Tạ ơn biển

Trần Hoài |

Cứ mỗi lần về biển, ngồi nghiêm trang trước đĩa mực luộc tươi hồng roi rói, bát nước mắm nguyên chất thơm lừng, trong đầu mình lại dậy lên một câu muốn nói:

- Xin tạ ơn Biển!

Biển cung cấp bao nhiêu là sản vật cho ta chất đầy… vào bụng; lại cung cấp cho cái viu (view) tuyệt vời, cái gió tuyệt diệu và cái tâm hồn tuyệt trác.

Thật vậy, biển cả cho ta nhiều thứ quá…

Mình lớn lên bên bờ biển. Ba tuổi đã một mình ra biển, bốn tuổi biết bơi, từng suýt đuối nước không dưới chục lần; từng tắm biển khi trời có bão, ăn bao nhiêu cá mực tôm tép, sứa, rong rau, ốc biển… Biển lại cho cả kỷ niệm mối tình đầu, hai đứa dắt tay nhau đi hoài đi hoài trên bờ cát trắng, trăng lên rồi trăng lặn, nước lên rồi nước xuống, vẫn không thốt ra được một lời….

 
 Ngày xưa biển không có cát như bây giờ… Ảnh: Trần Hoài

Đi bộ đội, lại đóng quân mấy năm trên một hòn đảo giữa biển. Cô đơn, vui buồn đều chia cho biển… Biển như người tri kỷ, người tri âm.

Thế nên, với mình, biển như là ân nhân và trong lòng biết ơn biển lắm…

Dân tộc Việt mình cũng thế. Trong những cuộc thiên di tiến vào Nam mở mang bờ cõi, đoàn người gồng gánh, bồng bế nhau cứ theo mép biển mà đi. Bấm ngón chân trên cát trắng cháy bỏng hay trên những bãi phù sa cửa biển mặn mòi mà hoài vọng một miền đất an lành, tươi tốt…

Biển nuôi sống cả đời sống vật chất lẫn tinh thần cho cả một dân tộc, kiến tạo nên tầng vỉa Văn Hóa Biển, qua những biến cuộc của thời đại. Mãi mãi, biển thủy chung, tận tình, ôm ấp, vỗ về nâng ta đứng dậy mỗi khi thất bại đau đớn hay hát khúc hoan ca mừng thắng lợi…

Khi người tình đầu tiên bỏ đi, mình buồn khổ quá, chạy ra ngoài biển mà khóc hu hu! Nước mắt (ko biết có mặn không) chảy xuống biển, hòa ngay vào lân tinh lấp loáng rồi tan biến, chập chờn. Một cơn sóng ùa tới rào rạt, xóa ngay vết chân in hình trên cát. Mình hiểu ngay ra rằng, cái nỗi buồn bé con đó có nghĩa lý gì đâu so với biển cả muôn đời…

 
 Biển bao dung và đầy giận dữ. Ảnh: Hoàng Hải Lâm

Đành thôi buồn, trở lại rặng thùy dương vi vu, đứng huýt sáo bài “Ngày xưa biển không có cát như bây giờ…”, rồi viết thư cho nữ ca sỹ Ngọc Thúy ở Đoàn ca múa Hải Đăng… Nội dung bức thư chủ yếu là câu hỏi: “Ngày xưa biển không có cát thì có gì, thưa cô Ngọc Thúy?”…

Chờ mãi ba tháng sau mình mới nhận được thư trả lời của Thúy thì cũng là lúc mình nhận lệnh nhập ngũ. Ngồi trên thùng xe tải vào quân đội, mình bóc thư ra xem, Thúy trả lời: “Ngày xưa biển không có cát, không có sóng, không có gì cả, chỉ có bài hát này thôi anh ạ. Vào Nha Trang đi, em đón”. Mình đưa thư cho cả tiểu đội đọc chung, mấy thằng bảo: “Vào gặp Ngọc Thúy đi, người nổi tiếng như thế đã cho cái hẹn, cơ hội nghìn đời đó!”.

Ở lại huấn luyện 3 tháng quân trường, bắn AK bài 1 trúng 3 vòng 10, được thưởng phép 10 ngày, chạy về nằm trên bãi cát… Vục mặt trên cát, vẫn cứ không tin được ngày xưa biển không có cát…. Như bây giờ… Và có phải tất cả mọi điều, là "Lỗi tại tình yêu”?

Lâu quá rồi, không biết bây chừ Ngọc Thúy có còn hát nữa không, có còn nhớ bức thư ngày xưa của một gã cứ truy vấn mình hoài về cái mệnh đề triết học đó, nữa không? Và, cái này mới quan trọng này: Còn nhớ lời hẹn nữa không?

Biển cho nhiều, nhưng cũng lấy đi không ít. Hồi đó, mình đã chứng kiến mùa biển động xác người chết dạt vào bờ nhiều lắm. Đấy là những người trên một con thuyền gặp giông lốc giữa biển, xác định không thể nào sống được, họ buộc với nhau để cùng chết bên nhau…

Lần đó, mình cùng thằng bạn thân, Long, chạy hoài trên bờ cát để tìm xác ba nó. Ông đi biển ba ngày rồi chưa về. Dân làng bảo hay là làm mồi cho cá rồi nhưng mạ Long và Hằng, chị gái Long không tin… Ba mạ con thằng Long và mình cứ chạy hoài trên bãi cát vắng băng băng, gió lạnh rợn người, hét gọi tên ba nó trong suốt một ngày mùa đông… Thỉnh thoảng, mạ Long và chị Hằng lại dừng, thắp hương quỳ khấn trên cát: Con lạy Ngài, Con lạy Ông, con lạy Thánh thần, Quỷ ác, lạy Mẹ Đại dương trả lại chồng con, cha con!

 
 Tạ ơn biển... ẢNh: Ngô Hải Phong

Nhưng biển cả vẫn im lìm, từng con sóng cao lừng lững tiến vào bờ, bụi nước trắng mặt.

Rất nhiều năm sau đó, mình đi xa, trở về đến thăm mẹ của Long. Bà đã quá già, mắt đã mờ rồi. Thằng Long cũng đi xa ít khi về, bà sống cùng anh trai Long trong cái làng biển muôn đời này. Bà nói với mình, lời lẽ quê mùa nhưng đại ý thế này: Ôông (ông) không về được, ông ở lại Biển, đó mới là ngôi nhà đích thực của ông!

Vậy là biển, lại thêm một lần ban ân làm nơi hóa kiếp, an nghỉ vĩnh hằng của những phận người mong manh, chúng ta.

Mình nghĩ rằng, nên có một ngày lễ “Tạ ơn Biển”. Ngày đó, mình về trước biển, ngồi trầm tư suy ngẫm hay vui chơi ăn uống hát hò nhưng có mục đích, ý nghĩa là tạ ơn những gì biển cả đã dâng cho người.

Nếp tranh xưa

Hoàng Công Danh |

Buổi chiều, cỏ tranh dựng đứng lên xếp thành một lũy ở bìa làng. Ngay khi rễ cỏ còn vương dấu đất, loài tranh đã tự biết làm phên chắn gió cho một cõi linh thiêng tục gọi cồn Mai. Trong ý nghĩ của người quê, cỏ tranh biểu thị cho sự ấm áp và đôn hậu.

Cũng là nước chảy, mây trôi lỡ làng...

Hoàng Hải Lâm |

Chạm tới năm ngàn năm lịch sử, tức thời điểm ước tính sự có mặt của người Chăm ở miền tây Gio Linh, Quảng Trị.

Đường mòn hun hút trong mơ

Yên Mã Sơn |

Đi giữa đại lộ thênh thang, xe cộ trôi như dòng kênh mà nhớ đường làng. Đường làng quanh co nối những chiếc ngõ khép mình trước nếp nhà tranh mái bạc.

Chiều ô môi

Hoàng Hải Lâm |

Cũng không còn nhớ hôm đó là ngày tháng mấy. Tôi là trẻ con, nhớ cái gì đó chỉ thoáng qua.