Buổi sáng, nắng đã cao mà sương chưa tan. Sương giăng từ đỉnh núi này qua đỉnh núi nọ như một chiếc cầu mây bắc qua thị trấn biên giới. Con đường Chín như một dòng suối, lượn lờ qua nhiều khe đá, hun hút chảy về xuôi.
Xứ Lao Bảo lắm mây. Đã có lần mình ao ước có một ngôi nhà nằm trên đỉnh Đồi Chua hay ngay dốc Làng Vây. Buổi sáng đẩy cánh cửa sổ ở phòng ngủ là có thể nhìn thấy mây giăng qua thung lũng Lìa và thung lũng Lao Bảo. Gần ba chục năm gắn bó với đất này, mình luôn là những người xa lạ đối với những buổi sáng ở xứ núi. Mỗi sáng thức dậy sớm, mọi tiếng động đều mờ nhạt, lúc này chiêm nghiệm về cuộc sống mỗi lúc một khác, đương nhiên mỗi lần như thế đều là lần đầu và lạ lẫm.
Lao Bảo thức dậy từ tiếng xe máy của một thanh niên thồ chuối đến điểm tập kết, tiếng xe khách chạy tuyến gió còi gọi khách inh ỏi. Cố nghe rõ hơn là tiếng chuông chùa Phước Bảo nhợt nhạt xen lẫn. Một ngày biên giới được khởi động như thế. Nhưng với mình luôn mới mẻ và đầy phấn khích. Mậu dịch biên giới phát triển đã khoác lên thân thể xứ này những chiếc áo gấm với vẻ ngoài hào hoa. Lắm lúc sự hào hoa bên ngoài chẳng phản ảnh cái nội tại bên trong!
Những thanh niên từ Lào trở về ngồi bó gối trong thềm nhà nhìn ra. Sương đã tan, nắng đã lên nhưng lòng chẳng buồn đi đâu, tay cũng chẳng biết làm gì. Cái kiểu tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì cũng là bề chìm sau cái hào hoa gấm vóc.
Nhưng bình thản nhất trong cái xu thế biến thiên không ngừng vẫn là những con người lao động thuần phác. Đó là những cô gái Vân Kiều cõng măng, chuối xuống phố. Mớ măng, buồng chuối nằm khiên tốn trong góc chợ xép xem ra chẳng ảnh hưởng gì mấy từ cơ chế thị trường, xa hơn là những chính sách tài khóa của nhà nước sở tại cũng như nước bạn Lào.
Cái đìu hiu vốn có của mấy mươi năm trước như lặp lại trên cái hiện tại buồn nhạt. Phẳng lặng như mặt nước hồ Tâm Thủy, chỉ gợn sóng lăn tăn khi những cần thủ ném câu ra xa trên mặt hồ. Sự nhàn rỗi hiện hình trên bức tranh tổng thể của phố núi. Quanh hồ lớp người đi câu như chiêm nghiệm cuộc mưu sinh khắc nghiệt. Buông câu mà chẳng thiết tha chi cá, tôm. Họ bắt gặp chút hi vọng, hiếu kỳ trên chiếc phao trôi nổi. Họ nhấm rượu, họ nói với nhau về thời cuộc, về tình hình con buôn ở xứ Triệu Voi, về container gỗ, than ở chính ngay mép hồ. Trật tự của sự thịnh vượng, nghèo khó; được, mất; may, rủi đổi ngôi trong cái nháy mắt. Chỉ còn lại những người buôn thúng bán bưng, ít “mẫn cảm” với nhiều chính sách của bên kia bên giới là cứu cánh của xứ núi. Họ vẫn lẳng lặng bám khu chợ xép, bám quang gánh để mưu sinh. Họ không sợ bão vì họ đang đứng ở tâm bão, họ chẳng xô bồ thời cuộc.
Tháng ngày này mình đi qua với những nỗi buồn như thế. Mưa bên núi bay về trắng trời, nước sông đục ngàu. Mặt trời đôi lúc quên thức dậy giữa ngày uể oải gọi bầy chim bên thung lũng.
Hơn một lần mình tự hỏi, Lao Bảo khi người ta lấy đi Khu thương mại (ý là lấy mất cái cơ chế ưu đãi lâu nay có được) thì xứ này còn gì? Câu trả lời là xứ này còn mây. Xứ này còn những chiếc Cầu Mây – Vân Kiều bắc qua thung lũng chăng?
Đó là chút thơ còn lại!