đáp gì. Có khi đi ngang ta ngắt vội nhành hoa, cài lên mái tóc đẹp nhưng cây chảy nhựa sống. Cũng có khi ta vô tình chặt đứt, một vài bụi hoa chỉ để tiêu tan nỗi bực dọc của lòng mình thì mùa hoa chỗ này sẽ thưa thớt. Từ chuyện loài cây và sự trổ bông, nó bảo ta một điều, có nên giận giữ không, với cây, nhất là với cây có hoa đẹp như dã quỳ. Hoặc giả sử lòng tốt, người tốt… cố tình hoặc vô ý bị xâm phạm, bị đánh mất, thế là thiệt thòi cho chính người tạo nên nó chứ chẳng bẻ bàng gì. Người tốt cũng như hoa, và lẽ thường phải như thế. Cứ cho đi, lặng lẽ, không lấy về bất cứ gì, kể cả sự hàm ơn.
Tôi đi qua Hướng Phùng gần c hục mùa hoa. Mùa nào cũng gợi nên những sắc màu thương nhớ. Miền rừng, có vô số cám dỗ. Từ cỏ cây cho đến con người, nhất là bản làng Vân Kiều. Từ những cái tên như Chênh Vênh, Bụt Việt, Mã Lai…sự đam mê với những gì còn lại. Một câu nói, cách nói, sự chào mời và tấm lòng trắng trong. Đó sẽ là loài hoa bất diệt trong lòng người. Phải chăng điều đó khiến người mẹ thiên nhiên rắc lên mảnh đất này hạt giống dã quỳ, nó là đam mê của lữ khách, niềm tự hào và hân hoan của người dân phố núi Hướng Phùng. Trong một sớm mai, con người và cỏ cây bật lên những sức sống lạ thường, hoa cứ nở trong gió rét, bản làng Vân Kiều yêu kiều bên dãy núi mờ sương. Có khi, còn chục mùa hoa nữa lòng tôi vẫn đợi chờ, như lòng sẵn đó để yêu thương.