Chiều ô môi

Hoàng Hải Lâm |

Cũng không còn nhớ hôm đó là ngày tháng mấy. Tôi là trẻ con, nhớ cái gì đó chỉ thoáng qua.

 Không cần biết ngày tháng, chỉ biết nó buồn vui, đẹp xấu rồi quên đến lúc mẹ dọn giường cho tôi ngủ. Sáng mai ra lại bắt đầu những trò từ hôm qua mà không hề hay biết. Cảm thức của con người, tôi nhận những điều mới toanh. Chỉ riêng chiều ô môi là tôi nhớ, vì màu hồng tím của nó đến ngộp thở khi sắc nắng về chiều.

Vườn nhà tôi có đến hai cây ô môi, một cây trồng ở chính cửa, còn cây kia lệch về phía hướng tây. Cũng không hiểu sao lại có lối trồng cây đó. Mẹ bảo mẹ quẳng hạt ra vườn còn ba bảo ba trồng nên nó mọc. Sao cũng được, với tôi là vậy. Tôi thấy cây mọc cao và chị trèo lên đó chụp ảnh. Ba bảo đẹp, mẹ cầm chổi đót hờ chị xuống. Con gái mà chụp ảnh nơi cây lớn lại còn xõa tóc, quỷ nó ám cho... tôi cười hùi hụi, con trông chị như nữ chúa rừng xanh, xinh tươi và hoang dại! Có đàn ông ám chị không thôi.

 
 

Rồi câu nói đùa của tôi cụt đuôi mắc vào cuộc đời chị. Chị yêu một gã trai rừng bây giờ có tám đứa con. Chị sống hoang hoải giữa một miền rừng xanh thăm thẳm. Tôi ít khi lên đó vì một quãng đường xa. Lần gần đây nhất đến chỗ chị, chàng trai rừng bỏ đi rồi. Chị chặc lưỡi, đắng kiểu vỏ ô môi nơi khu vườn ngày cũ. Nhưng vỏ ô môi làm thuốc được, còn cái việc chàng trai rừng bỏ đi khiến chị hiểu ra bao cơ sự. Trong thế giới những lo toan của cả đàn ông và đàn bà, chị lặng lẽ nuôi con. Như bông ô môi lặng lẽ rơi đến thì kết trái.

Và tôi là người nhặt xác bông ô môi...

Lúc đưa chị vào bệnh viện, tôi mới thấy chị khóc dữ. Nước mắt chảy tràn ra cả một chiếc ghế xe. Hôm đó là mùng một tết, chị nằm lặng im bên bếp lửa hồng. Chị ngoái đầu chào tôi rồi úp mặt khóc, rồi nói sau này lo cho mấy đứa cháu giùm. Tôi hiểu đây là lời nói của con người sắp ly biệt, vội hỏi chị đã uống thuốc gì rồi. Chị nói chị sắp chết.

Còn nhớ lúc đó mấy đứa cháu mà chị nhờ tôi trông nom đến 14, 15 tuổi hết rồi; có đứa hơn hai mươi tuổi. Chúng ngồi xem ti-vi rồi rúc rích cười, có lúc lại nổi đóa lên vì có đứa chuyển sang kênh khác. Chúng bảo với tôi mẹ uống thuốc lúc sáng sớm, uống nhiều. Tôi nghe đắng, nó lộn lên tận mắt và chảy xuống bờ môi. Đầu mùa xuân lá ô môi đã bắt đầu xanh thẫm, đó là lúc người ta lấy lá ô môi làm thuốc một cách tốt nhất. Mùa xuân bắt đầu cho một cuộc sống mới, tôi khóc cùng chị khi xe chạy trên một khoảng đường dài. Và chị mường tượng ra sự sống là vốn quý khi ở quanh mình còn những yêu thương.

Chị ra viện nhưng không trở về rừng. Tôi đón chị ở lại nơi khu vườn xưa yêu dấu. Chiều chiều, chị ra gốc ô môi ngồi nhìn mấy đứa con tôi chơi trò nhặt lá xếp mái nhà. Thằng nhỏ hỏi thằng lớn nhà để làm gì, chị ngồi xa xa nghĩ. Chị chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, chị cứ sống và nuôi con rồi không còn thời gian để nghĩ. Ừ, nhà để làm gì nhỉ? Rồi chị lặng nghe thằng cháu lớn nói. Nhà để che nắng, che mưa. Đây, bên này em, bên này anh, bên này là ba mẹ ôm nhau nữa... đó là tình yêu! Chị mím môi, giọt nước mắt rơi trên chiếc lá ô môi đủ để cho lòng nghe mình đang khóc. Chị bảo với tôi chị nhớ nhà, nhớ con. Lời đó như muốn xin tôi cho chị trở về nhà. Tôi chưa nói gì thì từ chỗ sân mẹ vừa nhặt lá vàng vừa nói, ở đó thêm mấy bữa nữa cho khỏi hẳn lên...

 
 
Những ngày xuân cuối cùng không ở lại, cây ô môi bây giờ đang trút lá giữa cái nắng hanh hao. Trên cành ô môi giờ đây bắt đầu lộ rõ những chùm quả đen lúng liếng từ mùa năm trước. Những bông hoa bé xinh bắt đầu quẩy lên từ cành và một sớm mai chị đứng ngẩn ngơ nhìn sắc hồng tím nở rộ trên cây. Chị cười xinh như một bông ô môi đã qua bao ngày ấp ủ. Chị bảo chị muốn chụp ảnh ở cây ô môi này.

Cây ô môi bây giờ lớn quá vòng tay người, chị không thể trèo lên cây để chụp ảnh nên mới đứng ở gốc cây. Tôi đưa máy ảnh chụp cái roạc và tấm ảnh được in ra. Dù đứng ở gốc cây nhưng chị vẫn là nữ chúa rừng xanh. Chị xinh tươi và hoang dại! Nghe câu đó chị cười mà lòng tôi nghe ấm lạ.

- Cậu nói, trước chị đẹp lắm chớ. Trước chị có chụp một bức ảnh ở cây ô môi chính cửa nhà mình. Lúc đó cây còn nhỏ nên chị trèo lên được...

- Và mẹ lấy chổi hờ chị xuống sợ ma ám phải không?

Tôi đưa bức ảnh ngày đó ra, chị cầm hai tấm ảnh so vào nhau rồi mắt như ngấn lệ. Với tôi, lúc nào chị cũng là nữ chúa rừng xanh

Chiếc túi may ngược

Yên Mã Sơn |

Tôi kể câu chuyện về những chiếc túi cho ông bạn thân làm ở tòa án. Với giọng hài hước, ông nói: “Người ta may chiếc túi ngược thì hơi khó coi. Nhưng nếu được vậy thì không cần đến những người như tôi nữa”.

Cậu bé tự kỷ trên một chuyến bay

QUANGTRI74.VN (ST) |

"Tôi choáng ngợp trước lòng tốt của mọi người. Họ khiến tôi muốn khóc", bà Gabriel nói.

"Lần đầu tiên, tôi thấy mọi người xung quanh rất cảm thông và bày tỏ sự giúp đỡ cho một đưa trẻ tự kỷ như Braysen. Điều đó khiến chúng tôi không phải lo ngại người khác nghĩ gì về con mình, vì họ hiểu chuyện…”

Gian bếp

Yên Mã Sơn |

Gian bếp là không gian gắn bó với người phụ nữ phương Đông. Đến nổi có những bà mẹ sắp gần đất xa trời cũng muốn lui tới nơi này. Chẳng làm gì được ở cái tuổi tri thiên mệnh đó nhưng vẫn lục tìm những hạt giống treo giàn khói từ thuở nào, giục con cháu lấy mà gieo trồng. 

Những giấc mơ ướt

Yên Mã Sơn |

Con đường bêtông dẫn vào khu nhà lá nhập nhòa ánh điện sau cơn mưa đột ngột. Hai đứa trẻ đứng dưới mái hiên bên cạnh những thùng xốp hứng nước mưa đợi chị về.