Gian bếp là không gian gắn bó với người phụ nữ phương Đông. Đến nổi có những bà mẹ sắp gần đất xa trời cũng muốn lui tới nơi này. Chẳng làm gì được ở cái tuổi tri thiên mệnh đó nhưng vẫn lục tìm những hạt giống treo giàn khói từ thuở nào, giục con cháu lấy mà gieo trồng.
Chỉ cách nhau cái bậu cửa, điểm ngăn cách giữa nhà dưới và nhà trên. Nhà dưới gồm gian bếp, phía sau gắn với cái chuồng heo hay chuồng gà; phía trước có thêm cái ang nước sớm tối chảy ró rách. Cả quần thể ngôi nhà thì gian bếp được xem là trung tâm mọi hoạt động của người phụ nữ. Nơi này sáng sớm có tiếng gà gáy, tiếng đàn heo đói kêu in ỏi, tiếng con gà nhảy ổ tìm chỗ đẻ trứng. Và sớm, trưa, tối bếp lửa lại rực lên. Khi thì lửa rơm, lá tre khói mù mịt; khi thì rực rỡ bởi loại củi được mót về trên rú.
Khi tiếng gà gáy sớm là mẹ bắt đầu dậy. Nhen ngọn lửa sớm đun nồi nước sôi pha trà, lá cho cả nhà. Sau đó là tiếng sột soạt của mẹ xúc gạo nấu cơm. Tiếng nước sôi sùng sục, mùi thơm gạo mới len lỏi lên cả nhà trên, hòa vào giấc mơ ngái ngủ khi mọi thành viên còn lại đang còn yên giấc. Lúc mặt trời ló dạng, bữa cơm sớm bưng lên. Cả nhà vây quanh nồi cơm bốc khói. Thế mà mẹ vẫn còn đâu đó dưới bếp hay sau hồi nhà. Nơi có bầy gà, đàn vịt, bầy heo đang đói. Đến khi mọi người ăn xong, người lên đồng, người đến trường, người lên phố, mâm cơm được đậy lại dành cho mẹ. Mẹ lẳng lặng mang xuống gian bếp. Ăn vội. Vừa ăn vừa nghĩ phiên chợ sáng sẽ mua những gì, nhà còn thứ gì, trái bầu ngoài vườn đã cắt ăn được chưa… Mẹ lúc nào cũng lặng thầm, cần mẫn như thế dù cho cả trăm ngàn lần ba giận dỗi, anh cả hung hăng về sự trung thành với gian bếp của mẹ.Có những buổi đi làm về. Đến nhà là chạy ù xuống bếp. Những chiếc nồi được mẹ treo trên giàn bếp đầy khói ám. Lục tìm trong đó thứ gì có thể làm yên cái dạ dày kêu xục xạo. Lúc đó ta thấy gian bếp khi vắng mẹ thật buồn. Cứ muốn khơi trong đóng tro ấy chút lửa, bỏ vào đó một nhóm rơm cho khói bay cao. Có lửa rồi cho gian bếp đỡ buồn. Ít nhất giữa buổi chiều đỏ quạch hoàng hôn đó cũng có một đốm sáng trong gian bếp ẩm mốc.
Thành phố nới rộng. Làng ven đô hẹp dần. Những chiếc ao tù cho đàn vịt biến mấy, lũy tre cũng thế. Bộ mặt nông thôn chẳng còn thứ gì làm tín vật để xác nhận mình còn nông thôn, còn quê mùa.
Ngôi nhà ba gian kiểu chiếc bánh ít mất dần. Đất đai một phần bị thu hồi, phần còn lại đem bán xây nhà. Mái phố mọc lên, nhà san sát theo kiểu mặt tiền khoảng 7m. Ai giàu có thì được 10m ngang. Đó là kiểu nhà ống ngột ngạt, bé tẹo như những hộp diêm. Dĩ nhiên vườn tược, giàn bầu, bí; chuồng heo, gà không còn. Những người dân quen đi chân đất, tối về chà hai bàn chân vào nhau cho bay cát rồi leo lên giường đánh một giấc đến sáng giờ phải tập sống kiểu thành thị.
Hình ảnh mẹ với gian bếp đầy khói ám không còn. Cái bậu cửa ngăn cách nhà trên nhà dưới không còn. Nhà trên là bộ sa long chễm chệ, khách khứa, anh chị em có thể dựa ngã thoải mái thay thế những chiếc ghế đẫu khiến người ngồi phải khom lưng hồi xưa. Sự bình đẳng trong lối sống cũng là một bước ngoặt văn minh. Gian bếp không còn giống bầu, mướp, ngô treo xông khói nữa. Lửa rơm đi vào quá khứ thay vào đó là bếp gas đầy tiện nghi.
Cuối tuần về nhà, sáng sớm không còn nghe tiếng gà gáy nữa. Thay vào đó là tiếng xe máy nẹt pô ầm ĩ. Thế mà mẹ vẫn dậy rất sớm. Cứ quẩn quanh ở dưới bếp. Chắc mẹ nhớ cái bếp ám khói của hồi xưa.