Một buổi tối muộn cách đây 7 năm, tôi vô tình thấy trên Facebook bức ảnh bé gái đang khóc, tóc tai rũ rượi, xung quanh bộn bề đồ dùng học tập. Chú thích bức ảnh là những dòng chữ do người cha sử dụng chính tài khoản của cháu để viết về việc bạn gái này lấy trộm tiền của bà nội, của mẹ, của anh ta. Đứa trẻ vừa trả giá việc đó bằng một trận đòn, có lẽ đau. Việc của nhà người ta, phải rồi, tôi ngồi im nghĩ một lúc rồi quyết định nhắn tin anh ta không nên làm nhục một đứa trẻ bằng cách bêu riếu trên mạng trên chính tài khoản Facebook của con mình.
Khoảng 15 phút sau, bức ảnh đó được xóa trong đêm, tôi đã hi vọng bạn bè của đứa trẻ đã đi ngủ sớm để không đọc những dòng chữ nặng nề đó. Nếu chuyện này xảy ra khi mạng xã hội lan thông tin nhanh như hôm nay, có lẽ sẽ không hề đơn giản đến như vậy.
Bạo lực, lời miệt thị, coi thường… của cha đối với con, cảm giác tội lỗi trẻ thơ sẽ bị thay thế bởi một viễn cảnh vô phương cứu chữa. Nó có thể sẽ biết quá vâng phục, đến độ chỉ dám cựa quậy khi đã đứng xa hẳn bố, nơi mà quyền lực, bạo lực không còn vươn tới nữa. Chỉ nghĩ cách chạy trốn, mà thường là chạy trốn vào nội tâm.
“Cũng đúng là bố chưa một lần thực sự đánh con. Nhưng tiếng bố thét, mặt bố đỏ tía lên, bố hối hả tháo thắt lưng da, rồi bố luôn bày sẵn nó trên thành ghế, khiến con gần như hết chịu nổi.
…
Tất cả những lần mà theo ý bố, con xứng đáng bị đánh đòn, nhưng rốt cuộc lại thoát được trong phút chót nhờ lòng khoan dung của bố, chỉ làm tích tụ ngày càng dày hơn cảm giác tội lỗi trong con. Đâu đâu con cũng thấy mình có tội trước bố.”
Trích “Thư gửi bố” của Franz Kafka.
Dạy con luôn thật khó.
(Nguồn: Ngày nay)