Niệm khúc hoa xoan

Yên Mã Sơn |

Những cơn mưa dông đầu tiên của năm xóa tan cái tiết trời oi bức. Sau cơn mưa, bầu trời như được nhuộm lại, mới hơn và thơm… hơn.

Dạo này trời thơm bởi một thứ hoa. Loài hoa này bạn bè tôi thường gọi là hoa của trời. Chính cái nét bình dị, tinh thơm và được trồng, mọc khắp nơi như cỏ nên người ta gọi cây sầu đông là cây của trời. Bạn mình bảo cái tên nghe kiêu quá: sầu đông. Còn người dân Quảng Trị (hay người miền Trung) thì gọi là cây sầu đâu (hay thu đâu). Cây thì gọi thế nhưng hoa thì nên goi là hoa xoan mới đúng với cái vẻ quê mùa của loài hoa này. Người ta ví nó là hoa của nhà nông cũng phải.

 

Dạo còn học ở Huế, mỗi độ tháng ba đi qua cầu tràng Tiền hay cầu Phú Xuân, ngó xuống dưới chân cầu ở bờ bắc hay bờ nam là thấy hoa. Đó là một khoảng không gian tim tím giữa những chồi non đang nhú lên biêng biếc. Lúc này đạp xe đạp mình thường dừng lại, tự hít vào thật sâu cho đầy lồng ngực, như tiếc cái làn hương ngây ngất ấy hòa tan vô ưu giữa đất trời. Thể nào mình cũng chép miệng nói với đứa bạn đi bên cạnh: Nhớ nhà quá mi ơi. Ở quê xoan cũng đương độ khai hoa…

Thành phố ít trồng sầu đông, ở Huế tự thuở nào còn sót lại những cây cổ thụ nằm sát bờ sông Hương, còn lại xoan nằm trong vườn nhà dân đếm trên đầu ngón tay.

Ở quê người ta trồng xoan ở hàng rào. Nhà nhà đều trồng thứ cây này. Những con đường liên thôn trồng duy chỉ hoa xoan. Đến mùa ra hoa, mùi thơm ngất cả vùng trời, đâu đâu cũng chỉ mùi xoan. Đời này qua đời khác, những cây già cỗi chết hay bị bão đỗ sẽ có cây con khác thay thế như những lớp người sinh ra, lớn lên đi khỏi làng, dù năm châu bốn bể rồi cũng quay về ngủ vùi trong lòng đất của làng như một quy luật lá rụng về cội.

Cứ đến mùa xoan nở thể nào trời cũng lún phún mưa. Sau mưa là những ngày dài oi ả, báo hiệu một mùa hè rực lửa và hoa xoan cũng kết trái. Chỉ cần đến tháng 5, khi lũ học trò bắt đầu nghỉ hè là trái đủ vừa to cho bọn trẻ hái xuống chọi nhau. Hái trái xoan để làm đồ chơi là cách mà bọn trẻ ở nhà nông thường làm. Chỉ cần một nhành xoan nho nhỏ đủ để vài đứa chơi ô quan.

Sau này dù ở ngay chính ngôi nhà của mình. Giật mình khi ngửi thấy mùi hoa xoan. Ngạc nhiên một tiếng rồi thấy mình buồn buồn. Quay qua một ai đó đang ở cạnh mình, bảo: Mỗi lần ngửi thứ hoa này là nhớ nhà. Người đó sẽ sờ vào đầu mình, quát: Mi bị sốt cao à, đang ở nhà mà bảo nhớ nhà… Hoa xoan làm mình nhớ vu vơ. Những hình ảnh từ thuở nào lại đưa ra dò xét, mường tượng, dù chính ở trong ngôi nhà của mình mà bảo nhớ nhà như ai đó ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên vậy.

Đôi lúc giật mình nếu không có chút hương xoan ấy, liệu trong cuộc sống áo cơm ngày thường mình có phút nhớ nhà “lãng xẹt” ấy không? Rồi lại giật mình một ngày nào đó, con đường làng sạch bóng cây xoan, rồi hương xoan sẽ còn động trong ký ức?

Giờ về quê, đường làng cây xoan thưa dần. Người ta đón hạ để làm ván hay dùng la phông trần nhà vì tính ưu việt của loài gỗ đắng mà mọt cũng phải chê này. Bởi lẽ ngày xưa nhà tranh, vách đất trồng xoan chỉ để có cái bóng, hưởng chút hương chứ chưa ai nghĩ đến một ngày gỗ xoan được người thành thị về mua với giá cao. Cơn gió thị trường, đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều thứ. Hoa xoan cũng không phù hợp “làm dáng” bên con đường làng vừa được bê tông hóa nữa rồi. Tự nó trút bỏ hết sứ mệnh.

Mai này tìm hoa xoan ở đâu nhỉ. Chợt buồn bởi một làn hương xưa.

TAGS

Chào tuổi ba mươi

Diệu Ái |

Ngày mình tròn ba mươi, sớm ra thấy trời âm u tĩnh lặng. Mây xám ngắt, cả bầu trời bàng bạc, rét lạnh mùa này vẫn khiến người ta buốt tim tại đơn lẻ lâu dài. Mở khúc nhạc mùa đông và nhâm nhi cà phê bên cửa sổ, cảm giác này đôi khi hay ho bởi miệt mài thân thuộc quá chừng.

5 dấu hiệu rạn nứt tình cảm không nên bỏ qua

An Nhiên |

Trả lời tin nhắn chậm, không quan tâm ngày kỷ niệm tình yêu, sợ hãi khi nhắc đến chuyện tương lai… được xem là những dấu hiệu xấu cho mối quan hệ tình cảm của những cặp đôi đang yêu.

Tản mạn về cánh đồng

Bùi Viết Anh |

Thường thì, những bông hoa dại ở ven bờ kênh, bờ ruộng không có hương thơm ngào ngạt, nó chỉ thoang thoảng đưa hương. Sự hiện diện của bông hoa dại như một nốt nhạc ngân lên giữa bài ca cánh đồng. Nhưng bây giờ, cũng hiếm hoi lắm mới tìm thấy ở trên bờ ruộng, bờ kênh một bông hoa. Bởi người ta đã tận diệt chúng bằng thuốc diệt cỏ, thuốc khai hoang. 

Dạy con

Cu Trí |

Một buổi tối muộn cách đây 7 năm, tôi vô tình thấy trên Facebook bức ảnh bé gái đang khóc, tóc tai rũ rượi, xung quanh bộn bề đồ dùng học tập. Chú thích bức ảnh là những dòng chữ do người cha sử dụng chính tài khoản của cháu để viết về việc bạn gái này lấy trộm tiền của bà nội, của mẹ, của anh ta. Đứa trẻ vừa trả giá việc đó bằng một trận đòn, có lẽ đau. Việc của nhà người ta, phải rồi, tôi ngồi im nghĩ một lúc rồi quyết định nhắn tin anh ta không nên làm nhục một đứa trẻ bằng cách bêu riếu trên mạng trên chính tài khoản Facebook của con mình.